Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người anh em!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chồng PGS, TS Đặng Bích Hà-con gái cả của GS Đặng Thai Mai. Trong gia đình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Đặng Thai Mai có quan hệ con rể-bố vợ. Tuy nhiên, từ trước đó nhiều năm hai người đã hoạt động cách mạng cùng nhau, cùng lập ra Trường Tư thục Thăng Long, thành lập Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ... gắn bó thân thiết với nhau, coi nhau như anh em. Đến khi trở thành người trong một gia đình, Đại tướng vẫn giữ cách gọi thân mật với GS Đặng Thai Mai là anh-em (GS Đặng Thai Mai hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp 9 tuổi).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba, từ phải sang) và Trung tướng Phạm Hồng Cư (thứ hai, từ phải sang). Ảnh tư liệu |
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố GS Đặng Thai Mai-bố vợ mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ cách gọi thân mật “anh Mai” khi kể về những câu chuyện, kỷ niệm với giáo sư. Hai người gặp nhau lần đầu khi Võ Nguyên Giáp mới 18 tuổi (năm 1929), rồi coi nhau như người đồng chí, người bạn, người thân trong gia đình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Ngay lần gặp đầu trong buổi họp của lãnh đạo Đảng Tân Việt tại nhà anh Mai đã thấy rất thân thiết...”. Sau đó hai người cùng bị xử án một lần, cùng ở chung nhà giam, buổi tối thường nói chuyện với nhau bằng cách giơ tay “viết vào không khí”, nhưng mà hiểu tất cả. Đến lúc ra tù tiếp tục công tác lại càng gắn bó.
Khi ở Vinh, hai người ở cùng nhà GS Đặng Thai Mai, thường bàn luận về thơ văn và trao đổi về phong trào lúc bấy giờ. Ra Hà Nội, hai người cũng ở chung một nhà. Trong thời gian Mặt trận Bình dân, Võ Nguyên Giáp cũng ở nhà GS Đặng Thai Mai. Giáo sư đi dạy học còn đưa bài của học sinh về cho Võ Nguyên Giáp chấm giúp...
Khi người vợ đầu qua đời, sau tổng khởi nghĩa thành công, năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp xây dựng tổ ấm mới với bà Đặng Bích Hà-con gái cả của GS Đặng Thai Mai.
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Bữa nhút nhớ đời tại nhà bố vợ tương lai
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, là con rể thứ hai của GS Đặng Thai Mai. Ông là chồng của PGS, TS Đặng Thị Hạnh. Giống như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng quen biết với GS Đặng Thai Mai từ trước. Với ông, GS Đặng Thai Mai không chỉ là bố vợ mà còn là một người thầy đáng kính trong đời.
Lần đầu tiên Phạm Hồng Cư gặp GS Đặng Thai Mai là vào năm 1945. Khi đó Phạm Hồng Cư bị chính quyền thực dân Pháp bắt bỏ tù trong cuộc khủng bố học sinh Trường Bưởi. Nhân lúc bị ốm ra nằm nhà thương ở Thanh Hóa, ông bỏ trốn, chạy xuống Sầm Sơn, lánh vào nhà bà ngoại dưỡng bệnh. Từ lâu, Phạm Hồng Cư đã ngưỡng mộ tài năng, kiến thức uyên bác của GS Đặng Thai Mai qua các bài báo và đặc biệt là cuốn “Văn học khái luận” với nhiều điều mới lạ, hay lắm nhưng có nhiều điều còn chưa hiểu mấy, rất muốn được có cơ hội gặp, hỏi tác giả. Đúng lúc này, được tin ông Đặng Thai Mai đang dưỡng bệnh ở villa Trần Quang Đoan, Phạm Hồng Cư tìm đến thăm.
Sau này khi nói về cuộc gặp gỡ ban đầu ấy, Trung tướng Phạm Hồng Cư kể: “Tôi nhớ nhất đôi mắt ông. Một đôi mắt cực kỳ thông minh mà tôi chưa từng thấy, long lanh trí tuệ, ngời lên ánh thép rất sắc, rất nghiêm, có lúc làm tôi sợ, nhìn sâu vào thì rất hiền, phản ánh một tâm hồn nhân hậu. Đôi mắt ấy khuyến khích tôi: Cứ hỏi nữa đi!”.
Giáo sư Đặng Thanh Mai |
Sau nhiều lần gặp, Phạm Hồng Cư đã tiếp cận được với quan điểm và phương pháp luận Mác-xít qua thầy Mai. Thời gian thầy ốm yếu, Phạm Hồng Cư xin phép đến giúp việc làm thư ký, ghi chép cho thầy.
Một hôm, Phạm Hồng Cư được thầy Mai nhờ đi xe đạp, cầm thư vào Quỳnh Lưu. Sau này ông Cư mới biết, đó là bản Đề cương Văn hóa của Đảng do Thép Mới mang từ Hà Nội vào cho thầy Mai; sau khi nghiên cứu, thầy chuyển cho cụ Hồ Tùng Mậu. Vào Quỳnh Lưu, Phạm Hồng Cư cùng bạn là Võ Trí Sơn nhập đoàn biểu tình đi giành chính quyền ở huyện. Đó là hoạt động tiền khởi nghĩa đầu tiên của ông. Trở ra Thanh Hóa, biết thầy Mai đã được đón ra Hà Nội, ông vội vàng theo ra.
