Khởi nghĩa Thanh La là một trong những cuộc khởi nghĩa đầu tiên ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, mở đầu giai đoạn khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Tại Tuyên Quang, ngay trong đêm 10/3/1945, dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ, đơn vị Cứu quốc quân 2 đã hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở xã Thanh La, tổng Thanh La, châu Sơn Dương thắng lợi. Khởi nghĩa Thanh La mở đầu phong trào khởi nghĩa từng phần ở Tuyên Quang, diễn ra sớm nhất tại Việt Bắc. Cùng với cuộc nổi dậy của nhân dân xã Trung Mầu (Tiên Du – Bắc Ninh) nổ ra cùng ngày, là hai cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong giai đoạn tiền khởi nghĩa[1].
Khởi nghĩa Thanh La đánh dấu mốc mở đầu, tạo tiền đề giải phóng Sơn Dương, thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu – chính quyền cách mạng đầu tiên ở Tuyên Quang, đây cũng là chính quyền nhân dân cấp châu đầu tiên trong cả nước, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc châu Sơn Dương, Tuyên Quang và cả nước. Thành quả đó đặt cơ sở cho sự ra đời của Khu Giải phóng, và Tân Trào thuộc châu Sơn Dương được chọn là “Thủ đô” của Khu Giải phóng, “Thủ đô cách mạng”.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Thanh La thể hiện sự chủ động, sáng tạo của tổ chức đảng, nắm bắt thời cơ, vận dụng linh hoạt chủ trương khởi nghĩa từng phần của Trung ương Đảng vào thực tiễn địa phương đúng thời cơ lịch sử.
Chủ trương khởi nghĩa từng phần của Đảng
Chủ trương khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa đã được Đảng ta xác định từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5 năm 1941. Trên cơ sở phân tích phong trào cách mạng nước ta từ khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, thảo luận kỹ lưỡng ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, Hội nghị Trung ương nêu một chủ trương rất mới, sáng tạo: “Nay mai đây, cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và cuộc kháng chiến của nhân dân Tàu xoay ra hoàn toàn cho cuộc cách mạng Đông Dương thắng lợi, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[2]. Tư tưởng này đánh dấu bước phát triển mới của Đảng trong nhận thức về hình thái, bước đi tiến tới tổng khởi nghĩa.
Tuy nhiên, cho đến năm 1944, do tình thế cách mạng chưa xuất hiện nên chủ trương khởi nghĩa từng phần của Đảng chưa có điều kiện thực hiện. Đồng thời, về nhận thức, giữa khởi nghĩa từng phần – bước quá độ trung gian lên khởi giành độc lập dân tộc, giành chính quyền có mối quan hệ biện chứng như thế nào thì Đảng mới bước đầu lý giải. Vì thế, thời gian sau Hội nghị Trung ương 8, một số địa phương phạm sai lầm, chủ quan trong nắm bắt thời cơ, nóng vội lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa[3]. Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp tục cụ thể hóa về chủ trương khởi nghĩa từng phần để tiến lên tổng khởi nghĩa. Sự cụ thể hóa này được thể hiện rõ trong nhiểu tài liệu, văn kiện của Đảng từ cuối năm 1941 đến cuối năm 1944. Quan trọng nhất là Đảng đã giải quyết biện chứng mối quan hệ giữa thời cơ khởi nghĩa từng phần và thời cơ tổng khởi nghĩa, từ đó xác định hình thức tổ chức và đấu tranh phù hợp. Kết luận của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi đình chỉ chủ trương khởi nghĩa ở Cao-Bắc-Lạng (cuối năm 1944) vô cùng quan trọng. Lắng nghe và phân tích tình hình cụ thể, với nhãn quan chính trị nhạy bén, Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới”, “cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự”[4]. Nhận định này cho thấy rõ muốn thực hiện hình thái khởi nghĩa từng phần không thể không tính đến điều kiện, thời cơ của tổng khởi nghĩa, định hướng cho một thời kỳ mới – thời kỳ tiền khởi nghĩa tiến tới tổng khởi nghĩa một cách táo bạo nhưng chắc thắng.
