Chủ nghĩa xã hội từ chỗ là một trào lưu tư tưởng đã trở thành một phong trào hiện thực. Phong trào hiện thực đó được bắt đầu từ khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, sau đó đã trở thành một hệ thống thế giới từ giữa thế kỷ XX.
Ở Việt Nam, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện ngay trong các Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng trong thực tế chủ nghĩa xã hội với tư cách là một phong trào hiện thực được bắt đầu từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 trên phạm vi cả nước. Hiện nay, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới đang rơi vào thoái trào, song với những thành quả đã đạt được, các đặc trưng về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành và ngày càng hoàn thiện là minh chứng sống động cho sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội và chứng minh cho tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta.
Đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, bất chấp những thành quả mà chúng ta đã đạt được, các thế lực thù địch không ngừng chống phá khi cho rằng sự biến ở Liên Xô và Đông Âu vào cuối thế kỷ XX đã đồng nghĩa với sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội, trên thực tế không còn tồn tại cái gọi là chủ nghĩa xã hội hiện thực nữa. Từ đó họ cho rằng, việc tiếp tục kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội chỉ là ý muốn chủ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tiếp tục duy trì vị trí độc tôn về quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam (?!). Để minh chứng cho các luận điệu này, chúng thường phớt lờ hoặc phủ nhận các thành quả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dân chủ, nhân quyền…, mà Việt Nam đã đạt được trong thực tiễn; nguy hiểm hơn, chúng thường lợi dụng, khoét sâu vào các mâu thuẫn xã hội, các mặt trái của cơ chế thị trường, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, cùng với những yếu kém trong quản lý xã hội mà chúng ta đang gặp phải để thực hiện ý đồ chính trị của chúng.
Có thể nhận thấy, đây là những quan điểm sai trái, thù địch rất nguy hiểm về chính trị. Nếu không ngăn chặn sẽ tác động không nhỏ đến suy nghĩ và hành động của nhân dân đối với Đảng và với chế độ. Do vậy, để đấu tranh với các thế lực thù địch về vấn đề này, trước hết cần làm rõ việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải là ý muốn chủ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đó là sự lựa chọn của của chính lịch sử Việt Nam, điều đó xuất phát từ các cơ sở thực tiễn sau đây:
Thứ nhất, con đường cách mạng Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng vô sản.
Chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, từ phong trào yêu nước theo lập trường phong kiến, đến phong trào cứu nước theo lập trường tư sản, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đi khắp thế giới với mong muốn tìm cho được con đường cứu nước, cứu dân. Trong hành trình đó, với những tìm tòi, trải nghiệm, đặc biệt là sự soi sáng của cuộc cách mạng tháng Mười Nga, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc - đó là con đường cách mạng vô sản và thực tiễn đã chứng minh cách mạng vô sản là con đường cách mạng phù hợp nhất với dân tộc Việt Nam, đồng thời phù hợp với xu thế của thời đại mới -thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Do vậy, sau khi cuộc các mạng giải phóng dân tộc thành công, việc lựa chọn con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan bởi lẽ mục tiêu của con đường cách mạng vô sản là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Đây là lý do đầu tiên khẳng định, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn khách quan của lịch sử, chứ không phải là sự lựa chọn theo ý muốn chủ quan của cá nhân, hay đảng phái nào mà ai đó có thể tùy tiện gán ghép.
Thứ hai, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là lựa chọn của cách mạng Việt Nam.
Cùng với việc lựa chọn con đường cách mạng cho dân tộc, vấn đề lực lượng nào sẽ lãnh đạo sự nghiệp cách mạng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Ở Việt Nam khi đó, để đáp ứng nhu cầu có một chính đảng lãnh đạo đã có nhiều đảng phái và tổ chức chính trị được thành lập với mong muốn trở thành chính đảng gánh sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chẳng hạn như: Việt Nam Quang phục hội (năm 1912), Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925); Đảng Thanh niên Cao Vọng (năm 1925), Việt Nam Quốc dân Đảng (năm 1927),…
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có đảng tự tan rã, có đảng bị giải tán, có đảng thì phân lập hoặc chuyển đổi, sáp nhập vào đảng khác… Trong khi đó, sự ra đời của ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn có tôn chỉ, mục đích và đường lối cách mạng phù hợp với nhu cầu của cách mạng Việt Nam, vì vậy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất những tổ chức cộng sản này thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Từ đây, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành chính đảng cách mạng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện thành công nhiệm vụ phản đế, phản phong vào năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - chính quyền cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở Việt Nam.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, vấn đề xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng đặt ra những yêu cầu mới, một lần nữa thử thách vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946, nhân dân đã lựa chọn ra 333 đại biểu, trong đó Đảng Cộng sản Đông Dương có 120 đại biểu, Đảng Dân chủ có 46 đại biểu, Đảng Xã hội có 24 điệu biểu và 143 đại biểu không đảng phái. Đáng chú ý, hai tổ chức đối lập là Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) dù không tham gia tranh cử, nhưng đã thông qua chính quyền Pháp ở Đông Dương để đàm phán, thoả thuận, gây sức ép với Việt Minh để được đặc cách thêm 70 “ghế” trong Quốc hội, nâng tổng số đại biểu Quốc hội khóa I lên 403 đại biểu.
