Trong hơn một phần ba thế kỷ vừa qua, nhờ đổi mới tư duy kịp thời và đúng đắn qua bảy kỳ Đại hội, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua biết bao thử thách ngặt nghèo cả bên trong và bên ngoài cuối thế kỷ XX, khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đưa đất nước ra khỏi tình trạng chậm phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, trở thành điểm sáng trong bản đồ phát triển toàn thế giới đầu thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội lâu năm chưa được khắc phục; nguy cơ, thách thức có mặt nghiêm trọng hơn… Bối cảnh này đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân yêu cầu cấp bách là phải đổi mới tầm nhìn và tư duy chiến lược một cách mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện làm cơ sở cho hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển tạo động lực mới để thúc đẩy công cuộc đổi mới tiếp tục giành những thành tựu ngang tầm với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ nay đến giữa thế kỷ XXI.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/01 đến ngày 01/02/2021
Đại hội XIII đã đáp ứng đòi hỏi cấp thiết đó. Như kết tinh trí tuệ và bản lĩnh của hơn 5 triệu đảng viên và gần 100 triệu nhân dân Việt Nam, Đại hội XIII đã đưa ra một hệ thống tư duy, quan điểm mới mẻ, đúng đắn liên quan đến các vấn đề hệ trọng nhất của quốc gia dân tộc trong thời kỳ mới.
Trước hết đó là nhận thức, tầm nhìn về thế giới ngày nay. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng ta đề cập đến “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”.
Trên thực tế, cuộc cách mạng 4.0 đang sáng chế ra các tư liệu sản xuất và phương thức lao động mới, ở đó có sự tích hợp, giao thoa giữa hiện thực vật thể (physical reality) và hiện thực ảo (virtual reality), giữa trí tuệ con người (human intelligence) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), giữa tiền tệ thực và tiền tệ ảo… Chắc chắn cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi ở tận tầng sâu và đến tận tầng cao toàn bộ tiến trình vận động của xã hội loài người, như ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó đã tạo ra những vận động bước ngoặt trong lịch sử thế giới cận, hiện đại.
Thế giới ngày nay đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt về cơ hội và điều kiện phát triển. Cụ thể hóa thành những dạng thức hiện thực, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu”.
Nhìn tổng thể, “Trên thế giới, tình hình tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường”, đúng như Đại hội XIII khái quát. Vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, khó có ai có thể hình dung được một sinh thể li ti vô hình như Covid-19 lại làm toàn thế giới, trong đó có các cường quốc đều bất lực, đứt gãy, bệnh tật, thương vong ở quy mô chưa từng có và chưa biết đến bao giờ thảm họa mới chấm dứt? Cũng chẳng ai mường tượng được từ trước về một cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ, nơi luôn tự mệnh danh là đỉnh cao của văn hóa chính trị, đã diễn ra theo cách hoàn toàn dưới chuẩn của sinh hoạt chính trị phổ thông, rất có thể gây hậu quả nhiều chiều đến kinh tế, chính trị và hợp tác toàn cầu trong những năm sắp tới!
Đại hội XIII đã bổ sung, nhấn mạnh một đánh giá mới, rất quan trọng về đất nước sau 35 năm đổi mới: "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam năm 2020 đạt trên 340 tỷ USD, vượt qua Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD) để chiếm vị trí thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (1.098 tỷ USD), Thái Lan (510 tỷ USD) và Philippines (368 tỷ USD). GDP bình quân đầu người đạt 3.500 USD, xếp thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (58.483,9 USD), Brunei (23.116,7 USD), Malaysia (10.192,4 USD), Thái Lan (7.295,1 USD) và Indonesia (4.038,4 USD). Kim ngạch ngoại thương đạt xấp xỉ 545 tỷ USD. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 1987 đến nay đạt gần 400 tỷ USD. Đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế đạt 39% năm 2020, vượt mục tiêu đề ra (35%) và vượt xa mức dưới 25% những năm cuối thế kỷ XX.
Hình ảnh TP Hồ Chí Minh phát triển năng động của Việt Nam. Ảnh: Internet
Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo, dẫn đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Với mức điểm 0,63, Việt Nam chỉ cần 0,07 điểm nữa để được vào nhóm các nước có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều, đến năm 2020, chỉ còn dưới 3% số hộ nghèo, so với 14,2% năm 2010 và gần 50% những năm trước đổi mới. Đã có 5 trường đại học của đất nước nằm trong 400 trường đại học hàng đầu châu Á và 2 trường nằm trong 1000 trường hàng đầu thế giới.Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cả thế giới đã nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất hơn 60 loại vác xin, trong đó có Covid-19 Nano Covax do các nhà khoa học Việt Nam triển khai đến nay đang có nhiều thành công khả quan, thuyết phục.
Với sức mạnh, nguồn lực quốc gia gia tăng mạnh mẽ như vậy, Việt Nam ngày càng củng cố sự ổn định chính trị xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và triển khai có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế. Chưa bao giờ, Việt Nam có hệ thống quan hệ quốc tế sâu rộng, hiệu quả như hiện nay. Có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 192 quốc gia trên thế giới, trong đó, đã ký 3 quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 14 quan hệ đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện. Đảng Cộng sản Việt Nam đang có quan hệ với gần 230 đảng ở 115 nước khắp các châu lục, trong đó có trên 100 đảng cộng sản và công nhân, hơn 40 đảng cầm quyền, trên 80 đảng đang tham gia quốc hội, nghị viện các nước; đồng thời, thường xuyên tham gia có hiệu quả các diễn đàn đa phương chính đảng. Đối ngoại nhân dân phát triển theo chiều sâu, thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế; có quan hệ với trên 1.200 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó trên 500 tổ chức có hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.
Từ hoàn cảnh bị bao vây, cô lập, Việt Nam thực sự trở thành người bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nhiều lần được giao phó và luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách đa phương, trong đó 2 lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từ thân phận của một quốc gia nghèo nàn chậm phát triển, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, khách mời của nhiều thiết chế quyền lực toàn cầu như G7, G20, Diễn đàn Kinh tế thế giới… Nhân dân ta từ hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn, thiếu thốn đến nay đã có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng đầy đủ, sung túc, hạnh phúc.
(Còn nữa…)
Minh Trí