Tên sách: Đánh giá, dự báo tác động của điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc đến ASEAN và gợi mở chính sách cho Việt Nam
Tác Giả: Nguyễn Huy Hoàng
Năm Xuất Bản: 2018
Số Trang: 335
Nhà Xuất bản: NXB Khoa Học Xã Hội
Sau gần 40 năm cải cách và mở cửa kể từ năm 1978, Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu to lớn, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới từ năm 2010. Từ đó, mục tiêu quan trọng của Trung Quốc là trở thành cường quốc hàng đầu thế giới với khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Quốc” hướng tới “Phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã đề ra một số chủ trương đường lối điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển như: Đẩy mạnh triển khai chiến lược “Một vành đai, một con đường”; “Thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á”; Tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ; Thử nghiệm xây dựng khu thương mại tự do ở Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Đông, Thiên Tân; Đẩy nhanh việc mở cửa các vùng biên, thực hiện chính sách và phương thức đặc thù trong hợp tác kinh tế, đi lại, thanh toán biên mậu, kết nối hạ tầng với các nước láng giềng…
Trước thực tế nêu trên, tháng 2/2018, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm mang tên “Đánh giá, dự báo tác động của điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc đến ASEAN và gợi mở chính sách cho Việt Nam" do PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á chủ biên. Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 3 chương như sau: Chương 1: Nhận diện, đánh giá của ASEAN đối với sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc; Chương 2: Tác động và dự báo tác động của sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc đến ASEAN và một số nước thành viên; Chương 3: Đối sách và phản ứng của ASEAN, một số nước thành viên và gợi ý đối sách cho Việt Nam đối với sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc.
Qua các nội dung đề cập đến nhân tố (trong nước; khu vực và quốc tế) dẫn tới sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc. Tại chương 1, các tác giả đã cung cấp nhiều thông tin giúp độc giả nhận diện các đánh giá của ASEAN đối với sự điều chỉnh của Trung Quốc trên các chiều cạnh: lịch sử tư tưởng trong phát triển quan hệ với các nước và khu vực; một số nội dung điều chỉnh cơ bản về chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc. Nhận diện được những điều chỉnh mang tầm chiến lược của Trung Quốc thông qua các chuyến thăm cấp cao nhất và các chính sách mới cũng như khuôn khổ hợp tác của Trung Quốc với ASEAN…
Các đánh giá đã cho thấy Trung Quốc rất coi trọng vai trò của ASEAN trong quá trình điều chỉnh chiến lược và chuyển đổi phương hướng phát triển mới. Bởi, thứ nhất, nếu làm cho ASEAN ngả về Trung Quốc thì những ảnh hưởng của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ bị đẩy lùi và Trung Quốc sẽ có được môi trường hòa bình, ổn định ở phía Nam và Tây Nam lãnh thổ của họ. Thứ hai, do vị trí ngày càng quan trọng hơn của ASEAN, mục tiêu ý tưởng của Trung Quốc về chính trị chính là làm cho ASEAN gắn bó hơn với Trung Quốc sau khi đã gắn bó về kinh tế. Thứ ba, khuôn khổ hợp tác 2+7 do Trung Quốc khởi xướng chính là nhằm giúp họ thực hiện được mục tiêu nâng cấp quan hệ với ASEAN qua đó giúp chống lại ảnh hưởng từ chính sách xoay trục của Mỹ ở Đông Nam Á và đứng về phía Trung Quốc, hậu thuẫn cho Trung Quốc.
Chương 2 cung cấp các nội dung thông tin liên quan đến: Tác động của sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc; Tác động đến ASEAN nói chung; Tác động đến một số nước thành viên ASEAN và dự báo các tác động này đối với ASEAN và một số nước thành viên được đề cập. Các tác giả cho rằng, trong thời gian tới các tác động này sẽ ngày càng trở nên rõ ràng và sức ảnh hưởng của nó sẽ ngày càng lớn hơn khi vai trò nước lớn của Indonesia ngày càng mờ nhạt đi và Trung Quốc có thể chi phối ASEAN; Thứ hai, “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc và “trục hàng hải thế giới” của Indonesia báo hiệu sự phụ thuộc và ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại của chính phủ Indonesia hiện nay. Đồng thời, xu thế này cũng báo hiệu thực trạng quan hệ của cộng đồng ASEAN khi có sự can dự của Trung Quốc. Ngoài ra, các tác động liên quan đến kinh tế và hoạt động kinh tế đối ngoại tại Indonesia, Myanmar, Philippines; Singapore; Thái Lan cũng cho thấy rõ Trung Quốc đã tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với khu vực khi thực hiện các điều chỉnh mang tầm chiến lược của mình trong quá trình triển khai các phương thức phát triển mới.
Chương 3 bao gồm các nội dung thông tin luận bàn về các đối sách và phản ứng của ASEAN đối với sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới của Trung Quốc. Qua đó, gợi ý một số đối sách cho Việt Nam trên các bình diện: (1). Không liên minh - liên kết; (2). Lựa chọn chính sách đối ngoại phù hợp nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ các tổ chức, các nước trong khu vực và trên thế giới; (3). Mở rộng quan hệ hợp tác để phát triển kinh tế, chính trị, an ninh; (4). Tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước có cùng những vấn đề quan ngại trên biển Đông nhằm thể hiện những nỗ lực trong bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ. Qua đó, có những động thái phù hợp, giữ vững an ninh, chính trị và ổn định trong nước, duy trì được quan hệ tốt đẹp với bên ngoài và góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Hy vọng với các nội dung như trên, cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích với nhiều độc giả.
Theo vass