Trong bối cảnh xu hướng tự do hóa thương mại được đẩy mạnh và tốc độ, quy mô của quá trình toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, thế giới đang trở nên “mở” hơn, gắn kết với nhau hơn do sự phát triển của công nghệ viễn thông và thông tin, thì việc bảo vệ tính đa dạng văn hóa là điều cần thiết và là cơ hội to lớn để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định hơn. Trong bối cảnh ấy, đa dạng văn hóa vì đối thoại và phát triển trở thành vấn đề trung tâm của thời đại. Trước yêu cầu của thực tế, để phát huy vai trò của văn hóa, năm 2001, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa trong nghị quyết 57/249. Và tại cuộc họp toàn thể Liên hợp quốc tháng 12/2002, UNESCO quyết định lấy ngày 21/5 hằng năm là "Ngày Thế giới về Đa dạng Văn hóa vì Đối thoại và Phát triển".
Màn xòe Thái tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò. Ảnh: baodantoc
Bản chất của văn hóa luôn đổi mới gắn liền với sự tiến bộ, văn minh để con người được tiếp cận với những giá trị mới, nâng cao đời sống văn hóa của mình lên. Vì thế, ngày 21/5 tạo cơ hội cho tất cả mọi người hiểu một cách sâu sắc hơn về các giá trị của đa dạng văn hóa và tạo lập một thế giới chung sống tốt đẹp hơn. Sau hành trình 10 năm, năm 2013 - UNESCO và Liên minh các nền văn minh của Liên hợp quốc ở cấp cộng đồng đã phát động chiến dịch "Vì sự đa dạng và hòa nhập" để kỷ niệm Ngày thế giới về đa dạng văn hóa vì đối thoại và phát triển khi tiếp tục khuyến khích các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới có biện pháp cụ thể để ủng hộ sự đa dạng và hòa nhập với các mục tiêu về: nhận thức về tầm quan trọng của đối thoại liên văn hóa, sự đa dạng và hòa nhập; xây dựng một cộng đồng các cá nhân cam kết ủng hộ đa dạng thông qua tất cả các việc làm trong cuộc sống hàng ngày; đấu tranh chống lại sự thiên vị và định kiến nhằm nâng cao hiểu biết và hợp tác giữa người dân từ các nền văn hóa khác nhau.
Bảo vệ tính đa dạng đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác, mang lại nguồn sáng tạo, cổ vũ, tạo nên động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. không chỉ nhằm vun đắp tinh thần hợp tác giữa các dân tộc, mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng về văn hóa giữa các quốc gia-dân tộc. Đó chính là nền tảng để xây dựng một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, và hòa hợp giữa các xã hội, xây dựng mối quan hệ lành mạnh và ổn định trên toàn thế giới – đặc biệt, trong bối cảnh theo UNESCO có đến 75% mâu thuẫn, xung đột xảy ra trên thế giới đều liên quan đến văn hóa.
Chính vì thế, Công ước về Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng các Biểu đạt văn hóa được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 33 của UNESCO vào năm 2005 là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy sự đa dạng văn hóa được nêu trong hiến chương của UNESCO. Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế này có mục đích bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thể hiện và truyền tải cụ thể trong các hoạt động văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa - các phương tiện của nền văn hóa đương đại. Đồng thời, đặt ra một khung pháp luật thuận lợi cho tất cả các quốc gia thành viên trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, truyền bá, tiếp cận và hưởng thụ các biểu đạt văn hóa từ nhiều nguồn gốc khác nhau.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phải bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với nhiều biểu đạt phong phú, ngày 7/8/2007, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa hướng đến mục tiêu cơ bản:
Một là, bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, tạo điều kiện cho các nền văn hóa phát triển và tương tác một cách tự do và cùng có lợi.
Hai là, khuyến khích đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm bảo đảm sự trao đổi văn hóa rộng rãi hơn, cân bằng hơn trong một thế giới thuận lợi cho sự tôn trọng giữa các nền văn hòa và một nền văn hóa hòa bình.
Ba là, thúc đẩy tính liên văn hóa để phát triển sự tương tác văn hóa trên tinh thần xây dựng các nhịp cầu kết nối các dân tộc. Thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa và nâng cao nhận thức về giá trị của nó ở cấp địa phương, cấp quốc gia và cấp quốc tế.
Bốn là, tái khẳng định chủ quyền của các quốc gia trong việc xây dựng các chính sách văn hóa; duy trì, thông qua và thực hiện các chính sách và các biện pháp được coi là phù hợp để bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trên lãnh thổ quốc gia mình.
Năm là, tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế để nâng cao năng lực của các nước đang phát triển trong việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của tất cả các quốc gia; công nhận bản chất khác biệt của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa như là những công cụ chuyển tải bản sắc dân tộc của văn hóa.
Như vậy, đa dạng văn hóa tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, không chỉ liên quan tới tăng trưởng kinh tế mà còn để có được một cuộc sống hoàn thiện hơn về mặt trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần. Việc chấp nhận và công nhận sự đa dạng văn hóa – đặc biệt là nhờ vận dụng một cách sáng tạo của các phương tiện truyền thông và thông tin – có lợi cho đối thoại giữa các nền văn minh và văn hóa, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Các cuộc đối thoại, trao đổi giữa các nền văn minh, văn hóa và giữa người với người, dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng sự gắn kết xã hội và hòa giải giữa các dân tộc. Theo đó, trong khuôn khổ cuộc đối thoại liên văn hóa bao gồm cả đối thoại liên tôn giáo, tập hợp toàn bộ các thực tiễn tốt để thúc đẩy đa dạng văn hóa ở phạm vi địa phương, quốc gia và khu vực hay tiểu khu vực nhằm ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan, cuồng tín và làm nổi bật các giá trị văn hóa.
Mặt khác, chương trình đối thoại giữa các tôn giáo của UNESCO là yếu tố cần thiết trong đối thoại văn hóa. Chương trình này được thực hiện với mục đích tăng cường đối thoại giữa các tôn giáo, truyền thống và tâm linh khác nhau ở những nơi hay xảy ra mẫu thuẫn, xung đột về tôn giáo. Dựa vào sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tôn giáo, truyền thống tâm linh và nhân văn cũng như sự cần thiết phải thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa chúng để đấu tranh chống lại sự thiếu hiểu biết hoặc định kiến. Chính vì thế, tăng cường các kỹ năng và năng lực đối thoại đòi hỏi thiện chí rộng mở không phê phán với tinh thần chỉ trích là nỗ lực của cả một quá trình cá nhân và xã hội liên quan tới tất cả chúng ta: từ các nhà hoạch định và các nhà chức trách cho tới các thành viên cá nhân của mỗi cộng đồng. Bằng nỗ lực của mình, trong các hội nghị quốc tế lớn, UNESCO luôn thúc đẩy các hoạt động đối thoại trên các lĩnh vực, một mặt nhằm hòa nhập văn hóa trong tất cả các chính sách phát triển, liên quan đến giáo dục, khoa học, truyền thông, y tế, môi trường du lịch, văn hóa; và mặt khác, để hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực văn hoá, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Từ đó, văn hóa trở thành nhân tố quan trọng trong bước tiến xây dựng mạng lưới công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa để tạo ra lợi thế quan trọng về sự gắn kết xã hội của quốc gia-dân tộc nói riêng và trên phạm vị toàn thế giới nói chung.
Phương Nam