Theo cảnh báo của Bộ Công an, trong những ngày gần đây, các nhóm tin tặc quốc tế đã sử dụng hình thức tấn công tinh vi, phát tán qua các đường link trên mạng, các trang web giả mạo được gửi vào thư điện tử của người sử dụng.
Đặc biệt các đối tượng triệt để sử dụng các tệp tin có tiêu đề liên quan đến Đại hội Đảng, nhất là thông tin không chính thống về phương án nhân sự cấp cao, để thu hút sự quan tâm của người sử dụng. Khi click vào các đường link này, thiết bị của người sử dụng có thể bị nhiễm virus, mã độc,.. dẫn tới mất dữ liệu, bị mã hoá dữ liệu, bị đánh cắp thông tin cá nhân, mất tài khoản mạng xã hội.
Vì vậy, thời gian này, người sử dụng Internet cần quan tâm đến những vấn đề gì, để tránh bị rơi vào “bẫy” thông tin sai sự thật; hoặc truy cập nhầm những trang web giả mạo, click phải những đường link bị cài mã độc tống tiền, nhiễm virus lấy cắp dữ liệu; hoặc thậm chí trở thành những tài khoản lan toả các thông tin xấu, độc, lôi kéo, kích động bạo loạn?
Khi các lực lượng chức năng thực hiện diễn tập các phương án chuẩn bị Đại hội Đảng, mạng xã hội ngay lập tức xuất hiện nhiều hình ảnh, bài viết bịa đặt, xuyên tạc như: “6.000 tinh binh diễn tập chống dân một cách quy mô”. Các trang facebook như Việt Tân, Triều đại Việt, Chân trời mới media,… đăng tải hàng loạt bài viết, bình luận về phương án nhân sự cấp cao. Nhiều thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội, nhất là khi diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước, đã khiến người sử dụng không phân biệt được đâu là thật – đâu là giả, ít nhiều đã bị ảnh hưởng.
Theo ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí cũng có nguy cơ bị mạng xã hội ảnh hưởng và đôi khi còn bị dẫn dắt bởi những tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng, thậm chí có mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tác động xấu đến xã hội. Việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng, thì rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp.
Làm thế nào để xác minh được nguồn tin đăng trên mạng xã hội, đây là điều không đơn giản. Chưa kể, mạng xã hội còn là nơi dẫn dụ người dùng click vào các đường link ẩn chứa mã độc, các trò xem bói vui để lấy cắp dữ liệu cá nhân, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật hoặc tin giật gân,… như thực tế đã xảy ra trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC tại Việt Nam năm 2017.
Dù sự việc đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và Hội nghị APEC tại Việt Nam đã diễn ra an toàn, song không thể chủ quan, nên bất cứ khi nào cũng phải đề phòng các nguy cơ, thách thức thường trực trên không gian mạng, như phân tích của ông Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.
Theo ông Nguyễn Minh Chính, thách thức là không gian mạng đang bị các thế lực thù địch phản động, bọn tội phạm sử dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là hoạt động tuyên truyền, chống phá chế độ kích động biểu tình bạo loạn thực hiện cách mạng màu, cách mạng đường phố nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Đặc biệt, xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao có tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích APT được tiến hành nhằm vào các hệ thống thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế để phá hoại, kiểm soát khống chế hệ thống mạng chiếm đoạt thông tin tài liệu bí mật Nhà nước, tài liệu nội bộ.
Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, thời gian gần đây, tội phạm mạng chuyển hướng tấn công gián tiếp, kiểm soát các đơn vị cung cấp phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin, để có thể thâm nhập vào các hệ thống thông tin trọng yếu, mở rộng tấn công, đánh cắp thông tin bí mật của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Do đó, cùng với việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong dịp diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thì Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan cần nêu cao cảnh giác, liên tục đấu tranh với các nguồn tin xấu độc, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, đề phòng các thế lực phản động, thù địch lợi dụng. Nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đảm bảo an toàn, an ninh mạng không chỉ là triển khai nhiều giải pháp kịp thời về bảo đảm an ninh mạng, mà cần phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bảo đảm an ninh mạng.
Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an - nêu rõ, các cơ quan thù địch nước ngoài sử dụng Internet và mạng xã hội, công nghệ thông tin để chống phá. Theo Thượng tướng Nam, các tổ chức phản động bên ngoài như Việt Tân, Triều Đại Việt, rồi các tổ chức khủng bố, phản động đều dùng Internet. Họ tuyển dụng, huấn luyện, kiểm soát, kể cả những hoạt động phá hoại đều dùng mạng xã hội và Internet. Do đó, tình hình liên quan đến lộ lọt bí mật trên mạng Internet, trên các thiết bị công nghệ thông tin là rất nghiêm trọng. Bộ Công an cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông có những biện pháp rất quyết liệt.
Để tránh trở thành người phát tán tin sai sự thật, người sử dụng, cần hạn chế chia sẻ, nhấn like trên các trang mạng xã hội, không nhấn vào các đường link lạ, các website được gửi vào hộp thư điện tử mà không biết rõ người gửi đến. Người sử dụng cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin ở chuyên mục “Công bố tin giả” trên website chính thức của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, tại địa chỉ tingia.gov.vn. Trong trường hợp người sử dụng nghi ngờ các thông tin trên mạng xã hội không chính xác, có thể phản ánh tin giả trực tuyến trên trang web này, hoặc gọi điện thoại tới số 1800 8108, để cùng chống tin giả, lan tỏa sự thật.
Trong trường hợp gặp sự cố an ninh mạng, bất cứ ai cũng có thể thông báo cho Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an theo số điện thoại 0338 897 798; hoặc liên lạc với Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông qua số điện thoại 0243 243 209. Mỗi người sử dụng mạng Internet phải biết rằng, vi phạm pháp luật trên không gian mạng cũng bị xử lý theo các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ như Luật An ninh mạng, Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với các trường hợp nghiêm trọng còn bị áp dụng Luật Hình sự./.
Mai Hạnh/VOV1