Tối ngày 9/3/1945, đúng thời điểm Nhật nổ súng đảo chính Pháp, Hội nghị Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, đưa ra quyết định lịch sử, yêu cầu các cấp bộ Đảng phải “Thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa”, “Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa…”[5]. Các địa phương thực hiện ngay những công việc cần kíp trong công tác tuyên truyền, công tác tổ chức, đấu tranh, thành lập những căn cứ địa mới, thống nhất các chiến khu, thành lập các "uỷ ban dân tộc giải phóng", "Uỷ ban nhân dân cách mạng" ở trong các nhà máy, làng ấp, đường phố, trong các khu du kích, thành lập "Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Việt Nam" theo hình thức một chính phủ lâm thời... Trung ương Đảng nêu cao tinh thần chủ động, dựa vào sức mình của chính nhân dân[6].Tư tưởng chỉ đạo của Đảng là “phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo”[7].
Tinh thần Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhanh chóng đến các địa phương trong cả nước, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh tại các địa phương.
Khởi nghĩa Thanh La mở đầu cao trào Kháng Nhật, cứu nước
Mở đầu cao trào kháng Nhật, cứu nước là làn sóng khởi nghĩa từng phần dâng lên mạnh mẽ ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Phong trào diễn ra sôi nổi, phổ biến trước tiên ở 6 tỉnh miền núi Việt Bắc. Ngay trong buổi chiều ngày 10/3/1945, lực lượng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chia làm nhiều bộ phận toả đi các nơi, kết hợp với lực lượng tự vệ, du kích và nhân dân các địa phương ở Việt Bắc đứng lên khởi nghĩa. Một bộ phận của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang Cao Bằng đã chặn các toán quân Pháp bỏ chạy ra vùng biên giới thu hàng trăm súng, lừa, ngựa và nhiều đạn, tổ chức quần chúng giành chính quyền.
Tại Tuyên Quang, vào thời điểm đó, mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng, song căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, vận dụng sáng tạo chủ trương chung về khởi nghĩa từng phần, Ban lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ đã quyết định hành động.
Ðình Thanh La, nơi diễn ra cuộc mít-tinh tuyên thệ của quân khởi nghĩa sáng 11/3/1945và cuộc mít tinh tuyên bố thành lập Châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu ngày 16/3/1945 ( Ảnh: Ngọc Chiến)
Ngày 10/3/1945, tại khu rừng Khuôn Kẹn (xã Tân Trào), cuộc họp của Phân khu uỷ Phân khu Nguyễn Huệ dưới sự chủ trì của đồng chí Song Hào, nhận định: biến động tình hình trong khu và các vùng phụ cận cho thấy, cần nhanh chóng, mạnh dạn hành động “bắt mạch” xem phản ứng của địch, nếu thuận lợi sẽ mở rộng hoạt động tiến lên giành chính quyền. Xã Thanh La (Minh Thanh-Sơn Dương) được chọn làm nơi “bắt mạch” đầu tiên đối với chính quyền địch. Tư tưởng chủ đạo của cuộc ra quân là phải chắc thắng để gây thanh thế cho ta.
Ngay trong đêm 10/3/1945, dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ, trực tiếp là đồng chí Tạ Xuân Thu, đơn vị Cứu quốc quân 2 đã hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở xã Thanh La, tổng Thanh La, châu Sơn Dương.
Thắng lợi nhanh chóng đó cho thấy chính quyền thực dân, phong kiến đã rất suy yếu, khởi nghĩa giành chính quyền đã có thể nổ ra, thành công ở từng xã, huyện rồi phát triển trên phạm vi lớn. Thắng lợi này có ý nghĩa lớn, như một “cú hích” tác động mạnh đến các địa phương trong tỉnh, lan rộng đến các tỉnh lân cận.
Trong tháng 3 và tháng 4/1945, lần lượt các châu, huyện Sơn Dương, Yên Bình, Yên Sơn, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) được giải phóng. Nhân dân vô cùng phấn khởi, hừng hực khí thế đấu tranh, tham gia vào đoàn quân cách mạng ngày càng đông. Quân khởi nghĩa tới đâu là các chức sắc trong chính quyền địa phương của địch đều áo mũ chỉnh tề ra trình diện, giao nộp vũ khí và các loại giấy tờ. Ta tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng ở những nơi đã được giải phóng và cử cán bộ ở lại phụ trách công tác quân sự, làm cố vấn cho chính quyền mới. Sau gần 3 tháng khẩn trương hành động kiên quyết, tới ngày 22/5/1945, Tuyên Quang đã giải phóng được hầu hết các địa phương trong tỉnh. Sự ra đời các Châu, Phủ, chính quyền nhân dân ở Tự Do, Kháng Địch, Khánh Thiện, Xuân Trường, Hồng Thái, Toàn Thắng, Quyết Thắng đã mở ra vùng tự do rộng lớn của cách mạng, trở thành nơi cung cấp lực lượng, vật chất cho phong trào cách mạng cả nước.
