Các diễn giả và đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo. |
Sáng ngày 26/6/2020, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”. Hội thảo có sự tham dự của TS. Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; TS. Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa, nhà thiết kế, các nghệ nhân áo dài, các đại biểu từ các cơ quan Bộ, ban ngành, Viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí truyền thông và các tổ chức quốc tế.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em sinh sống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với 54 bản sắc văn hóa riêng. Theo nguồn gốc tộc người và điều kiện sinh sống, mỗi dân tộc lại có trang phục truyền thống độc đáo và đặc trưng khác nhau. Sự phong phú và đa dạng này đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu sắc. Trong bức tranh ấy có sự đóng góp của trang phục Áo dài Việt nhằm nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, phong tục tập quán, sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam.
Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của mỗi người Việt Nam. Nếu như áo dài phụ nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt Nam, áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn, tạo nên tính cách của người đàn ông. Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh xã hội đương đại.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 44 bài tham luận của 47 tác giả, tập trung vào 4 chủ đề chính như: (1) Lịch sử phát triển của Áo dài Việt Nam; (2) Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của Áo dài Việt Nam; Bản sắc văn hóa và biểu tượng của Áo dài Việt Nam cùng với đó là những tập quán liên quan đến trang phục Áo dài Việt Nam; (3) Nghiên cứu về sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thiết kế và cắt may áo dài; Cộng đồng của trang phục áo dài: làng nghề may áo dài, nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang…; (4) Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Áo dài Việt Nam. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã lựa chọn một số chủ đề mang tính trọng tâm để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà thiết kế, các nghệ nhân tham gia cùng thảo luận và chia sẻ.
Với những ý nghĩa và nội dung trên, Hội thảo được chia theo cấu trúc nhóm báo cáo tham luận và thảo luận. Trong đó, nội dung nổi bật và thu hút nhiều ý kiến có giá trị sâu sắc chính là “Nhận diện, giá trị, bản sắc và biểu tượng của Áo dài Việt Nam” với 5 chủ đề khác nhau.
Chủ đề: “Nhận diện về giá trị thẩm mỹ của trang phục Áo dài phụ nữ Việt Nam trong đời sống đương đại” của TS. Trần Thị Bền (Trường đại học Mỹ thuật) đã nêu nên tính thẩm mỹ trong trang phục Áo dài phụ nữ Việt Nam thế kỷ XX qua những tác phẩm hội họa thiếu nữ bên hoa sen qua chất liệu tranh sơn mài. Đến năm 1986, Việt Nam đã tiếp xúc với văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây nên đã có nhiều sáng tạo trong các kiểu dáng, kiểu cách Áo dài Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế. Nhưng dưới góc nhìn của PGS. TS Hoàng Minh Phúc với chủ đề: “Trang phục áo dài từ quan điểm tạo hình”, những nghiên cứu của PGS. TS đã lấy mốc thời gian bắt đầu của NTK Cát Tường để phân loại lịch sử phát triển của Áo dài Việt Nam qua 4 giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1 (1930 – 1933): Trang phục phụ nữ Việt được khắc họa qua tranh khắc gỗ. Áo dài giai đoạn này được phác họa trong Hội họa. Giai đoạn 2 (1934): Áo dài Việt Nam xuất hiện trong tác phẩm Báo Văn hóa và Báo Ngày nay hay còn gọi là Đồ họa. Giai đoạn 3, Áo dài Việt Nam xuất hiện trong những tác phẩm điêu khắc đến năm 1945. Giai đoạn 4, từ những năm 1980 đến nay, Áo dài Việt Nam được vẽ lại, nói chính xác là trong Mỹ thuật. Phần trình bày của Thạc sĩ Nguyễn Đức Bình với chủ đề: “Nhận diện áo dài: Đàn