Ngày 26/4, Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp với Viện Thông tin KH&CN Hàn Quốc (KISTI) tổ chức Lớp học Quốc tế Việt Nam - Hàn Quốc năm 2023 về Nâng cao năng lực hoạch định chiến lược nghiên cứu và phát triển với Hệ thống V- COMPAS với sự hướng dẫn của các chuyên gia thuộc KISTI.
GS.TS. Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đơn vị đứng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Năm 2022, Viện đã công bố 2.151 công trình công bố khoa học, trong đó có 1.629 công trình đăng trên tạp chí quốc tế. Đặc biệt, trong tổng số các công trình quốc tế, số công bố có chỉ số IF ≥ 3 chiếm 37%, và số công bố đăng trên tạp chí đạt chuẩn Q1 của Scimago chiếm 35,8%. Đây là những con số đáng khích lệ, thể hiện năng lực nghiên cứu cơ bản của cán bộ Viện Hàn lâm.
Trong thời gian gần đây, Viện chú trọng hơn đến hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đưa công nghệ phục vụ vào mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Trong năm 2022, Viện Hàn lâm cũng đã được cấp 54 Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích trong đó có 1 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế.
Để phát huy hơn nữa tiềm lực KH&CN nhằm thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án từ chuyên ngành sâu đến đa ngành, đa lĩnh vực, Ban lãnh đạo Viện nhận thấy nhu cầu cần tiếp cận với các nguồn thông tin dữ liệu của các nhà khoa học là rất lớn, không chỉ là dữ liệu ở quy mô Viện Hàn lâm mà còn ở quy mô liên vùng, quốc gia, cũng như những vấn đề KH&CN quốc tế.
Chính vì vậy, việc trang bị những công cụ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và quản lý công nghệ, giúp cho các nhà khoa học tìm kiếm, tra cứu và hỗ trợ phân tích thông tin, tìm ra các công nghệ mới, bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới là hết sức cần thiết. Đồng thời, các nhà quản lý KH&CN cần có các công cụ để đánh giá công nghệ, giúp cho việc đầu tư đúng hướng với các ngành công nghệ ưu tiên.
Theo ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (Bộ KH&CN), hệ thống COMPAS (hệ thống phân tích năng lực cạnh tranh công nghệ) được phát triển nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển. Hệ thống này phát hiện và phân tích hoạt động công nghệ toàn cầu dựa theo nguồn thông tin đầu vào như: Bài báo khoa học, sáng chế, nền tảng dữ liệu bằng sáng chế.
COMPAS đã được áp dụng thành công tại Hàn Quốc và hiện nay đã được chuyển giao cho Cục Thông tin KH&CN Quốc gia để vận hành và khai thác sử dụng với phiên bản tiếng Việt (V- COMPAS). Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam là một trong 6 đơn vị được chọn để thử nghiệm.
Giới thiệu về V- COMPAS, TS. Hyuck Jai Lee, Giám đốc dự án nhấn mạnh, hệ thống giúp giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất mà những người tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển gặp phải là: Theo dõi thông tin thường xuyên, phân tích so sánh khách quan với xu hướng công nghệ, công nghiệp, thị trường; Giám sát và phản ứng với công nghệ cạnh tranh.
COMPAS tích hợp 10 module hữu dụng trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai nghiên cứu và phát triển. Nó được thiết kế với các mô đun đơn giản, trực quan, dễ dàng tiếp cận trên nền tảng web. COMPAS đưa ra các báo cáo phân tích đa dạng, dựa trên thông tin từ các sáng chế, bài báo khoa học và báo cáo thương mại phục vụ nhu cầu của người dùng. Dịch vụ được cá nhân hóa bằng cách để người dùng trực tiếp tìm kiếm và chỉ định công nghệ đích.
COMPAS giúp trả lời những câu hỏi: Ai là đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực công nghệ bạn đang quan tâm? Hiện trạng nghiên cứu công nghệ ra sao? Các tổ chức khoa học, doanh nghiệp nào cũng đang tiến hành nghiên cứu tương tự trong lĩnh vực này? Ai quan tâm đến công nghệ của bạn? Đâu là các công nghệ lõi trong lĩnh vực này? Đâu là các mảng thị trường mới? Tình hình giao dịch bằng sáng chế trong lĩnh vực này ra sao?
Nguồn Chinhphu.vn