Hàng nghìn du khách Việt và khách nước ngoài đổ về thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò trong dịp 2/9 |
Nhiều gia đình cho con đi từ quê ra không quên mang theo cờ Tổ quốc |
Vé vào Nhà tù Hỏa Lò trong những ngày này |
Với nhiều du khách đang độ tuổi học sinh, các bạn trẻ đều chia sẻ về ấn tượng khó quên. Chương trình không chỉ khơi dậy tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào, mà các em còn biết đến lịch sử với khúc ca đầy bi tráng qua các hoạt cảnh. Những người lớn tuổi hơn sẽ có suy nghĩ riêng về sự phấn đấu, nỗ lực trong hiện tại để xây đắp tương lai...
Em Đỗ Thị Ngọc (học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) cho rằng, em nghe trên báo đài cũng như được thầy cô giáo dạy môn lịch sử dạy nói nhiều về di tích nhà tù Hỏa Lò và đợt nghỉ 2/9 này được bố mẹ đưa đi thăm.
Ngọc chia sẻ, đây là cách học lịch sử một cách “vào nhất” “chân thật” nhất từ trước đến nay. Khi bước vào Nhà tù Hỏa Lò, cái cảm giác bức bối, khó chịu xuất hiện ngay từ ở ngoài cửa tù; những bức tường cao ngất, những cái song sắt mang lại cái thứ cảm giác khó chịu, ngột ngạt. Tiếng thuyết minh vang bên tai, hiện vật ngay trước mắt, nó giống như mình được quay lại cái thời điểm đấy để chứng kiến những sự việc thương tâm ấy.
Em còn tưởng tượng ra khung cảnh những nhà hoạt động cách mạng bị giam cầm giống như đang cứa vào trái tim của mỗi con người Việt Nam ta, muốn cũng không thể ngăn được xúc cảm thương xót trong những phút giây bên trong ngục.
“Nhưng có lẽ cũng vì thế nên khi chiêm ngưỡng tượng đài tưởng niệm cùng dòng chữ của những người tù chính trị đã nằm xuống lại khiến cho tôi nói riêng và người tham quan nói chung không khỏi tự hào và biết ơn, biết ơn một thế hệ đã hy sinh tất cả để có được sự độc lập như ngày hôm nay”- Ngọc chia sẻ.
Tuần trước, em Phúc cùng gia đình ở Đền vua Đinh, vua Lê ở cố đô Ninh Bình. Ảnh: NVCC |
Dịp 2/9, em lại cùng gia đình đi thăm di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: NVCC |
Còn với Em Đỗ Đức Phúc (học sinh lớp 9 trường THPT Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội) cho rằng, mới tuần trước cả gia đình em về cố đô Hoa Lư, Ninh Bình chơi nên có dịp thăm Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê là nơi em cùng du khách được chiêm ngưỡng những dấu vết của vương triều Cố đô Hoa Lư xưa - niềm tự hào của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên sau nghìn năm Bắc thuộc.
Phúc chia sẻ, học những bài học lịch sử, em được biết năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã lên ngôi Hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt và chọn Hoa Lư là trung tâm chính trị - kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền.
Năm 1010, tại kinh đô Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô để thiên đô về thành Đại La và đổi tên kinh thành này là Thăng Long. Lý Thái Tổ cùng các quần thần đã gấp rút xây dựng những công trình cơ bản của Kinh thành Thăng Long. Đến đầu năm 1011 thì hoàn thành.
“Như vậy, chỉ trong hai tuần, em được đi hai Di tích lịch sử, hai vùng đất vua lâu đời và học nhiều bài học có giá trị”- Phúc chia sẻ.
Và dịp 2/9 ngày ngoài đi di tích Hoàng thành Thăng Long, em được bố mẹ cho đi thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò mà em hằng mong được ra thăm.
“Bạn bè em đi nhiều, nhắc nhiều đến Di tích nhà tù Hỏa Lò. Em mong được tận mắt học những bài học về lịch sử qua những di tích, thước phim rất chân thật như vậy”- Phúc chia sẻ.
Những hình ảnh được các em ghi lại khi thăm di tích Hoàng thành Thăng Long |
Em Đỗ Mai Hương, sinh viên trường ĐH Việt Nhật- ĐH Quốc gia Hà Nội đã cùng anh trai dịp nghỉ lễ 2/9 ra xem Chương trình Đêm thiêng liêng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
“Lịch sử được tái hiện qua những hoạt cảnh, những kết nối giữa quá khứ và hiện đại, đã để lại trong lòng người xem ấn tượng sâu sắc. Em thấy biết ơn các anh hùng đã ngã xuống vì dân tộc”- sinh viên này chia sẻ.
Việc học lịch sử trong giai đoạn hiện nay đã khác trước rất nhiều
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy sử trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa chia sẻ, trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội cũng như, nhiều nóc nhà, cửa hàng…đang vẽ lá cờ tổ quốc như thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Hình ảnh lá cờ tổ quốc hiện diện ở khắp mọi nơi, gần gũi với người dân Việt Nam, càng cho thấy tình yêu nước luôn chảy trong trái tim của chúng ta. Lòng yêu nước ấy sẽ mãi mãi và không bao giờ phai trong lồng ngực của các bạn trẻ. Các bạn yêu nước theo cách rất riêng của mình.
Và, việc học lịch sử trong giai đoạn hiện nay đã khác trước rất nhiều, không còn bó hẹp trong không gian lớp học, trong sách giáo khoa hay trong bài giảng của cô giáo dạy Sử và ở đâu, bất cứ khi nào, độ tuổi nào thì việc học, tìm hiểu về lịch sử lại dễ dàng hơn và thuận tiện hơn trong thời đại bùng nổ công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.
“Lịch sử không còn khô khan, rời rạc, tẻ nhạt mà lịch sử sống động, chân thực và đầy sáng tạo qua các góc nhìn, lăng kính đa chiều, đủ sức làm thoả mãn các cơn khát, đam mê và tìm tòi về lịch sử”- cô Thảo nói.
Cũng theo giáo viên này, trong những ngày trọng đại của đất nước, các em lại cùng nhau tìm hiểu về lịch sử với các chương trình về với Bảo tàng, tìm hiểu về Cách mạng tháng 8, tìm lại các video clip về ngày Quốc Khánh hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh…một cách rất tự nhiên và lịch sử hiện diện trong mỗi các em là lòng yêu nước chứ không phải là một môn học “áp đặt” , “khô khan”…
“Tôi luôn có niềm tin và luôn hướng đến sự lạc quan, tích cực về công cuộc đổi mới giáo dục được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Chúng ta tiếp tục hi vọng và chờ đợi những thành quả của đổi mới giáo dục, đó là, những thế hệ học sinh năng động, trí tuệ, hiểu biết, có lòng yêu nước và sẵn sàng vượt qua mọi giới hạn của bản thân, nghịch cảnh để trở thành những con người Việt Nam mới và là công dân toàn cầu trong tương lai”- vị giáo viên chia sẻ.
Nguồn Tiền phong