Ý kiến được nhiều nhà khoa học nêu tại hội nghị "Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Đại học Bách khoa TP HCM, chiều 10/2.
TS Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long có hơn 20 năm làm khoa học nói về những khó khăn trong việc mua sắm vật tư phục vụ nghiên cứu.
Bà minh chứng, theo quy định, việc dự toán kinh phí và đấu thầu chọn nhà cung cấp thực hiện tại thời điểm nghiên cứu. Tuy nhiên quá trình làm đề tài kéo dài 3 - 5 năm, đơn giá các vật tư biến động theo thị trường. Trường hợp giá vật tư giảm thì số tiền dư ra được hoàn trả lại nhà nước. Thế nhưng khi giá vật tư tăng cao hơn dự toán ban đầu, ngân sách lại không cấp thêm. "Đơn vị chủ trì đề tài phải bỏ tiền hoặc xoay xở kinh phí bằng nhiều cách để không bị ảnh hưởng tiến độ", bà Tiên nói.
Đại diện Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long đề xuất, việc dự toán kinh phí mua sắm vật tư, cần điều chỉnh hàng năm theo biến động để thuận lợi cho nhà khoa học.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM cho biết, theo Thông tư 04/2015 cơ quan chủ trì đề tài được điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, danh mục vật tư, hóa chất miễn không làm tăng tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông cho rằng theo các quy định mới cơ quan chủ trì phải thông qua ý kiến đơn vị quản lý cấp trên. "Trong quá trình nghiên cứu thường xuyên thay đổi vật tư hóa chất do thực tế phát sinh. Nếu cứng nhắc trong phê duyệt danh mục mua sắm sau đó khó điều chỉnh sẽ khó khăn cho người làm nghiên cứu", ông Quân nói. Ông đề xuất cần xem xét nghiên cứu mang tính đặc thù vốn có nhiều thay đổi trong quá trình thực hiện đề tài, để tạo thuận lợi cho nhà khoa học.
Chia sẻ với khó khăn trên, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho bằng việc phát sinh chi phí trong nghiên cứu hiện các quy định không có cơ chế cấp ngân sách bổ sung. Trường hợp bổ sung cần phải thành lập hội đồng thẩm định để xem xét nhưng thực tế rất khó thực hiện vì phức tạp về thủ tục.
Ông Hải cho rằng, để giải quyết vấn đề này quá trình xem xét của các tổ thẩm định kinh phí của nhà nước cần cân nhắc, căn cứ báo giá, quan tâm đến tỷ lệ trượt giá nhất định sau này để quyết định tổng mức trần nguyên vật liệu cho cả đề tài.
Lý giải theo Luật quản lý công sản, ông Hải cho biết, trong mua sắm công mọi quyết định sử dụng ngân sách, cần có quyết định của cơ quan thẩm quyền phê duyệt kế hoạch. Thông tư không thể nằm trên luật, nên không có ngoại lệ. "Việc này chúng tôi sẽ cùng với Bộ Tài chính xem xét để tháo gỡ cho nhà khoa học trong thời gian tới", ông Hải nói.
Để tạo điều kiện cho nhà khoa học trong phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm công, lãnh đạo Vụ kế hoạch - Tài chính, cho biết sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 70 phân cấp về cho các đơn vị quản lý kinh phí, tức các Văn phòng chương trình khoa học công nghệ quốc gia, thay vì lãnh đạo Bộ như hiện nay, giúp giảm bớt thời gian, thủ tục.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận các ý kiến và cho biết sẽ sớm hoàn thiện sửa đổi các quy định quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia ngay trong quý I.
Hiện cả nước có khoảng 40 chương trình khoa học công nghệ quốc gia, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 2 quỹ (Nafosted và Natif) cùng 20 chương trình, các chương trình còn lại do các bộ ngành quản lý. Các dự án tham gia chương trình khoa học công nghệ quốc gia được tài trợ 30 - 70% kinh phí, quỹ Nafosted có thể tài trợ 100% kinh phí. Các chương trình có 3 hướng hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ.
Nguồn TTO