Đối sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thế lực thù địch đe dọa sự tồn vong của chế độ nói chung, với thực dân Pháp nói riêng là nhân nhượng những gì có thể nhân nhượng được, nhưng kiên quyết bảo vệ những giá trị thiêng liêng mà Đảng ta, nhân dân ta tốn nhiều xương máu, bao năm đấu tranh mới giành được là độc lập dân tộc, tự do và thống nhất đất nước
Từ 23/ 9/1945 đến tháng 2/1946: Kiên quyết chống hành động tái xâm lược của thực dân Pháp
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược Việt Nam.
Xứ ủy Nam Bộ đã tổ chức nhiều Hội nghị như Hội nghị Cây Mai (Chợ Lớn) ngày 23/9/1945, Hội nghị Cầu Vĩ (Mỹ Tho) ngày 15/10/1945, Hội nghị Thiên Hộ (Mỹ Tho) ngày 25/10/1945 bàn chủ trương kháng chiến. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Nam Bộ, tiêu biểu là nhân dân Sài Gòn đã nhất tề đứng lên chống quân xâm lược mở ra trang sử oanh liệt: Nam Bộ kháng chiến.
Chỉ với vũ khí thô sơ và ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được, đồng bào Nam Bộ đã vùng lên “Tầm vông trong tay ta tiến. Nguyện cứu nước non”. Đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ đã chặn bước tiến quân thù, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.
Trong bài viết Khoan hồng mà không nhu nhược, ngày 8/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “Chỉ coi bọn thực dân Pháp là kẻ thù chính cần tiêu diệt, còn đối với dân chúng Pháp chịu thừa nhận quyền độc lập Việt Nam thì vẫn thân thiện và sẵn sàng bảo vệ cho sinh mạng và tài sản” “Những bọn thực dân tàn bạo và bọn tay sai của chúng mưu mô xâm phạm chủ quyền Việt Nam, phá hoại nền độc lập của ta, các Ủy ban cần thẳng tay phanh thây chẻ xác chúng ra để làm gương cho kẻ khác” [1].
Nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến (Ảnh tư liệu)
Trước bối cảnh tình hình phức tạp, ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương ra tuyên bố tự ý giải tán, nhưng thực chất, Đảng rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”. “Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”[2]. “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”. “Đối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”[3].
Trong Thư gửi người Pháp ở Đông Dương, ngày 23/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi chiến đấu cho nền độc lập của chúng tôi, chúng tôi chiến đấu chống sự đô hộ Pháp mà không chống những người Pháp lương thiện. Lúc này, bọn thực dân Pháp đã mở đầu sự tấn công chúng tôi ở Nam Bộ. Chúng đã bắt đầu giết bao đồng bào chúng tôi, đốt nhà cướp của của chúng tôi. Chúng tôi bắt buộc phải kháng cự lại lũ xâm lăng ấy để bảo vệ gia đình, Tổ quốc chúng tôi”[4].
Ngày 9/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời “Đối với Pháp, chỉ đánh bọn thực dân, còn đối với những kiều dân không làm hại gì cho nền độc lập của ta, ta sẽ phải bảo vệ tính mệnh và tài sản của họ”[5].
Trong thời gian từ tháng 9/1945 đến tháng 2/1946, trước hành động tái xâm lược của thực dân Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy quan điểm kiên quyết kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, phân hóa sâu sắc kẻ thù với chủ trương chỉ chống lại thế lực thực dân phản động trong chính giới Pháp và thực dân phản động Pháp tại Đông Dương, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ Pháp và những lực lượng có lập trường hòa bình, hữu nghị.
Từ tháng 3/1946 đến 19/12/1946: Chủ trương hòa hoãn với Pháp, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng, chuẩn bị kháng chiến
Ngày 28/2/1946, Chính quyền Trung Hoa dân quốc và Pháp ký Hiệp ước Hoa-Pháp, dẹp bỏ mẫu thuẫn nội bộ, thỏa thuận, trao đổi lợi ích, chà đạp thô bạo chủ quyền độc lập của Việt Nam.
Trước tình hình đó, đối sách với thực dân Pháp phải có những thay đổi căn bản, để tránh rơi vào thế cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù nguy hiểm.
Ngày 3/3/1946, Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị Tình hình và chủ trương.
Thường vụ Trung ương nhận thấy, hòa với Pháp có thể phá tan âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động, bảo tồn thực lực, có thời gian chuẩn bị kháng chiến, tiến tới giành độc lập hoàn toàn.
