Trong lịch sử loài người đã từng diễn ra nhiều sự kiện đầu tiên gây chấn động thế giới, nhưng chỉ có một người duy nhất có thể nói rằng mình là người đầu tiên bay vào không gian. Đó là Yuri Gagarin, phi hành gia người Xô Viết từng vượt ra khỏi bầu khí quyển Trái đất và phóng thẳng lên quỹ đạo vào năm 1961.
Phi hành gia Xô Viết cao chỉ 1,57 mét. Nhưng trong lĩnh vực khám phá không gian, Gagarin phủ một cái bóng rất dài. Cả khi còn sống lẫn khi đã mất, ông đều để lại một di sản ngập tràn những thành tựu vượt bậc, và cả những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Sinh ra tại Klushino, gần Moscow, vào năm 1934, Gagarin là con trai của một người thợ mộc và một công nhân vắt sữa bò. Khi còn là một đứa trẻ, ông chứng kiến quân Phát xít tiến vào Liên bang Xô Viết và đánh chiếm thị trấn mình đang sống. Mọi người đều rơi vào cảnh khốn cùng - hai trong số những anh chị em của Gagarin bị đưa vào các trại lao động, nhưng may mắn sống sót qua cuộc chiến.
Nụ cười tràn đầy tự tin của Gagarin.
Về sau, Gagarin tham gia học tập tại nhiều trường kỹ thuật khác nhau, nhưng một câu lạc bộ bay lượn tại Saratov mới thực sự là nơi thu hút sự chú ý của ông. Sau một lần được biết đến cảm giác bay lượn, Gagarin đã hình thành một niềm đam mê mới và dành trọn những dịp cuối tuần chỉ để học cách bay.
Ông gia nhập Không quân Xô Viết và trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu, nắm được kỹ thuật điêu luyện trong việc điều khiển những cỗ máy mang tính biểu tượng như MiG-15. Trong thời gian này, Gagarin kết hôn với Valentina Goryacheva và có hai người con gái.
Năm 1960, chính quyền Xô Viết chọn ra 20 người đàn ông để tham gia vào chương trình không gian mới của đất nước. Uỷ ban yêu cầu các ứng viên phải từ 25 - 30 tuổi, và có chiều cao dưới 1,57 mét. Gagarin đáp ứng cả hai tiêu chí, do đó trở thành một trong các ứng viên may mắn được lựa chọn để huấn luyện sâu hơn.
Ông phải trải qua nhiều bài huấn luyện thể chất khắc nghiệt, bao gồm hàng chục bài nhảy dù trên mặt nước, thử nghiệm trong điều kiện thiếu khi oxy, và bị nhốt vào những căn phòng cách ly, tất cả đều nhằm lọc bỏ những người không chịu nổi áp lực về mặt tâm lý khi bay vào không gian. Dù quy trình huấn luyện đầy cam go và có tính cạnh tranh cao độ, Gagarin nổi bật trên tất cả nhờ những kỹ năng thể chất lẫn tính cách hiếm có của mình.
Ông là một người có sức lôi cuốn, giỏi giang, và dễ mến, một phần bởi nụ cười luôn hiện diện trên khuôn mặt. Chính tinh thần lạc quan đó là một lý do lớn giải thích cho việc người ta chọn ông cho sứ mệnh Vostok 1 khi chỉ còn đúng một tuần nữa là bắt đầu phóng tàu. Chính quyền Xô Viết biết rằng phi hành gia sẽ sớm nổi tiếng của họ phải trông thật bắt mắt trước ống kính máy ảnh để phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Và nụ cười tràn đầy tự tin của Gagarin phù hợp một cách hoàn hảo cho yêu cầu đó.
Vào ngày 12/4/1961, tên lửa chở Yuri Gagarin cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur. Vài phút sau, cậu nhóc nông dân đã trở thành người đầu tiên bay vào không gian.
"Gagarin rất lôi cuốn và được hâm mộ trong lực lượng phi hành gia" - theo lời Howard McCurdy, một chuyên gia về chính sách không gian và giáo sư quan hệ công chúng tại Đại học Hoa Kỳ. "Ông ấy rõ ràng chẳng sợ gì cả. Trong khi Sergey Korolev, giám đốc kỹ thuật bay, phải nốc thuốc an thần, thì Gagarin ngồi điềm tĩnh trong buồng lái".
Gagarin xuất hiện trên trang bìa của nhiều tờ báo sau khi bay vào không gian thành công.
Vào năm 1961, người ta còn biết rất ít về các chuyến bay vào vũ trụ và điều sẽ xảy ra với một con người nếu họ ở trong trạng thái phi trọng lực lâu hơn vài giây. Do đó đối với Gagarin mà nói, mọi thứ đều rất mạo hiểm. Ông bay quanh hành tinh của chúng ta chỉ đúng một lần, kéo dài 108 phút, đạt độ cao tối đa 327km. Trong suốt chuyến bay, Gagarin ăn, uống, và giám sát các hệ thống trên tàu.
"Gagarin không nắm quyền kiểm soát tàu vũ trụ" - McCurdy nói. "Theo nhiều nguồn tại NASA, các chuyên gia điều khiển chuyến bay trao cho Gagarin một chìa khoá kiểm soát để dùng trong tình huống khẩn cấp, thứ anh đã không dùng đến. Anh chỉ đơn giản là một hành khách trên tàu vũ trụ mà thôi"
Quá trình trở về Trái đất của Gagarin không suôn sẻ như những gì chúng ta vẫn chứng kiến ngày nay. Thay vào đó, nó giống như một tình huống "trong mơ" của các nhà biên kịch phim "Nhiệm vụ bất khả thi" vậy.
