Tên sách: Cuộc đối đầu không cân sức
Tác Giả: Phan Thu
Năm Xuất Bản: 2020
Số Trang: 202
Nhà Xuất bản: NXB Trẻ
Viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã có rất nhiều các bài báo, các cuốn sách được biên soạn nội dung từ những góc độ khác nhau của cuộc chiến đấu. Trong đó cuốn sách “Cuộc đối đầu không cân sức” của Trung tướng - Phó giáo sư Phan Thu (một trong nhưng chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chống tác chiến điện tử và gây nhiễu điện tử trong kháng chiến chống Mỹ góp phần đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972) được chý ý nhiều nhất.
Tập bút ký của Trung tướng Phan Thu kể về cuộc đối đầu không cân sức của Phòng không - Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam chống lại chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ. Bằng sự thông minh và tinh thần vượt khó, quân đội ta đã giành được chiến thắng kỳ diệu, làm nên trận Điện Biên Phủ trên không vang lừng, buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán ở Paris, góp phần thống nhất đất nước. Sách giải thích các vấn đề kỹ thuật của việc chống B-52, đi đến làm rõ “vì sao ta thắng?”; ngoài ra, sách cũng kể những câu chuyện bên lề cuộc chiến hết sức cảm động. Mang đậm hơi thở lịch sử của một thời đại oai hùng, với văn phong ngắn gọn, chính xác mà không thiếu những trang viết thấm đẫm tình cảm.
Tác phẩm chia làm 12 chương, mỗi chương là một sự kiện quan trọng liên quan đến việc chống tác chiến điện tử, mà trực tiếp là chống thủ đoạn gây nhiễu và đối phó với tên lửa chống radar của Mỹ. Chương thứ 12 với tên gọi “Trận chiến đấu cuối cùng” viết về cuộc chiến trên không - cuối năm 1972, là sự kiện quan trọng nhất, chiếm dung lượng nhiều nhất của sách. Theo nhận xét của tác giả, cuộc chiến này là tổng kết của những ngày đêm đối đầu máy bay Mỹ phá hoại trên bầu trời miền Bắc.
Là một quân nhân, lại là một chuyên gia kỹ thuật nên cách hành văn của Trung tướng Phan Thu khá ngắn gọn, súc tích. Mỗi câu văn đều chứa đựng nhiều thông tin, chi tiết. “Cuộc đối đầu không cân sức” là bản tụng ca sức mạnh và ý chí chiến đấu của một dân tộc hàng nghìn năm lịch sử, không chịu khuất phục trước kẻ thù bạo tàn.
Với dạng bút ký nên tác phẩm cũng không thiếu những trường đoạn nhẹ nhàng, đưa người đọc đến cuộc sống bình thường của những người lính trong chiến tranh như trong một lần thử nghiệm xe radar cơ động, do tính bảo mật của kế hoạch nên việc liên lạc phải thông qua mật mã. Trong lúc đang triển khai, một bức điện mật được gửi đến, sau công tác giải mã, hiệu đính đúng bài bản thì mới té ngửa ra là đơn vị báo tin vợ của tác giả Phan Thu vừa sinh em bé, mẹ tròn con vuông… Những chi tiết như vậy sẽ khiến người đọc cảm nhận từ Tập bút ký, một cuộc chiến tàn khốc, nhưng cũng rất xúc động bởi tình yêu, tình đồng chí, đồng đội.
Tổng hợp từ Internet