ông Việt hướng đi cho Lễ phục nước nhà” nhấn mạnh, áo dài nam không phải là áo dài cách tân, không xuất phát từ áo dài nữ, áo dài nam đã xuất hiện trong các nghi Lễ từ trong gia đình đến các nghi thức Nhà nước. Từ thời nhà Nguyễn (Vua Minh Mạng) đã phát động mặc áo dài. Sau năm 1954, áo dài nam được coi như một biểu tượng của chế độ phong kiến và sau đó, áo dài đã bị nghệ thuật sân khấu hóa cách tân. Cho đến ngày nay, áo dài vẫn theo xu hướng sân khấu và khi mở cửa trở lại, áo dài đã bị xa rời với giá trị truyền thống. Phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo với chủ đề “Áo dài Việt Nam theo góc nhìn của Văn hóa học”. Và cuối cùng, trong vai trò là nhà nghiên cứu, nhà thiết kế Xuân Thu đã đưa ra quan điểm Áo dài Việt Nam được cấu thành bởi ba yếu tố như: tính triết lý, thiết kế và thời trang. Ba yếu tố này chính là sự kế thừa và hội nhập nền văn minh thế giới, trong đó thiết kế chính là tạo hình, màu sắc, lựa chọn chất liệu và phần này quan trọng nhất nhằm khẳng định giá trị Việt. Nhà thiết kế Xuân Thu cho rằng: Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, áo dài đã bị “biến thiên” cách điệu hóa và gây nhiều tranh cãi về tính xác thực, chúng ta nên nhận diện đúng đâu là giá trị cốt lõi của Áo dài Việt Nam. Bởi mỗi quốc gia mỗi dân tộc có nền văn minh trong trang phục bởi sự kết tinh qua nhiều thời kỳ. Áo dài phụ nữ Việt cũng thế, sự nền nã duyên dáng và phù hợp với tất thảy phụ nữ Việt vì có những giá trị riêng từ những yếu tố mang tính khoa học về cấu trúc có thể người về tập tục văn hoá quan niệm thẩm mỹ và chất liệu phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.
Những nhìn nhận và đánh giá trên đã cho thấy, nét đặc trưng của Áo dài Việt Nam được thể hiện ở tính phổ cập của nó trong đời sống xã hội. Áo dài Việt Nam chính là là thành quả lao động và sáng tạo có thể sử dụng cả với tư cách Lễ phục và thường phục, áo dài có thể mặc trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau. Trang phục áo dài là sản phẩm mang tính xã hội cao. Trên cơ sở đó, Hội thảo dự kiến sẽ có những đề xuất giải pháp và kiến nghị, góp phần nâng cao nhận thức của chúng ta về giá trị của trang phục áo dài nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân, cũng như góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bà Phan Thu Hằng, một người đứng đầu tổ chức hoạt động về Văn hoá và Bảo tồn Di sản, ICEP – HANOI CLASY, đơn vị đồng hành cùng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc, trong đó có bảo tồn về Áo dài Việt Nam. Theo bà Thu Hằng, trước hết cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng qua việc sử dụng áo dài như trang phục không chỉ trong các dịp Lễ hội, các sự kiện quan trọng. Và lúc này các NTK sẽ thoả sức sáng tạo những mẫu thiết kế đa dạng trong chất liệu, màu sắc để bắt nhịp cuộc sống đương đại, phù hợp nhiều hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên tất cả đều phải dựa trên nền tảng truyền thống. Khi lan toả nhận thức trong cộng đồng thì tự khắc giá trị được bảo tồn. Bởi Di sản chính là được cộng đồng đồng thuận, đề cử và bảo vệ.
Chúng ta nhận thấy, trong xu thế phát triển lịch sử của nhân loại, văn hóa còn đạt đến giá trị của thẩm mỹ, Áo dài Việt đã kết hợp hài hòa cả hai yếu tố bản sắc văn hóa và tính dân tộc. Tìm hiểu về Áo dài Việt cho thấy, áo dài chính là niềm tự hào của người Việt Nam như một thành tựu văn hóa có bề dày lịch sử. Dù bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, áo dài vẫn giữ được nét văn hóa riêng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa giao lưu văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc. Qua đó, những dấu ấn văn hóa của Áo dài Việt Nam vẫn luôn phát huy được giá trị bảo tồn và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế nhưng vẫn mang những nét riêng của bản sắc văn hóa Việt.
TG&VN