Ra Hà Nội, Phạm Hồng Cư được giới thiệu vào Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, làm tiểu đội trưởng, ông bận rộn nhiều việc nhưng vẫn đi tìm thầy Mai. Được tin thầy điều trị ở Nhà thương Đồn Thủy, ông liền đến thăm. Lúc này GS Đặng Thai Mai rất gầy, nằm trên giường bệnh. Thấy Phạm Hồng Cư đến, sau khi đưa mắt nhìn một lượt từ đầu đến chân, thầy Mai nói: “Đi bộ đội rồi à? Thế là tốt”. Lúc này Phạm Hồng Cư hiểu rằng: Cách mạng cần được bảo vệ, ông vào bộ đội, thầy ưng!
Rồi Phạm Hồng Cư theo đơn vị lên chiến khu Việt Bắc, gia đình ông Đặng Thai Mai vào Thanh Hóa. Đến năm 1953, sau chiến dịch giải phóng Sầm Nưa, Thượng Lào, Phạm Hồng Cư về quê và đi thăm thầy Mai. Khi đó thầy Mai đã về Lương Điền, Thanh Chương, Nghệ An. Qua bến đò, hỏi thăm nhà thầy Mai, ai cũng biết: Một ngôi nhà cổ kính có gốc mít cổ thụ trong vườn, một gia đình trí thức tản cư về nông thôn với bao nhiêu sách là sách. Thấy Phạm Hồng Cư, cả nhà đều ngạc nhiên. Thầy Mai nở nụ cười đôn hậu cùng gương mặt hiền của vợ thầy đón tiếp Phạm Hồng Cư. Các em Lê, Đào để tóc học sinh kháng chiến. Cô em út để tóc bom bê. Em Hoàng-con trai duy nhất của thầy Mai thì rất khâm phục cái thắt lưng to bản có giắt khẩu súng Colt 12 của anh rể tương lai!
Phạm Hồng Cư tặng thầy Mai quà chiến trường là 5 hộp cà phê hảo hạng và thuốc lá Evinmore, dù biết thầy không thích cà phê công nghiệp và thuốc lá lính Tây nhưng chiến lợi phẩm thu được chỉ có vậy. Song thầy bảo: “Thứ này hiếm”, khiến chàng rể tương lai sung sướng.
Bữa cơm hôm đó, chàng rể tương lai Phạm Hồng Cư cứ thật thà đánh chén hết nồi cơm của gia đình và năm, sáu đĩa nhút rất ngon khiến các em kinh ngạc, còn thầy, mẹ vợ tương lai lại rất thông cảm, tha thứ cho thói “Gargantua” (thèm ăn) thèm cơm nóng sốt, rau xanh, dưa muối của người trở về từ chiến trường...
Trung tướng Phạm Hồng Sơn - đám cưới vội “linh đình”
Trung tướng Phạm Hồng Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng-Bộ Quốc phòng. Ông là chồng PGS, TS Đặng Anh Đào-con gái thứ tư của GS Đặng Thai Mai.
Phạm Hồng Sơn được đánh giá là một chỉ huy trẻ có tài. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nắm giữ những vị trí quan trọng, là chỉ huy Trung đoàn 36 (Bắc Bắc) thuộc Đại đoàn 308-đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1953, khi Phạm Hồng Sơn 30 tuổi, trong lần về phép ở Nghệ An, được chị gái đưa sang nhà GS Đặng Thai Mai chơi và đã gặp, làm quen với Đặng Anh Đào-con gái thứ tư của giáo sư. Trong kỳ nghỉ phép, Phạm Hồng Sơn thường đến chơi, trò chuyện với GS Đặng Thai Mai và được giáo sư dành nhiều cảm tình. Sau đó ông trở ra Việt Bắc, tiếp tục đánh trận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi biết tin bất ngờ rằng Phạm Hồng Sơn hóa ra là vị hôn phu của em gái vợ mình, còn nói: “Hồng Sơn chỉ huy dũng cảm, cậu ấy đánh trận khôn lắm”. Còn bà Bích Hà nói với ba, mẹ và mấy người em: “Hồng Sơn giống như một tay mujik (nông dân). Vừa ngây thơ, vừa rất khôn”.
Năm 1954, trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 36 nhận thông báo sau ngày 7-5, phải sẵn sàng nhiệm vụ mới. Tuy vậy, Phạm Hồng Sơn vẫn có đủ thời gian cấp tốc nghỉ phép một tuần để về Nghệ An thăm gia đình GS Đặng Thai Mai. Nhưng đi đến Thanh Hóa, may mắn và cũng như duyên trời, ông gặp Anh Đào và em gái đi mua đậu phụ ở làng bên. Lúc này anh mới biết gia đình GS Đặng Thai Mai đã chuyển chỗ tản cư... Cuối kỳ nghỉ phép, Phạm Hồng Sơn tổ chức đám cưới với Đặng Anh Đào ngay tại địa điểm tản cư của gia đình GS Đặng Thai Mai, mà không đợi đến ngày về Hà Nội.
Đó là một đám cưới thuộc hàng “linh đình” của thời chiến. Cả làng được mời đến uống nước chè, ăn kẹo. Cô dâu diện sơ mi kiểu “thắt cổ mổ bụng”, để tóc xõa ngang vai và nhảy “xòn la xòn” với đội thiếu nhi dưới ánh sáng từ những chai gù đổ dầu hỏa, lấy giẻ làm bấc đèn.
Sau đám cưới, Phạm Hồng Sơn ra Bắc vẫn kịp chỉ huy trực tiếp trận Cầu Lồ (đêm 13 và ngày 14-7-1954).
Theo Khoa học và Đời sống