Câu chuyện về công nghệ hỗ trợ cuộc sống của con người vươn tầm thế giới được TS Vũ Duy Thức Co-founder/CEO OhmniLabs chia sẻ khi nói về vai trò của công nghệ trong tọa đàm trực tuyến "Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong", tổ chức chiều 5/10.
TS Thức cho biết, công nghệ robottic đang thay đổi cách con người giao tiếp với nhau. OhmniLabs đã sản xuất được hàng nghìn robot đang vận hành với trí tuệ nhân tạo (AI) tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Mới đây, hãng hàng không ANA của Nhật Bản đã đặt hàng OhmniLabs làm một số dự án, mục tiêu biến việc đi lại trong tương lai sẽ được hỗ trợ bởi robot chứ không chỉ máy bay. Ví dụ, bạn muốn đi tham quan viện bảo tàng đại dương ở Nhật Bản thì có thể chọn một con robot ở đó để nó di chuyển đến bảo tàng. Thông qua robot, bạn có thể nhìn thấy và cảm giác như ở bảo tàng thực sự.
TS Vũ Huy Thức chia sẻ, khát vọng tạo ra sản phẩm "Made in Vietnam", đặt dấu ấn công nghệ trên bản đồ thế giới. Hiện sản phẩm robot của OhmniLabs được nhiều kỹ sư từ Việt Nam chung sức phát triển. Robot có thể giao tiếp từ xa, mọi lúc mọi nơi, trong gia đình, bệnh viện, trường học... Robot có thể di chuyển trong nhà, đưa hình ảnh đến người cần kết nối tạo ra cách liên lạc như hai người đang trò chuyện trực tiếp. Trong lĩnh vực y tế, robot kết nối bệnh nhân với bác sỹ, gia đình trong dịch Covid-19.
"Hơn 40 bệnh viện đã triển khai robot này trong đó có Việt Nam thông qua hợp tác với Chương trình triển Liên Hiệp Quốc UNDP", ông Thức cho biết.
TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAl (Vingroup) nhìn nhận, Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ mới. Trong số này có công nghệ nhận dạng giọng nói, trợ lý ảo, nhận diện hình ảnh xung quanh, công nghệ robotic, học máy... Nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng các công nghệ này.
Đồng quan điểm, TS Hùng Trần, CEO Got It cho rằng thời điểm này chính là giai đoạn chín muồi của một số công nghệ, các công ty nên tận dụng. Muốn làm thế, doanh nghiệp cần hiểu thị trường, nắm chắc công nghệ, đầu tư lớn để biến công nghệ lõi thành sản phẩm dịch vụ. "Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta phải làm mới nhiều thứ, đây là thời điểm thể hiện mình có khả năng hay không", ông Hùng nói.
Người dùng được lợi gì khi dùng công nghệ?
Phát triển được công nghệ mới, hữu dụng là bài toán không dễ của những người làm công nghệ. Tuy nhiên khi sản phẩm ra thực tế, làm thế nào để trả lời những thắc mắc của người dùng xung quanh sản phẩm đó đóng vai trò rất quan trọng.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, công nghệ vốn phức tạp với đa số người dùng, nhiều công nghệ rất khó để giải thích một cách dễ hiểu. Lúc này cần đến vai trò của truyền thông - đưa ra câu trả lời về lợi ích của người dùng khi tiếp nhận công nghệ, gắn với những tiện ích cụ thể trong đời sống. Cách này sẽ giúp người dùng sẽ hiểu, nhớ lâu và tin dùng công nghệ.
Ngoài truyền thông, các diễn giả cũng đề cập tới vấn đề sở hữu trí tuệ. Theo ông Hùng Trần, nếu công nghệ mới có tính sáng tạo và khác biệt cần được đăng ký sáng chế, tuy nhiên ông khẳng định việc này khá tốn kém.
Ở góc nhìn khác, ông Vũ Duy Thức cho rằng, bằng sáng chế còn có giá trị phòng thủ, bảo vệ công ty trước các đối thủ cạnh tranh, làm cơ sở để xử lý các tranh chấp phát sinh. Ngoài các vấn đề nêu trên, mô hình nền tảng sáng tạo mở khá phổ biến trên thế giới. Dựa trên bloockchain, chúng ta có thể sử dụng các công nghệ mới, hợp tác, cùng nhau nghiên cứu phát triển. Đó cũng là xu hướng mà nhiều tập đoàn lớn đang hướng đến trong tương lai.
TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh
nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) dẫn câu chuyện truyền thông công nghệ mới của Nhật Bản. Ông cho biết, truyền hình Nhật Bản nói về truyền thông công nghệ rất thú vị, trẻ em, học sinh đều có thể hiểu được. Họ kể chuyện 5G hay AI bằng những chuyện rất đời thường. "Đó sẽ phải là cách truyền thông công nghệ tiên phong trong tương lai", ông nói.
Tại tọa đàm, các diễn giả đều đồng nhất quan điểm về vai trò của công nghệ mới, tiên phong sẽ nâng giá trị cuộc sống, tuy nhiên cần để người dùng hiểu rõ trước khi đưa ra quyết định sử dụng công nghệ.
Trên tinh thần đó ông Lâm Quang Tùng, Trưởng Làng Công nghệ Giải trí – Truyền thông của Techfest 2021 tuyên bố hình thành Mạng lưới truyền thông quốc gia đổi mới sáng tạo với sự tham gia của 17 đơn vị là các cơ quan báo chí, truyền thông.
Mạng lưới sẽ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo cho xã hội, là nền tảng phát triển kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
Nguồn Chinhphu.vn