Ukraine nằm ở vị trí địa chiến lược trọng yếu trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Hơn nữa, Ukraine cũng là một đất nước rất giàu tiềm năng, lợi thế với nhiều khoáng sản cần thiết cho phát triển và là vựa lúa mì của châu Âu. Chính vì vậy, Ukraine được ví như một cô gái xinh đẹp mà bất kỳ anh lớn nào cũng muốn nhòm ngó. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ và phương Tây luôn tìm cách lôi kéo Ukraine đi theo mình hòng thu hẹp địa bàn ảnh hưởng cũng như làm suy yếu địa vị kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh của Nga trong không gian hậu Xô Viết.
Trong khi đó, Ukraine và Nga không chỉ là những người láng giềng mà đã từng là những người anh em gắn bó mật thiết suốt hơn 70 năm trong ngôi nhà chung Liên Xô. Hơn nữa, giữa Nga và Ukraine có những mối liên hệ chặt chẽ về lịch sử, văn hóa, chủng tộc và hiện có rất nhiều người gốc Nga hoặc nói tiếng Nga có xu hướng thân Nga sống ở các tỉnh miền Đông Ukraine. Do vậy, Moscow muốn Kiev giữ đường lối trung lập, không tham gia vào khối NATO vì cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của Nga. Với vị trí địa chính trị nhạy cảm và đặc điểm quốc gia dân tộc như vậy, Ukraine nên giữ chính sách trung lập, hài hòa trong quan hệ với cả Nga và phương Tây.
Binh sĩ Nga tuần tra trên một con phố ở Volnovakha thuộc khu vực Donetsk, miền đông Ukraine vào ngày 11-4. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, chính quyền Ukraine ngày càng có xu hướng muốn “thoát Nga”, thân phương Tây. Đặc biệt, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Zelensky có chính sách ngả hẳn về phương Tây được thể hiện qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 2019, trong đó đặt mục tiêu đưa Ukraine tham gia vào EU và khối NATO, đồng thời cũng thực hiện một loạt các chính sách nhằm “đoạn tuyệt” với Nga. Hậu quả là, chính sách thân phương Tây và “chống Nga” đã trở thành một nguồn cơn dẫn tới chiến dịch quân sự của Nga hiện nay mà chính đất nước và nhân dân Ukraine đang và sẽ phải gánh chịu những đau thương mất mát không kể xiết.
Từ chỗ là một quốc gia giàu có, hùng mạnh, đứng thứ 2 trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ chỉ sau Nga về tiềm lực kinh tế, quân sự, có vị trí địa chiến lược quan trọng và rất giàu tiềm năng phát triển, Ukraine đã trở thành một quốc gia chìm trong bất ổn định chính trị, kinh tế suy giảm, rơi vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh, đối đầu giữa các cường quốc. Trong hoàn cảnh đó, từ năm 2014 đến năm 2020, Ukraine đã bị thiệt hại 280 tỷ USD trong tổng sản phẩm quốc nội và đến năm 2020, GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp nhất châu Âu, chỉ còn hơn 3.700USD/ người/năm.
Trong chiến lược bảo vệ độc lập dân tộc của đất nước mình, Chính quyền Ukraine đã quá trông đợi vào sự giúp đỡ của Mỹ và Phương Tây. Từ khi chiến tranh bùng nổ, Tổng thống Ukraine có nhiều bài phát hiểu kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước, đặc biệt từ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Mỹ và NATO chỉ thực hiện những đòn trừng phạt kinh tế đối với Nga và hỗ trợ tiền, vũ khí, đạn dược… cho Ukraine mà không nước nào gửi quân sang chiến đấu bảo vệ đất nước Ukraine vì nước nào cũng ngại đối đầu trực tiếp với Nga. Trong tình cảnh đó, chính Tổng thống Ukraine đã phải ngậm ngùi, cay đắng thốt lên rằng: “Ukraine đang bị bỏ rơi!”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Internet.
Từ thực tiễn của Ukraine hiện nay càng thấm thía hơn sự đúng đắn của đường lối độc lập tự chủ trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Ukraine, cũng là một nước với sức mạnh và tiềm lực còn hạn chế, nằm trong khu vực địa chính trị trọng yếu, nơi diễn ra cuộc cạnh tranh và tập hợp lực lượng giữa các cường quốc, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, quyết liệt.
Trong chiến lược cạnh tranh và kiềm chế Trung Quốc ở khu vực này, Mỹ cũng muốn lôi kéo, tập hợp và tranh thủ Việt Nam, đặc biệt là trên những vấn đề liên quan đến biển Đông - một vấn đề vốn rất nhạy cảm đối với tinh thần dân tộc của người Việt. Mỗi khi tình hình biển Đông "nóng" lên, không ít những cá nhân đã nhân danh “yêu nước” hô hào “thoát Trung”, cho rằng “chỉ có liên minh quân sự với một quốc gia mạnh mới giúp chúng ta bảo vệ được chủ quyền biển, đảo”. Những người này cho rằng Mỹ sẵn sàng giúp đỡ để Việt Nam chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông thì tại sao Việt Nam không liên minh với Mỹ để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình? Họ phê phán rằng đường lối đối ngoại “ba không” của Việt Nam (không liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và không dựa vào nước này để chống nước kia) là tự trói tay mình (?!).
Từ thực tiễn của Ukraine đem đến những bài học về đường lối độc lập tự chủ, tự cường. Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, đối với những căng thẳng, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên trì thực hiện chủ trương tăng cường đối thoại để giải quyết xung đột, tránh đối đầu vũ trang, nhất quán theo đuổi các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam luôn kiên trì thực hiện phương châm đối ngoại “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, nhất quán coi trọng tăng cường quan hệ nhiều mặt với cả Trung Quốc và Mỹ cũng như tất cả các nước khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tăng cường điểm tương đồng, thu hẹp khác biệt, tạo thế đan xen, cân bằng ảnh hưởng và lợi ích của các nước lớn tại Việt Nam. Đường lối đối ngoại đúng đắn đó đã giúp Việt Nam có quan hệ đối ngoại rộng mở, tốt đẹp với tất cả các nước, bao gồm các nước lớn, uy tín, vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao và đó cũng là nền tảng quan trọng để đất nước ổn định và phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.
Từ thực tiễn thế giới cũng như từ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam thời gian qua càng làm sáng rõ hơn luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”[1]. Lúc sinh thời, Người luôn đánh giá cao và trân trọng sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và xem đó là nguồn ngoại lực rất quý báu “để chúng ta có thêm điều kiện tự lực cánh sinh”[2]. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập của dân tộc mình thì phải do chính nhân dân mình thực hiện. Người đã căn dặn rằng: “Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do”[3].
Thực tiễn quan hệ quốc tế hiện nay chỉ ra rằng, nước nào cũng đều xuất phát từ lợi ích của quốc gia dân tộc mình, không ai cho không và cũng không ai hy sinh một cách vô điều kiện vì người khác. Trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định rằng để có thể bảo vệ độc lập của dân tộc mình, phải nâng cao năng lực tự chủ của đất nước, phải củng cố, phát triển tiềm lực vật chất, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.Đó là đường lối bảo vệ độc lập dân tộc đúng đắn, chắc chắn và bền vững nhất trong bối cảnh hiện nay.
Hà Thị Thuỳ Dương