Làn sóng khởi nghĩa dâng lên nhanh chóng trong nửa cuối tháng 3/1945. Các huyện Hoà An, Nguyên Bình, Hà Quảng, Thạch An, Bảo Lạc, Quảng Uyên, Trùng Khánh (Cao Bằng) đã thành lập được chính quyền cách mạng, tổ chức chặn đánh quân Nhật, diệt trừ lực lượng phản động. Từ Cao Bằng, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến về Nam Thất Khê, Bình Gia (Lạng Sơn), Bắc Quang (Hà Giang) tiến công địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy. Một bộ phận lớn đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, từ Cao Bằng tiến xuống Ngân Sơn (Bắc Kạn) bao vây đồn Ngân Sơn kêu gọi địch ra hàng. Đồn trưởng người Pháp cùng toàn bộ binh lính đã đầu hàng Việt Minh. Ngày 21/3/1945, Ngân Sơn được giải phóng. Tiếp theo đó, từ ngày 23 đến ngày 28/3/1945, dưới sự hoạt động mau lẹ của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, sự ủng hộ tích cực của nhân dân, các châu Chợ Rã, Phủ Thông, Na Rì, Chợ Đồn lần lượt được giải phóng.
Cùng với Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng Cứu quốc quân ở chiến khu Hoàng Hoa Thám cũng kịp thời cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa.
Đến giữa tháng 4/1945, việc đánh chiếm các châu, phủ, huyện, đồn, ải…, thành lập chính quyền nhân dân địa phương diễn ra sôi nổi. Khởi nghĩa từng phần lan rộng ở nông thôn các tỉnh miền núi Việt Bắc, một số tỉnh trung du, đồng bằng miền Bắc, miền Trung và một số ít nơi ở Nam Bộ.
Cuộc khởi nghĩa Thanh La là “cuộc khởi nghĩa thắng lợi đầu tiên trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, mở đường cho việc giải phóng hoàn toàn châu Sơn Dương (Tuyên Quang) vào tháng 5/1945, tạo điều kiện để Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn Sơn Dương, lập “đại bản doanh” lãnh đạo cao trào cách mạng trong cả nước”[8].
Khởi nghĩa từng phần ở Thanh La nói riêng, các tỉnh miền núi Việt Bắc nói chung đã giải phóng nhiều vùng đất đai, giành và giữ chính quyền thắng lợi ở nhiều nơi, gây tiếng vang và tạo thanh thế lớn, góp phần đẩy nhanh cao trào tiến tới tổng khởi nghĩa.
Từ giữa năm 1945, làn sóng khởi nghĩa từng phần tiếp tục dâng cao ở các địa phương, đẩy chính quyền cơ sở của phát xít Nhật và tay sai vào thế bất lực, rệu rã. Do khởi nghĩa từng phần mà tới đầu tháng 8-1945, hều hết làng, xã, huyện sáu tỉnh Việt Bắc: Cao-Bắc-Lạng, Hà-Tuyên-Thái được giải phóng, lập chính quyền cách mạng. Khu giải phóng thành lập (6/1945) mở rộng xuống các vùng trung du.
Hạnh Trịnh
[1] Tại Trung Mầu, sau khi quần chúng cách mạng nổi dậy uy hiếp bộ máy tổng lý, Ủy ban dân tộc giải phóng được thành lập, hoạt động động bí mật và vẫn duy trì về hình thức bộ máy tổng lý cũ để tránh bị đàn áp. Tiếp đó, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945 giành thắng lợi, mở ra cao trào khởi nghĩa từng phần ở Quảng Ngãi cũng như ở Trung và Nam Trung Kỳ.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 7, tr131-132.
[3] Trung ương Đảng đã phê bình nhận định không phù hợp của Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ cho rằng sau chiến tranh Thái Bình Dương, “cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của ta đã đủ điều kiện bùng nổ”; uốn nắn việc lập Chiến khu Ngọc Trạo (Thanh Hóa); phát động chiến tranh du kích ở căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai, phê bình sự manh động của khởi nghĩa ở Võ Nhai (10/1944).
[4] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội. 1977, tr.30.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr.367
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd tập 7, tr.373
[7] Trường Chinh: Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, Tạp chí Lịch sử Đảng, Số 2-1992
[8] Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí minh -Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.905.