Chỉ thị nhấn mạnh “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến đấu bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy...”[6].
Thực hiện chủ trương “hòa với Pháp”, ngày 6/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp Xanhtơny bản Hiệp định sơ bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp tìm kiếm cơ hội hòa bình, năm 1946 (Ảnh tư liệu)
Ngày 9/3/1946, ba ngày sau khi ký Hiệp định sơ bộ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Hòa để tiến.
Chỉ thị giải thích rõ: “Chúng ta hòa với Pháp để:
1- Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động…
2- Bảo toàn thực lực, chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dân tộc Việt Nam cam kết trung thành với Hiệp định Việt-Pháp và rất yêu chuộng hòa bình, nhưng dân tộc Việt Nam sẵn sàng hy sinh hết thảy để phá tan mọi mưu mô phản phúc và đê hèn của phái phản động Pháp”[7].
Tiếp đó, để cứu vãn hòa bình, tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Pháp bản Tạm ước 14/9/1946.
Tạm ước 14/9 là bước nhân nhượng cuối cùng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là bước nhân nhượng cần thiết, để cứu vãn hòa bình.
Sau chuyến thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện mong muốn hòa bình, đồng thời nêu rõ quyết tâm giữ nền độc lập dân tộc đã giành được. Người nói: “Vì hoàn cảnh hiện thời ở nước Pháp, mà hai vấn đề chưa giải quyết được, còn phải chờ. Nhưng không trước thì sau, tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất”[8].
Trong những tháng cuối năm 1946, quân đội Pháp tại Trung Bộ, Tây Nguyên ra sức mở rộng vùng chiếm đóng. Tại Bắc Bộ, quân đội Pháp tăng cường các hoạt động khiêu khích, chiếm đóng một số vị trí quan trọng tại các địa phương. Khả năng hòa hoãn với Pháp không còn nữa. Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng, ngày 19/10/1946, nêu rõ: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”[9].
Đầu tháng 12/1946, quân đội Pháp gây hấn ở Hà Nội, gửi tối hậu thư đồi lực lượng ta phải triệt thoái khỏi nhiều địa điểm quan trọng tại Hà Nội, giọt nước đã tràn ly.
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:“Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[10].
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946 là khoảng thời gian Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những đối sách mẫu mực về ngoại giao, góp phần đưa đất nước vượt qua những khó khăn, hiểm nghèo trong thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Cùng với việc thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất mới giành được là sự mềm dẻo về sách lược, hòa hoãn với Pháp để tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến toàn quốc không tránh khỏi. Với việc ký Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước 14/9, cách mạng Việt Nam có thêm thời gian, dù là không dài, để khôi phục và xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm ở miền Nam, xây dựng và phát triển thực lực chính trị và vũ trang ở miền Bắc.
Chỉ trong một thời gian ngắn khoảng 10 tháng, quân và dân Việt Nam đã thực hiện được rất nhiều công việc quan trọng, có ý nghĩa lâu dài như xây dựng lực lượng cách mạng, trấn áp những lực lượng phản cách mạng. Về lực lượng chính trị, trong thời gian này, đã tranh thủ mở rộng mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, thành lập nhiều tổ chức của các tầng lớp nhân dân như Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đoàn kết các dân tộc thiểu số Việt Nam, các lực lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật…Về lực lượng vũ trang, đã xây dựng Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chỉ trong một thời gian ngắn, đưa lên 80.000 bộ đội thường trực và gần 1.000.000 dân quân, tự vệ ở hầu khắp các địa phương. Ngoài ra, đã chuẩn bị và vận chuyển hàng nghìn tấn vật chất lên căn cứ địa để chuẩn bị kháng chiến lâu dài[11].
Cuối năm 1946, khi nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam bị thực dân Pháp chà đạp bằng các hành động gây hấn và xâm phạm chủ quyền tối cao của dân tộc, không thể nhân nhượng được nữa, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động phát động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, đối sách với một kẻ xâm lược không thể nào khác là chống xâm lược, ghi tiếp những trang sử oanh liệt, như cha ông ta đã từng ghi vào lịch sử giữ nước hàng nghìn năm.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 49-50.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 26.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr. 27.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 77.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđ d, t.4, tr. 174.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr 46.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 59.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.135.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 133.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 160.
[11] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 1 (1930-19540, Quyển 2 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr. 115-116.