"Gagarin không hạ cánh cùng khoang tàu Vostok của ông ấy" - McCurdy nói. "Ông ấy nhảy ra khỏi nó và nhảy dù xuống mặt đất. Quả là một cách hạ cánh rợn tóc gáy"
Trước khi Gagarin hạ cánh, chính quyền Xô Viết đã bắt đầu... ăn mừng thành công. Lần hạ cánh an toàn này đã đưa tên tuổi ông ra toàn cầu.
Có những tuyến phố được đặt theo tên ông, và bản thân ông thì được tặng cho danh hiệu "Anh hùng của liên bang Xô Viết" bởi Nikita Khrushchev. Một số gọi ông là Christopher Columbus thời hiện đại. Ông đã đi khắp thế giới, là bằng chứng sống cho thành công của chương trình không gian Xô Viết.
Yuri Gagarin đến London vào tháng 7/1961 trong chuyến đi kỷ niệm lần đầu bay vào không gian.
Phi hành gia nổi tiếng này đã ghé thăm hàng chục quốc gia trong những dịp kỷ niệm chuyến bay thần kỳ của ông - nhưng ông bị cấm đến Mỹ. Tổng thống John F. Kennedy không muốn dính dáng gì đến thành tựu này của Liên bang Xô Viết, bởi sự kiện này đã khiến Mỹ tụt lại đằng sau trong cuộc đua không gian.
Khi chuyến đi khắp thế giới hoàn thành, Gagarin cũng dần quay lại với hoạt động bay lượn. Không quân Xô Viết nhiều lần thăng chức cho ông, tìm cách để giữ cho ông tránh xa những chiếc máy bay và an toàn trên mặt đất: chẳng ai muốn siêu sao quốc tế của họ chết sớm cả!
Ấy thế nhưng, vinh quang không phải là thứ dễ dàng ngó lơ. Gagarin tìm đến bia rượu, khiến cấp trên lo lắng.
Dẫu vậy, ông vẫn tiếp tục tham gia huấn luyện để chuẩn bị cho các chuyến bay lên không gian khác, và được chọn làm thành viên dự phòng cho sứ mệnh Soyuz 1. May mắn cho Gagarin, sứ mệnh năm 1967 này thất bại thảm khóc khi mô-đun hạ cánh không thể bung dù, dẫn đến cái chết của Vladimir Komarov - cũng là người đầu tiên chết trong quá trình bay trên vũ trụ.
Gagarin từ bỏ bia rượu trong năm tiếp theo. Ông kiên quyết trở lại với sự nghiệp bay lượn, và thậm chí còn tham gia nghiên cứu lĩnh vực kỹ thuật hàng không với hi vọng có thể tạo ra những chiếc tàu vũ trụ tái sử dụng được. Năm 1968, ông thực hiện một chuyến bay huấn luyện định kỳ trong chiếc MiG-15UTI. Vừa cất cánh chưa được bao lâu, máy bay đã rơi gần thị trấn Kirzhach. Cả Gagarin và sỹ quan hướng dẫn bay Vladimir Seryogin đều hi sinh. Lúc này, Gagarin mới chỉ 32 tuổi.
Sự ra đi đầy đột ngột của Gagarin để lại nhiều dấu hỏi lớn, vì không có nguyên nhân chính thức nào được đưa ra. Và vì không tìm được những lời giải thích thuyết phục, nhiều thuyết âm mưu bắt đầu hình thành - nhưng không có thuyết nào hợp lý cả.
Năm 2013, bằng chứng mới xuất hiện nhờ cuộc điều tra của Alexei Leonov, một cựu phi hành gia đau khổ trước cái chết của đồng đội.
Lời giải thích (chưa được xác nhận) của ông đối với vụ tai nạn? Một lỗi trong kiểm soát lưu lượng bay. Trong chuyến bay định mệnh kia, một chiếc Su-15 của Xô Viết, vốn có kích cỡ lớn hơn nhiều so với chiếc MiG-15 của Gagarin, đã xâm phạm vào vùng bay của ông. Sự nhiễu loạn không khí gây ra bởi nó đã làm Gagarin mất kiểm soát và đâm máy bay xuống mặt đất.
Chính quyền Xô Viết chưa từng công khai thông tin chính xác nào về vụ việc đó. Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được nguyên nhân thật sự. Điều chúng ta biết là sứ mệnh đầu tiên và duy nhất của Gagarin đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ đối với lịch sử thế giới.
"Con người đã mơ về việc bay lượn trong hàng thiên niên kỷ trước khi anh em nhà Wright thực hiện điều đó vào năm 1903" - theo lời Amy Foster, giáo sư lịch sử tại Đại học Trung tâm Florida.
"Ý tưởng con người bay trong không gian thậm chí còn kỳ vĩ hơn. Dù cả Mỹ lẫn Liên bang Xô Viết đều từng thành công trong việc đưa những sinh vật sống lên không gian trước chuyến bay của Gagarin, vẫn có những câu hỏi xoay quanh tác động của một chuyến bay như vậy lên con người. Do đó, thành quả của Gagarin cho thấy bay trong không gian không chỉ thực hiện được, mà còn là một khát vọng hoàn toàn thực tế".