Thơ chúc Tết của Bác Hồ là một “dư vị” rất đặc biệt trong những năm tháng cách mạng hào hùng trước năm 1970. Vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, nhân dân Quảng Bình cùng với cả nước lại háo hức chờ đón những vần thơ chúc Tết vô cùng bình dị nhưng đầy hơi thở cách mạng của Bác. Đó là món quà tinh thần to lớn đến từ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trong những ngày đầu năm, lòng người xao xuyến đón năm mới 2025 và xuân mới Ất Tỵ, cũng là thời điểm đầy lắng đọng để tìm về “miền ký ức”, trong đó đọc lại bài thơ Tết Bác gửi tới nhân dân nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 1965, cách đây 60 năm, để thấy khung cảnh quê hương, đất nước trong mùa xuân lịch sử năm xưa, cũng là điều rất đỗi thú vị trong Tết nay.
Sinh thời, Bác Hồ thường hay chúc Tết nhân dân bằng những vần thơ mang tính quần chúng nên rất gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu và giàu ý nghĩa cuộc sống. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, khi trở về đất nước, trong quá trình cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân ta hiện thực hóa con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, Bác đã để lại cho chúng ta 22 bài thơ Tết. Ngoại trừ bài thơ chúc Tết đầu tiên xuân Nhâm Ngọ (1942) viết dưới Mặt trận Việt Minh, còn lại, trong 24 năm giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945-1969), Bác đã gửi tới đồng bào 21 bài thơ Tết, trong đó có bài “Thơ chúc mừng năm mới” nhân dịp xuân Ất Tỵ năm 1965. Thơ Tết của Bác không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn đầy hơi thở chính luận, thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng đến từ vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc. Hầu hết các bài thơ thường có 3 phần chính, mấy câu đầu là lời tựa đề nhìn lại năm cũ và dấu ấn đạt được, nhận định tình hình sắp tới, mấy câu cuối thường là nhiệm vụ, nguyện vọng và mong ước của Người. Đồng thời, mừng xuân mới sang, Người chúc mừng đồng bào, kêu gọi đoàn kết, ra sức thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ sắp tới. Đọc lại thơ Tết của Bác, bài thơ nào, dù ở giai đoạn nào cũng đều mang đầy hương sắc mùa xuân, hành trang với những lời chúc tốt đẹp, gửi gắm niềm tin, ước nguyện về sự tươi sáng của tương lai. Bài thơ Tết Ất Tỵ của Bác cũng mang đầy hoài vị như vậy.
Bài thơ chúc Tết xuân Ất Tỵ, Bác viết cách đây 60 năm có 8 câu, mở đầu là:
Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới,
Nhà nước ta vừa tuổi hai mơi,
Ngược dòng thời gian, mùa xuân Ất Tỵ năm 1965, một dấu mốc rất đặc biệt đối với Đảng, dân tộc Việt Nam. Năm “1965 là một năm vĩ đại: Đảng thân yêu của chúng ta vừa 35 tuổi. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chẵn 20 năm. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất sắp kết thúc”[1]. Trong thời kỳ này, Đảng lãnh đạo nhân dân hai miền thực hiện song song hai chiến lược cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Thực hiện đường lối của Đảng, nhân dân hai miền thi đua lập nhiều thành tích trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam nhằm thống nhất, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Bác viết:
Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi,
Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới,
Quảng Bình lúc bấy giờ có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, như Bác khẳng định là “ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết”[2]. Vì vậy, chung tay cùng cả nước, nhân dân Quảng Bình ra sức thi đua nhằm kiến thiết và xây dựng quê hương góp phần hiện thực hóa thành công “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)”, đồng thời tăng cường chi viện cho miền Nam góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, bắt đầu chiến tranh phá hoại Miền Bắc, Quảng Bình trở thành tuyến đầu ác liệt. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác cao, dự đoán đúng âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ, ngay từ trận đầu, quân dân Quảng Bình cùng với miền Bắc đã giáng cho đế quốc Mỹ một đòn thích đáng. Trong điều kiện dự báo chiến tranh kéo dài, ngày càng ác liệt, vì vậy Bác động viên, kêu gọi quân dân cả nước, trong đó có Quảng Bình:
Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi,
Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng.
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược chuyển sang Chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa lực lượng lớn quân Mỹ và chư hầu sang trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, mở rộng và tăng cường chiến tranh phá hoại nhằm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Trong điều kiện đó, Quảng Bình cùng với cả nước đã anh dũng chiến đấu, kiên cường chống trả, mở đầu cho trang sử chống Mỹ vẻ vang. Phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai” phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, với khẩu hiệu “giặc đến là đánh giặc đi là tiếp tục sản xuất”, hình ảnh nông dân với “tay cày tay súng”, công nhân với “tay búa tay súng”, ngư dân với “tay lưới tay súng”... tất cả sáng ngời lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng, kiên trung trong chiến đấu và sản xuất.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chỉ trong vòng 150 ngày đêm chiến đấu, quân dân Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, đồng thời vẫn đảm bảo giao thông vận tải và sản xuất tốt. Nhân sự kiện này, cùng với thành tích thu hoạch vụ sản xuất Đông Xuân (1964-1965) thắng lợi toàn diện, ngày 17-7-1965, Bác Hồ gửi thư khen Quảng Bình “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình”[3]. Phấn khởi, vinh dự và tự hào, ra sức học tập thư khen của Người, nhân dân trong tỉnh sáng tạo nhiều hình thức thi đua như mỗi hợp tác xã có “Cánh đồng thắng Mỹ”, đội sản xuất có “Thửa ruộng thâm canh thắng Mỹ”, cơ quan xí nghiệp có “Trận địa thắng Mỹ”… Trên cơ sở đó, tháng 11-1965, Tỉnh ủy tổ chức “Đại hội tổng kết thi đua”, phát động phong trào thi đua “Hai giỏi’” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi) nhằm động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh giương cao ngọn cờ thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Từ đó “Hai giỏi” trở thành phong trào thi đua sôi nổi lập công trên mặt trận chiến đấu và lao động sản xuất, tạo động lực cho 40 vạn người dân Quảng Bình vượt lên những đau thương mất mát, lập nên những chiến công hiển hách, trở thành phong trào cách mạng của quần chúng sâu rộng, là biểu tượng cao đẹp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong suốt 10 năm ác liệt (1965-1975). Những thắng lợi trong chiến đấu và sản xuất của Quảng Bình đã góp phần cùng nhân dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, núi sông một dải, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đúng như Bác khẳng định:
Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi!
Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công!
Tròn 60 năm đã trôi qua, Xuân Ất Tỵ 2025 năm nay, vừa dịp Đảng ta tròn 95 năm tuổi, đất nước tròn 80 tuổi, 50 năm thống nhất đất nước... Quê hương, đất nước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng đã giành được những thắng lợi to lớn trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đang bước vào kỷ nguyên vươn mình nhằm hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Trong vận hội mới, điều kiện mới, tinh thần mới những lời thơ chúc Tết Ất Tỵ của Bác, cách đây 60 năm vẫn vang mãi với non sông, là ngọn đuốc soi sáng sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước hôm nay và mãi mãi về sau.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t.14, tr.444
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, t.II 1954-1975, Đồng Hới, tháng 2-2000, tr43-44.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t.14, tr.571
Nguyễn Văn Giang