Trong báo cáo công bố hôm 1-7, các nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan, nhận định đại dịch Covid-19 có thể tạo ra bước chuyển ngoặt lớn đối với xu hướng đầu tư bền vững, mà thuật ngữ chuyên môn thường gọi là “đầu tư ESG” (Environmental, Social, and Governance Investing).
Đầu tư bền vững đang thu hút chú ý của giới đầu tư giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: Climateaction |
JPMorgan đã tiến hành khảo sát các nhà đầu tư từ 50 tổ chức toàn cầu đang quản lý số tài sản tổng cộng gần 13.000 tỉ đô la. Họ phát hiện ra, 70% trong số này tin rằng những sự kiện bất ngờ như Covid-19 sẽ kích hoạt sự quan tâm của các nhà đầu tư đến việc giải quyết các vấn đề như cuộc khủng hoảng khí hậu. Có 50% nhà đầu tư được khảo sát cho biết đại dịch Covid-19 tạo ra động lực tích cực cho hoạt động đầu tư bền vững trong 3 năm tới. |
Đầu tư ESG có nghĩa là trước khi ra một quyết định đầu tư, nhà đầu tư sẽ xem xét cách tiếp cận đối với các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị của một công ty bên cạnh các tiêu chí truyền thống như tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, sức mạnh bảng cân đối kế toán.
“Cuộc khủng hoảng đó đang gây chú ý hơn nữa đối với vấn đề biến đổi khí hậu và có tác động giống như một hồi chuông thức tỉnh các nhà hoạch định chính sách phải ưu tiên cách tiếp cận bền vững hơn đối với đầu tư”, Jean-Xavier Hecker và Hugo Dubourg, hai đồng giám đốc ở mảng nghiên cứu đầu tư bền vững và ESG của Ngân hàng JPMorgan, viết.
“Chúng tôi tin rằng các đại dịch và các rủi ro môi trường được nhìn nhận gây ra mức tác động nghiêm trọng như nhau và đó là tiếng chuông cảnh tỉnh quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách”, báo cáo của Ngân hàng JPMorgan nhận định.
Theo dữ liệu của Morningstar, trong quí 1-2020, dù dịch Covid-19 bùng phát, các quỹ đầu tư bền vững trên toàn cầu vẫn hút ròng số vốn kỷ lục 45,7 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó, các quỹ đầu tư tổng hợp bị rút ròng 384,7 tỉ đô la Mỹ. Riêng tại Mỹ, các quỹ đầu tư bền vững cũng hút ròng số vốn kỷ lục 10,5 tỉ đô la Mỹ trong quí đầu năm.
Báo cáo của JPMorgan dự báo tổng tài sản có cách tiếp cận đầu tư bền vững trên toàn cầu sẽ đạt giá trị 45.000 tỉ đô la vào cuối năm 2020. Trong khi đó, tổng tài sản nắm giữ của các quỹ chuyên đầu tư bền vững trên toàn cầu có giá trị khoảng 1.000 tỉ đô la, với châu Âu và Bắc Mỹ chiếm 90% thị phần.
Các quỹ đầu tư bến vững ở Mỹ hút ròng vốn kỷ lục 10,5 tỉ đô la trong quí 1-2020. Ảnh: CNBC |
Hồi cuối tháng 6, Ngân hàng USB (Thụy Sĩ) thông báo đã huy động 440 triệu đô la từ các khách hàng giàu có để rót vào Quỹ đầu tư vốn cổ phần ESG toàn cầu của Công ty quản lý tài sản Rockefeller Asset Management, chuyên đầu tư vào các công ty đang cải thiện năng lực của họ trong các vấn đề quản trị, xã hội và môi trường.
Hồi tháng 5, trong một báo cáo có có nhan đề “Đầu tư bền vững sau đại dịch Covid-19”, các nhà kinh tế của Ngân hàng UBS cho rằng các vấn đề quản trị doanh nghiệp như nhân quyền, phúc lợi của nhân viên (chẳng hạn cho phép làm việc từ xa), quan hệ cộng đồng đang được giám sát kỹ vì chúng đang trở nên quan trọng hơn trong kế hoạch bảo đảm kinh doanh liên tục của các doanh nghiệp trong thời kỳ phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19, giúp bảo đảm sức khỏe cộng đồng, công lý xã hội và ổn định kinh tế. |
Theo CNBC, Forbes