Như vậy, trong Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ có duy nhất đại biểu của Đảng Cộng sản (lúc này hoạt động dưới tên gọi Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương và Mặt trận Việt Minh), mà còn có sự tham gia của nhiều đảng phái khác. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã thử thách thành công vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, là chính đảng duy nhất phù hợp với cách mạng Việt Nam, có lợi ích thống nhất với lợi ích của đa số nhân dân lao động Việt Nam thể hiện ở mục tiêu việc xây dựng một xã hội mang lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân lao động - đó chỉ có thể là chủ nghĩa xã hội.
Điều đó minh chứng rằng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam và sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của nhân dân và cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam nên chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm quyền làm chủ cho giai cấp công nhân, mang lại lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Sự thất bại của các phong trào cứu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với sự thất bại của giai cấp nông dân và giai cấp tư sản trong vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vậy nên, giai cấp phù hợp nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam làm hai nhiệm vụ phản đế và phản phong ở Việt Nam lúc này chỉ có thể là giai cấp công nhân.
Những thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là thực tiễn sinh động nhất minh chứng cho sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói rằng, xóa bỏ chế độ phong kiến không phải là nhiệm vụ của giai cấp công nhân mà là nhiệm vụ của giai cấp tư sản (tác giả nhấn mạnh). Bởi lẽ, theo lôgic chung của lịch sử, khi chế độ phong kiến đã lỗi thời, giai cấp tư sản phải đoàn kết với các giai tầng khác và lãnh đạo họ thực hiện cuộc cách mạng tư sản xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng chế độ tư bản chủ nghĩa. Sự phát triển của chế độ tư bản chủ nghĩa đến một giới hạn nhất định sẽ thúc đẩy mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất mang tính tư nhân với trình độ xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất. Khi đó, để tiếp tục mở đường cho lực lượng sản xuất xã hội phát triển thì giai cấp công nhân phải đoàn kết với các giai tầng khác và lãnh đạo họ thực hiện cuộc cách mạng vô sản để xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, theo lôgic chung của lịch sử, nhiệm vụ của giai cấp công nhân là đoàn kết với các giai tầng khác và lãnh đạo họ thực hiện cuộc cách mạng vô sản để đấu tranh với giai cấp tư sản xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa chứ không phải là xóa bỏ chế độ phong kiến. Vậy nên, ở Việt Nam giai cấp công nhân đã “làm thay” (theo ý của tác giả) nhiệm vụ của giai cấp tư sản. Do đó, sau khi đánh đổ chế độ phong kiến thì tất yếu phải xây dựng một xã hội mang lại lợi ích cho giai cấp công nhân, bảo đảm quyền làm chủ cho giai cấp công nhân, mang lại lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động - đó chỉ có thể là chủ nghĩa xã hội. Do vậy, việc lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự lựa chọn khách quan của lịch sử, xuất phát từ nhiệm vụ đặc thù của giai cấp công nhân Việt Nam, dù rằng con đường đó sẽ do giai cấp công nhân Việt Nam thực hiện, nhưng không vì thế mà phụ thuộc vào ý muốn của giai cấp công nhân hay Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là ba lý do cơ bản để luận giải về việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn khách quan của lịch sử, của dân tộc Việt Nam chứ không phải là ý muốn chủ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam hay của bất cứ một cá nhân, tổ chức riêng biệt nào. Đồng thời, cùng với sự luận giải như trên, không thể phủ nhận rằng, những kết quả thực tiễn mà công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực đang mang lại cho nhân dân Việt Nam mới là những căn cứ thực tiễn sinh động nhất, chắc chắn nhất để bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch đối với việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Nguyễn Văn Thắng