Một vị khách là người nhà học viên tiến đến gần bên Thầy hướng dẫn, giọng hào sảng:
- Cảm ơn Thầy đã tận tình hướng dẫn cháu Đen nhà tôi. Thay mặt cho gia đình anh chị tôi, xin trân trọng cảm ơn Thầy!
- Dạ, không có gì, đây là sự nỗ lực cố gắng của em Đen, chứ tôi chỉ là người truyền cảm hứng thôi ạ.
- Thầy nói thế cũng phải, bởi lẽ các thầy cô công tác ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền cơ mà. Nhân đây, tôi xin phép hỏi Thầy một câu: Tại sao tên của Học viện Thầy vẫn còn dùng từ “Tuyên truyền” nhỉ. Nói Thầy đừng giận, tôi đi nước ngoài nhiều, dân kinh doanh chúng tôi và phương Tây ghét từ tuyên truyền lắm.
- Vậy, anh có biết vì sao họ ghét từ tuyên truyền không?
- Nói thầy thứ lỗi, tuyên truyền là áp đặt, một chiều, từ trên xuống, chỉ nói cái tốt, che giấu thông tin.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nôi đào tạo cán bộ làm công tác lý luận, báo chí, xuất bản cho cả nước (Ảnh Internet)
- Tôi không đồng tình với quan điểm của anh. Tuy nhiên, nếu cứ cho là tuyên tryền xấu như vậy, nhưng chúng ta vẫn sử dụng nó hàng ngày đó anh. Chẳng hạn như hôm nay, khi nhận xét về học viên, tôi cũng chỉ nói toàn điều tốt để ủng hộ em ấy, chứ trong quá trình làm luận văn thầy trò nhiều lúc cũng không bằng lòng với nhau đâu. Khi đi hỏi vợ chắc chúng ta cũng không đem những điều chưa tốt để khoe với nhà gái đâu anh nhỉ. Anh là doanh nghiệp khi quảng cáo cũng chỉ nói toàn ưu điểm chứ có bao giờ nói xấu về hàng hóa, dịch vụ của mình đâu. Rồi cả các nước khác trên thế giới nữa, anh có nhớ, khi cổ động viên các nước Tây Âu sang Nga cổ vũ World Cup 2018, nhiều người ngỡ ngàng vì bộ máy tuyên truyền nước họ đã nói nhiều điều không đúng, chứa đầy mặc cảm với nước Nga.
- Nhưng tuyên truyền cũ kỹ lắm Thầy ơi, nó chỉ phù hợp với thời chiến tranh, bây giờ trình độ dân trí cao, bùng nổ thông tin rồi Thầy ạ.
- Đúng là trong thời chiến, tuyên truyền như vậy thì mới có đồng tâm, nhất trí, trên dưới một lòng, triệu người như một. Nếu cứ dân chủ, lắng nghe, đối thoại như bây giờ thì mỗi người một ý làm sao mà chiến đấu được. Chiến tranh mà toàn nói đến gian khổ, hy sinh thì liệu còn ai muốn ra chiến trường. Nhưng từ khi đất nướcđổi mới đến giờ, nhất là hiện nay, anh thấy đấy, tuyên truyền đã thay đổi rất nhiều. Trước khi ban hành nghị quyết, chính sách, thì Đảng, Nhà nước đều quan tâm lấy ý kiến đóng góp của người dân. Truyền hình, phát thanh, báo chí nhà nước đã thông tin nhiều hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên, tường thuật trực tiếp cả những phiên tranh luận gay gắt về các vấn đề nhạy cảm trên nghị trường Quốc hội. Như vậy, tuy vẫn gọi là tuyên truyền như anh hiểu, nhưng bản chất của nó đã thay đổi với trước kia và dân chủ hơn rất nhiều.
Công tác tuyên truyền của Đảng đã có nhiều đổi mới (Ảnh Internet)
- Vậy sao không đổi “tuyên truyền” thành “truyền thông” luôn đi có phải thức thời hơn không Thầy?
- Cảm ơn anh đã quan tâm! Ở tầm vĩ mô, việc đổi “tuyên truyền” thành “truyền thông” thì có lẽ cần phải được nghiên cứu và thảo luận kỹ càng; riêng với tên gọi của Học viện chúng tôi, vấn đề này cũng đã nhiều lần được đưa ra bàn luận, lấy ý kiến rộng rãi nhưng chưa nhận được sự đồng thuận cao trong các thế hệ cán bộ, giảng viên nhà trường cũng như với cấp trên. Cái tên không chỉ để gọi mà còn chứa đựng cả lịch sử, văn hóa, truyền thống, thương hiệu của nhà trường. Cũng giống như em Đen nhà ta, cái tên đấy tuy không đẹp nhưng vì bố mẹ đặt cho nên chắc bạn ấy cũng không muốn thay đổi. Cái tên đúng là quan trọng thật nhưng quan trọng hơn là mình là ai và sống như thế nào, có đúng không anh?
- Quá chuẩn Thầy ạ, thì ra là như vậy, lâu nay tôi cứ thắc mắc thậm chí là không đồng tình mỗi khi nghe ai nói về tuyên truyền, cơ duyên hôm nay gặp Thầy, tôi đã hiểu rõ hơn. Cá nhân tôi cảm ơn Thầy rất nhiều!
Lương Ngọc Vĩnh