Đừng tự ti, dù bạn không tuyệt nhất, bạn vẫn là duy nhất!
10:23 AM - 23/04/2022 55
"Ở thời đại mọi thứ đều "vội", tâm lý tự ti khiến nhiều bạn trẻ càng cảm giác lạc lõng, cô đơn hơn", Ngọc Huyền chia sẻ.
Trong nhịp sống nhanh của xã hội hiện đại, niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng trong hầu hết các mối quan hệ, bao gồm cả mối liên kết với chính bản thân mình. Việc mất niềm tin vào bản thân không chỉ khiến bạn quên đi những ưu điểm của mình, đánh mất đi bản năng vốn có, mà còn khiến bạn vụt mất nhiều cơ hội quan trọng.
Khi trò chuyện cùng Dân trí về chủ đề này, các bạn Gen Z thẳng thắn bày tỏ...
Áp lực từ kỳ vọng xã hội về một thế hệ tự tin
Nguyễn Mạnh Tiến, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Ở lứa tuổi của mình, có rất nhiều bạn tự tin vào bản thân và hiểu rõ các bạn muốn gì, cần làm gì để đạt được mục tiêu, nhưng không phải Gen Z nào cũng vậy.
Mình nghĩ dù ở bất cứ thế hệ nào, tâm lý tự ti, hoài nghi với chính mình là cảm giác ai cũng từng trải qua một lần. Điều quan trọng là phải nhận thức và kiểm soát được bản thân, nghĩ cách giải quyết, suy nghĩ tích cực hơn".
"Gen Z có rất nhiều người tự tin, nhưng cũng không ít người gặp vấn đề với chính mình. Trong khi người ngoài cảm thấy họ có năng lực thì họ lại e sợ, hoài nghi về năng lực của bản thân.
Mình đã từng có thời gian cảm thấy áp lực vì hầu hết các bạn cùng lứa đều rất tự tin, năng động, trong khi mình luôn tự ti, không có niềm tin vào bản thân. Tâm lý này khiến mình mất khá nhiều cơ hội và thời gian để cân bằng cuộc sống", Mạnh Tiến bộc bạch.
Cũng có những quan điểm về vấn đề này, Đỗ Ngọc Huyền, sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải bày tỏ: "Bản thân mình luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, nhưng cũng có khoảng thời gian mình đã hoài nghi về chính bản thân. Tâm lý đó khiến mình dần tự cô lập, không dám chia sẻ cùng ai vì các bạn đều rất tự tin, năng động, giỏi giang.
Đây là vấn đề tâm lý không còn quá mới mẻ, nhưng chỉ khác là ở thời đại mọi thứ đều "vội", tâm lý tự ti khiến nhiều bạn trẻ càng cảm giác lạc lõng, cô đơn hơn. Mình nghĩ có rất nhiều người gặp phải vấn đề tâm lý này, nhưng họ không nói ra vì cảm giác không ai hiểu".
Gen Z này cũng cho rằng nhận định "Gen Z thì phải tự tin" vô hình chung tạo ra áp lực rất lớn với nhiều bạn trẻ. Điều này có thể khiến các bạn bị ảnh hưởng tâm lý, khiến bản thân càng thêm lạc lõng và hoài nghi về chính mình nhiều hơn.
"Bạn có thể không tuyệt nhất, nhưng bạn là duy nhất"
Huỳnh Tiến Đạt, cựu sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội chia sẻ bí quyết khắc phục vấn đề tâm lý này của bản thân: "Câu nói "Bạn có thể không tuyệt nhất, nhưng bạn là duy nhất" đã khiến mình suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Đây chính là động lực để mình thay đổi, mỗi khi có ý nghĩ tiêu cực, muốn chùn bước mình lại nhớ tới nó.
Tâm lý này đã và đang ngày càng phổ biến hơn, nếu bạn không thể đặt niềm tin vào chính mình, bạn sẽ chẳng bao giờ dành điều đó cho ai khác. Niềm tin là sợi dây liên kết cần được gây dựng, và chỉ chính bạn mới làm được điều đó. Đây vừa là chia sẻ, vừa là bí quyết của mình, chỉ gói gọn trong 4 chữ "thấu hiểu bản thân" thôi."
Bạn Đặng Nhật Hạ, sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có những chia sẻ với Dân trí: "Động lực để mình thêm tin tưởng vào bản thân chính là sự chia sẻ của những người bạn. Sau quãng thời gian dài stress, sống không mục tiêu, chính kiến, luôn có cảm giác thua kém và lạc lõng, mình đã nhận được sự chia sẻ rất lớn từ những người bạn. Mọi người giúp mình mở lòng, tự tin hơn về bản thân.
Đây là tâm lý của chính mình, chỉ tự mình có thể giải quyết, nhưng mọi người hãy cứ chia sẻ với bạn bè, người thân, những người mà bạn thật sự tin tưởng. Chắc chắn khi chúng mình mở lòng thì tâm lý sẽ thoải mái hơn; khi mình kể ra được vấn đề của bản thân thì mình đã tự tin hơn rất nhiều rồi đấy!".
Nếu bạn đang có suy nghĩ này, đừng hoảng sợ, thất vọng hay quá tiêu cực. Hãy hiểu đây là vấn đề không mới, nhưng nếu không chịu thừa nhận, giải quyết và khắc phục thì nó vẫn luôn ở đó, thậm chí còn tồi tệ hơn bởi những quan điểm áp đặt, những tính cách được "lập trình sẵn". Chúng ta không sợ sai, chúng ta chỉ sợ bản thân không đủ dũng cảm thừa nhận sai lầm mà thôi!
Nhà giáo là nhân tố quyết định đến sự nghiệp “trồng người”, nên Bác Hồ luôn nhắc nhở giáo viên thường xuyên rèn đức luyện tài, phải vừa hồng vừa chuyên mới hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang đó của mình.