Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, dân tộc Việt Nam đã từng đánh bại nhiều thế lực ngoại bang hung hãn và hùng mạnh. Trong thế kỷ XX, dân tộc ta đã đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những cường quốc tư bản chủ nghĩa hàng đầu. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ và Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỉ XX
Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỉ XX…”
Trận Bạch Đằng nào được dẫn luận để so sánh với chiến thắng Điện Biên Phủ, khi nơi cửa sông này từng gắn với 3 trận thủy chiến của 3 bậc kì nhân ở 3 giai đoạn lịch sử khác nhau?
Đại thắng Bạch Đằng năm 938 gắn liền tên tuổi Ngô Quyền, được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một chiến công chói lọi, chấm dứt nền thống trị hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho nước nhà.
Hơn 4 thập kỉ sau, cũng tại nơi này, tái diễn trận kỳ chiến vào năm 981, hơn 4 vạn quân xâm lược phương Bắc bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, Đại Tống chấp nhận xuống nước và chính thức thừa nhận Lê Đại Hành là vua của Đại Cồ Việt.
Nhưng chiến công hiển hách của trận Bạch Đằng năm 1288 mới xứng đáng được Tổng Bí thư Lê Duẩn chọn ví von thành “phiên bản” cho Điện Biên Phủ của thế kỉ XX. Dưới tài thao lược của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, quân và dân nhà Trần trên dưới một lòng tiêu diệt hơn 600 chiến thuyền với khoảng 6 vạn quân Nguyên - Mông - một đế quốc hùng mạnh và tàn bạo nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Chiến thắng là đỉnh cao chói lọi của sức mạnh và nghệ thuật quân sự của quân dân Đại Việt thế kỉ XIII, thể hiện tài thao lược của vị anh hùng kiệt xuất, nhà chiến lược lỗi lạc được biết đến trong lịch sử nước nhà với việc chỉ huy quân đội đánh bại hai cuộc xâm lược của quân Nguyên- Mông. Với dân tộc, ông trở thành một trong “Tứ đại danh tướng Việt Nam”, được suy tôn như một bậc thánh nhân - “Đức Thánh Trần”. Với thế giới, Người được công nhận là một trong mười vị tướng vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh xét phong.
Quân Pháp ra hàng tại Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
Trận quyết chiến trên chiến trường Chi Lăng - Xương Giang năm 1427, Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn đã “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để “đánh một trận, sạch không kình ngạc/Đánh hai trận, tan tác chim muông” giành thắng lợi, “xã tắc từ đây bền vững” kết thúc một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh, độc lập chủ quyền của Đại Việt được khôi phục.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 dưới sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã làm cho 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh tan tác, “chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn”, giải phóng Thăng Long, giữ vững độc lập, chủ quyền của nước Nam anh hùng - “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” và văn hóa “dài tóc”, “đen răng” của dân tộc được giữ gìn.
Sở dĩ Tổng Bí thư Lê Duẩn ẩn dụ chiến thắng Điện Biên Phủ là một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỉ XX vì giữa chúng có rất nhiều điểm chung, tương đồng, trong đó quan trọng nhất là lấy chính nghĩa thắng hung tàn, thiên tài kiệt xuất của người chỉ huy kết hợp sức mạnh toàn dân, thế trận lòng dân… Để thắng địch, cha ông ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp, không chỉ đánh địch bằng lực lượng và tinh thần của cả dân tộc, mà còn bằng “mưu, kế, thế trận”.
Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ gần như có “từ khóa” mặc nhiên về thiên tài Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người duy nhất trở thành một trong “tứ đại danh tướng” của thời đại Hồ Chí Minh. Nếu như Điên Biên Phủ là phiên bản Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỉ XX, thì Đại danh tướng Võ Nguyên Giáp cũng sánh như một Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ của thế kỉ XX. Thành quả của thắng lợi luôn là kết tinh sức mạnh tập thể nhưng dấu ấn cá nhân vẫn rất đậm nét, mà trong đó nguyên nhân trực tiếp có tính chất then chốt là sự chỉ đạo chiến dịch với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thể hiện bản lĩnh kiên định, trí tuệ sắc sảo, tư duy quân sự sáng suốt và ý chí quyết chiến, quyết thắng của vị tướng tài ba mang bí danh thân mật - “anh Văn”.
