Là một trong những vĩ nhân đóng góp nhiều thành tựu tri thức lớn lao cho nhân loại, Einstein thậm chí được người đời sau này gọi tên ông là từ đồng nghĩa với "thiên tài".
Dẫu vậy, Einstein vẫn là một người bằng xương bằng thịt, và ông cũng có những phẩm chất và khuyết điểm như bất kỳ ai khác. Đối với bản thân nhà vật lý vĩ đại, sai lầm khoa học lớn nhất của ông là mong muốn vũ trụ "đứng yên".
Vũ trụ không ngừng chuyển động
Ngày nay, nhờ kho kiến thức vĩ đại của nhân loại, chúng ta có thể hình dung dễ hơn về một vũ trụ không hề tĩnh lặng, và luôn luôn chuyển dịch.
Thế nhưng trong quá khứ, Einstein và hầu hết các nhà khoa học thời đó đều tin rằng vũ trụ là chiều không gian tĩnh. Họ cũng cho rằng nó luôn như vậy và chưa bao giờ thay đổi, ít nhất là trên quy mô Hệ Mặt Trời.
Einstein một mực từ chối tin vào một trong những yếu tố cơ bản nhất của cơ học lượng tử, đó là luật lệ của thế giới tí hon này vượt ngoài những giới hạn của vật lý cổ điển.
Ông đưa một hệ số hiệu chỉnh toán học vào trong các phương trình của mình, rồi gọi nó là hằng số vũ trụ. Theo Einstein, hằng số vũ trụ cho thấy sự tồn tại của một lực đẩy trong không gian - thứ chống lại lực hấp dẫn, giúp vũ trụ thực sự tĩnh tại.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 1919, khi nhà thiên văn học người Mỹ Edwin Hubble thực hiện những quan sát tỉ mỉ qua kính viễn vọng Hooker - công cụ quan sát mạnh nhất thời đó. Ông phát hiện ra rằng: Vũ trụ đang giãn nở.
Einstein và sai lầm lớn nhất cuộc đời
Phát hiện của Edwin Hubble đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Thế nhưng, trực giác của Einstein đã khiến ông lạc lối. Ông bảo thủ, thậm chí xúc phạm các nhà khoa học không tin tưởng vào lý thuyết của mình, dù bản thân bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn với ý tưởng đó.
Suốt 2 thập kỷ, Einstein chống đối với luận điểm của Hubble, tới khi nhà thiên văn người Mỹ cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng ít nhất một số tinh vân (đám mây sao) đã vượt xa Dải Ngân Hà của chúng ta. Nói cách khác, vũ trụ mà nhân loại từng biết đến có thể đã mở rộng lên tới 100 lần.
Khám phá này khiến Einstein ngạc nhiên tới tột cùng và buộc phải nhận sai. Trong một tuyên bố, Einstein gọi việc tạo ra hằng số vũ trụ là "sai lầm lớn nhất" của ông, và quyết định loại bỏ chúng.
Thế nhưng trên thực tế, sai lầm của Einstein lại là việc ông đã loại bỏ hằng số nêu trên. Nguyên nhân là bởi vào năm 1998, sau khi Einstein qua đời, người ta phát hiện ra rằng không chỉ vũ trụ đang giãn nở mà sự giãn nở này còn tăng tốc theo thời gian.
Để giải thích tại sao điều đó lại xảy ra, các nhà khoa học một lần nữa đưa "hằng số vũ trụ" vào các phương trình thuyết tương đối rộng, và đã giải được bài toán.
Nhờ gia tốc vũ trụ, hình dạng vũ trụ sẽ không quyết định số phận cuối cùng của nó. Nói cách khác, số phận của vũ trụ sẽ chịu tác động bởi việc năng lượng tối thay đổi hay bất biến.
Tất cả các quan sát cho đến nay chỉ ra rằng năng lượng tối là không đổi. Nếu vậy, gia tốc vũ trụ sẽ tiếp tục tăng lên, và vật chất sẽ ngày càng xa nhau hơn.
Nguồn VnExpress