Dù chịu những tác động từ đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng và mức độ tiêu thụ các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghệ, điện máy tại Việt Nam vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực, theo báo cáo của GfK Việt Nam.
Các món đồ công nghệ đắt tiền, nhiều tính năng được người Việt ưa chuộng |
Trong đó, lượng smartphone bán ra trong năm 2021 đạt 16,8 triệu máy, tăng nhẹ so với doanh số 15,7 triệu thiết bị của năm 2020. Người Việt cũng có xu hướng chọn smartphone nhiều hơn so với điện thoại cơ bản khi có tới 80% máy bán ra là điện thoại thông minh. Năm 2020, smartphone chỉ chiếm 71% và 29% còn lại thuộc về các mẫu máy với tính năng cơ bản.
Mức chi tiêu trung bình cho điện thoại cũng tăng dần theo năm. Nếu như năm 2017 người Việt chi trung bình 5,8 triệu đồng để mua smartphone thì tới 2021, số tiền đã lên 6,7 triệu đồng (292 USD). So về mức độ tốn kém cho smartphone, người Việt xếp thứ hai tại thị trường Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore - nơi người dân phải bỏ ra khoảng 487 USD để sở hữu điện thoại thông minh. Giá trung bình ở Malaysia cao thứ ba (282 USD), xếp sau là Thái Lan (242 USD), Philippines (224 USD), Indonesia (211 USD)...
Báo cáo của GfK Việt Nam cũng cho thấy có tới 85% smartphone bán trong năm 2021 ở Việt Nam sở hữu vi xử lý 8 nhân và xu hướng lựa chọn máy có bộ nhớ RAM từ 6 GB tới 8 GB đang tăng nhanh dù hiện tại, mức RAM 3 - 4 GB vẫn đang được tiêu thụ chủ yếu.
Theo đánh giá từ GfK, người Việt thích nâng cấp smartphone có cấu hình cao hơn (thiết bị đang sử dụng hiện tại). Máy có hỗ trợ công nghệ mới như 5G hay bộ nhớ lớn sẽ tác động tới quyết định cuối cùng.
Không chỉ smartphone, các mặt hàng công nghệ khác thuộc ngành hàng như điện lạnh, điện tử gia dụng gồm máy giặt, TV, tủ lạnh... cũng tăng người dùng ở phân khúc cao cấp. Báo cáo thị trường ghi nhận nhu cầu sở hữu máy giặt có kết nối Wi-Fi vào năm 2021 tăng tới 230% so với cùng kỳ năm trước. Những loại tủ lạnh cao cấp với kích thước lớn, 3 - 4 cửa cũng được tiêu thụ mạnh hơn.
Ở mảng TV, các model mới, nhiều tính năng hiện đại, hỗ trợ nội dung 4K đang "hot" tại Việt Nam. Tỷ trọng tiêu thụ TV 4K so với thiết bị có độ phân giải thấp hơn ở Việt Nam cao (73% - 27%) và gần bằng Singapore (77% - 23%), nhưng vượt phần còn lại của khu vực. Kích thước màn hình yêu thích của người Việt là 50 - 60 inch.
Nhóm ngành hàng gia dụng thông minh, đồ viễn thông, laptop gaming cấu hình cao, máy tính bảng màn hình lớn cũng đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Giám đốc điều hành GfK Việt Nam Trần Văn Khoa đánh giá: "Người Việt nằm trong nhóm tiêu dùng có chọn lọc, thích đồ công nghệ mới, hiện đại". Nhìn chung thị trường, mức tiêu dùng trung bình cho đồ công nghệ viễn thông, điện máy năm 2021 tại Việt Nam là 2,8 triệu đồng, thấp hơn Singapore, ngang Thái Lan và cao hơn các quốc gia khác trong khu vực.
Theo GfK, năm 2022 ngành điện máy có thể tiếp đà tăng trưởng với dự kiến 9%, hàng công nghệ viễn thông tăng 8,2% và xu hướng chuộng sản phẩm cao cấp, nhiều tính năng, đời mới vẫn được duy trì.
Nguồn TTO