Điểm chung và là điểm son là chiến thắng và sau chiến thắng có liên quan máu thịt đến vận mệnh của quốc gia dân tộc Việt Nam - nền độc lập của nước nhà được giữ vững. Chiến thắng Điện Biên Phủ cách nay 7 thập kỉ cũng vậy, quân và dân ta sau những ngày tháng ròng rã “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!” để lập nên kì tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt gần thế kỉ ách thống trị của thực dân Pháp. So sánh chiến thắng Điện Biên Phủ với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa không chỉ về ý nghĩa lịch sử, giá trị độc lập, tự do mang lại cho dân tộc mà còn bởi quy mô, hào khí và việc vận dụng tài tình chiến lược quân sự lấy dân làm gốc, sau này gọi là chiến tranh nhân dân. Từ tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đến Nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi; từ Nghĩa quân Tây Sơn của Quang Trung đến Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sau này… đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà hi sinh…
“… và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”
Một nước Việt Nam mới non trẻ, vừa thoát khỏi ách thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế lạc hậu, binh lực, quân trang vũ khí đều không thể sánh bì, nhưng đã đánh thắng đội quân xâm lược hùng hậu của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự hơn gấp nhiều lần, trang bị vũ khí hiện đại vào hàng bậc nhất lúc bấy giờ - đã lần đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử nhân loại.
Chiến sự diễn ra, quân ta càng đánh thì càng mạnh lên, ngược lại kẻ thù càng đánh càng sa vào kiệt quệ và rệu rã. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, Tướng De Castries cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch đầu hàng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - pháo đài “bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương chính thức thúc thủ, kế hoạch Navarre đi tới phá sản hoàn toàn, cũng gần như đặt dấu chấm hết cho cuộc phiêu lưu và sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp cùng can thiệp Mỹ trên bàn Hội nghị, buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Geneva. Dưới mật danh Chiến dịch Trần Đình, lần khởi đầu một nước thuộc địa ở châu Á tiêu diệt và bắt sống trên 1,6 vạn lính lê dương và lính ngụy của một nước đế quốc phương Tây trong một trận quyết chiến chiến lược. Chiến thắng đó khiến thế giới sửng sốt và khâm phục.
Một góc Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn mang tầm vóc thời đại và quốc tế, vì tiếng gầm vang còn hơn cả Waterloo - trận chiến đánh dấu sự kết thúc những cuộc chiên tranh của Napoleon – Rules Roy - ký giả kiêm sử gia, nguyên đại tá quân viễn chinh Pháp đã so sánh như thế. Nó còn là tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân và là ngọn cờ cổ vũ động viên các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên đấu tranh mạnh mẽ để giành lại quyền độc lập, tự do; lan tỏa cảm hứng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Do vậy, năm 1964, kỷ niệm 10 năm sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”[[1]]. Với Bác, đó còn là chiến thắng của một học thuyết khoa học cách mạng với tư cách là kim chỉ nam của Đảng ta, khi Người khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”[[2]].
Gom kết những sự mổ xẻ, nhận định của các học giả, chính khách và thực tiễn sinh động từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nhưng nếu có một Đảng mácxít chân chính lãnh đạo với đường lối đúng đắn, sáng tạo phát huy được ý chí kiên cường và sức mạnh toàn dân tộc cộng với sự đồng tình ủng hộ của thế giới, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù dù có mạnh hơn nhiều lần. Chân lý đó càng tiếp thêm sức mạnh cổ vũ niềm tin rằng: bất cứ thế lực nào dùng sức mạnh để áp đặt ý chí của mình lên dân tộc khác thì cuối cùng nhất định sẽ thất bại. Các lực lượng hiếu chiến dù có tàn bạo đến đâu thì cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hòa bình, hữu nghị và phát triển, vì một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ văn minh nhất định thắng lợi.
Thông điệp cho ngày nay và mai sau
Lời ngợi ca về Điện Biện Phủ của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng là nhận định rất xác đáng, khách quan, toàn diện và súc tích. Nó được ẩn dụ đặc sắc và kết nối với những chiến tích lịch sử dân tộc như một mạch chảy vắt từ quá khứ đến hiện tại, nhưng cũng chất đầy niềm tự hào, kiêu hãnh vươn tầm thời đại và quốc tế. Đó còn như là một thông điệp mà anh Ba - một trong những học trò tiêu biểu, xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhắn nhủ cho hậu thế - những chủ nhân tương lai của đất nước cần phải có và giữ bên mình nhiều hành trang mang theo như lòng yêu nước và tự tôn về dân tộc; trí tuệ và sáng tạo; bản lĩnh và ý chí tự chủ quật cường vươn lên sánh ngang cùng thời đại, hội nhập quốc tế sâu rộng và bình đằng.
Văn Hiền
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.315.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.271.