Sau 10 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân hai miền Nam, Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được những thắng lợi quan trọng trên mặt trận quân sự. Bước sang đầu năm 1967, với lập trường, quan điểm rõ ràng, Đảng đã lãnh đạo mở mặt trận ngoại giao với đòn tiến công quan trọng ngày 28/01/1967 mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ kết hợp “đánh và đàm”
Đấu tranh ngoại giao - một mặt trận quan trọng
Sau 10 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuộc kháng chiến của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đứng trước bờ vực phá sản hoàn toàn. Trước tình hình đó, Hoa Kỳ dấn sâu thêm một bước trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam và mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân.
Đứng trước những hành động xâm lược và thái độ hiếu chiến của Mỹ, bên cạnh chủ trương đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh quân sự và chính trị, Trung ương Đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đấu tranh ngoại giao.
Ngày 22/3/1965, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố năm điểm lên án chính sách xâm lược của Mỹ và nêu rõ lập trường của Mặt trận. Tiếp đó, ngày 08/4/1965, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên bố bốn điểm, nêu rõ lập trường và nguyên tắc lớn cho giải pháp về vấn đề Việt Nam.
Tiếp tục khẳng định quan điểm và lập trường trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (đặc biệt) khóa III dành một phần quan trọng để đề cập nhiệm vụ “Đẩy mạnh công tác đấu tranh ngoại giao cho phù hợp với tình hình mới”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12/1965) một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ công tác đối ngoại và nêu lên phương hướng đấu tranh ngoại giao: “Cần đẩy mạnh đấu tranh chính trị và ngoại giao, góp phần củng cố sự đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa, luôn giữ thế chủ động, nắm vững và giương cao ngọn cờ độc lập và hòa bình” [1].
Quan điểm chỉ đạo trên đây đã đặt cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh ngoại giao, chống lại luận điệu giả dối của Mỹ về “đàm phán hòa bình không điều kiện”.
Một đơn vị Quân Giải phóng trong mùa khô 1965-1966 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Lập trường của Việt Nam
Cùng với việc tăng cường hoạt động quân sự ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam, Hoa Kỳ dùng nhiều thủ đoạn ngoại giao, một mặt thăm dò thái độ của Việt Nam, mặt khác “đánh lừa” dư luận thế giới về “thiện chí hòa bình” của Mỹ. Ngay sau khi mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và cho quân đội đổ bộ vào miền Nam, ngày 7/4/1965, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đọc một bài diễn văn tại trường Đại học Baltimore với tiêu đề “Peace without Conquest” [2]. Johnson vu cáo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “tấn công một quốc gia độc lập”, rằng “Mỹ có trách nhiệm bảo vệ quốc gia này”, yêu cầu miền Bắc Việt Nam chấm dứt xâm lược miền Nam, hai bên (Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) cùng rút quân và tuyên bố “Mỹ mong muốn hòa bình,.. Mỹ sẵn sàng đàm phán không điều kiện”. Đây là bước mở đầu cho một chiến dịch tuyên truyền “vì hòa bình” của Mỹ nhằm lừa dối nhân dân Mỹ và dư luận thế giới, làm lẫn lộn giữa kẻ đi xâm lược (Mỹ) với người bị xâm lược (Việt Nam), đưa ra điều kiện “cùng rút quân” nhằm thiết lập hòa bình trong khi không ngừng tăng cường chiến tranh, quân đội và vũ khí ở cả hai miền Việt Nam.
Tiếp tục làm rõ lập trường Việt Nam trước dư luận thế giới, hé mở giải pháp kết thúc chiến tranh, ngày 24/01/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã gửi giác thư đến gần 70 nguyên thủ quốc gia và các vị đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới, khẳng định quyết tâm và khả năng thắng đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam, tố cáo tội ác và âm mưu của tăng cường mở rộng chiến tranh của Mỹ, khẳng định: “Rõ ràng chiến dịch “đi tìm hoà bình” của Mỹ chỉ nhằm che giấu âm mưu tăng cường chiến tranh xâm lược của họ. Lập trường của Chính phủ Giônxơn vẫn là xâm lược và mở rộng chiến tranh” [3].
Lập trường của Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu hiện sinh động bằng các cử chỉ ngoại giao ngày càng được các tầng lớp xã hội các nước, giới chức lãnh đạo nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế hưởng ứng mạnh mẽ.
Đòn tiến công ngoại giao công khai mở màn trào lưu dư luận quốc tế
Kiên trì lập trường, quan điểm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 27/01/1967 về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã khẳng định: “Đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao, phối hợp với hai mặt đấu tranh đó để giành thắng lợi to lớn hơn nữa… Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc” [4]. Đồng thời, Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Trước mắt, chúng ta cần tập trung vào khẩu hiệu đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” [5].
Ngày 28/01/1967, trả lơi phóng vấn của nhà báo Australia, Wilfred Burchett, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh nhấn mạnh yêu cầu: “Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện với nhau” [6].
Đòn tiến công ngoại giao công khai đầu năm 1967 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tung ra đúng thời cơ thuận lợi và trong những điều kiện đã được chuẩn bị trước. Các cơ quan thông tấn và các đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã công bố lời tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh thể hiện lập trường chính thức của Việt Nam.
Hiệp định Paris được ký kết, mở đường đến thắng lợi cuối cùng
của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu)
Một trào lưu dư luận hoan nghênh lời tuyên bố ngày 28/1/1967 của Việt Nam dấy lên. Dư luận thế giới cho rằng Việt Nam có thiện chí hòa bình và do đó, tập trung đòi Hoa Kỳ phải đáp ứng bằng cách đình chỉ không điều kiện việc ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Tháng 5/1967, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Uthant kêu gọi triệu tập lại Hội nghị về Đông Dương, chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Tổng thống Pháp De Gaulle khuyên Hoa Kỳ từ bỏ cuộc chiến tranh chống Việt Nam và đề nghị triệu tập Hội nghị cấp cao bốn nước Mỹ, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc để thảo luận việc chếm dứng chiến tranh ở Việt Nam, Lào và rút quân đội nước ngoài khỏi Đông Dương, bảo đảm nền trung lập cho các nước này [7].
Quần chúng và báo chí Mỹ bình luận sự kiện đánh dấu một giai đoạn mới và đòi chính phủ Mỹ phải đáp lại thiện chí bằng thiện chí, dấy lên một phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (Vietnam anti-war movement). Các cuộc biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ. San Francisco, New York, Oakland và Berkeley đều là những trung tâm của các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, đặc biệt là cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 [8].
Như vậy, đòn tiến công ngoại giao đầu năm 1967 đã tạo nên một cục diện chính trị quốc tế rất thuận lợi cho Việt Nam. Sức ép mạnh mẽ của dư luận và báo chí thế giới đổ dồn về Nhà Trắng, đòi Johnson chấm dứt ném bom để Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ có thể nói chuyện với nhau. Có thể thấy, qua lời tuyên bố ngày 28/01/1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vận dụng tài tình sách lược phân hóa kẻ thù, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, giành được thế chủ động trên mặt trận ngoại giao, mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm", kết thúc bằng thắng lợi của Hiệp định Paris ngày 27/01/1973.
Hồng Hà
__________________
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.26, tr.641.
[2] [http://www.lbjlibrary.net/collections/selected-speeches/1965/04-07-1965.html]
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.33.
[4], [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 28, tr.174, 176.
[6] Vũ Dương Ninh: Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940-2020), Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.194.
[7] Nguyễn Phúc Luân: Ngoại giao Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.234.
[8] https://www.whitehousehistory.org/anti-war-protests-of-the-1960s-70s