1. Nhìn lại chặng hành trình gắn với M.Gorbachev
Sau khi Liên Xô tan rã, chẳng còn gì phải giấu giếm, M.Gorbachev đã huỵch toẹt: Tất cả những gì tôi làm với Liên Xô, tôi đã làm! khi ông ta cho ý kiến tại Nghị viện Israel vào tháng 2/1992. Ông còn phơi bày sự phản bội trong bài phát biểu tại một cuộc hội thảo của Đại học Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1999 rằng mục đích của “cải tổ” cũng như toàn bộ đời ông là xóa bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và tiêu diệt chế độ cộng sản chủ nghĩa[1].
Yếu tố then chốt của sự thực hiện công cuộc cải tổ là M.Gorbachev chủ trương xây dựng “chế độ đa nguyên, đa đảng”, theo đó tách Đảng Cộng sản Liên Xô ra khỏi bộ máy lãnh đạo của chính quyền Xôviết. Sau hơn 3 năm trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, trong báo cáo tại Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ 19, tháng 6/1988 của M.Gorbachev có đoạn: “Phương châm chủ yếu của cải tổ thể chế chính trị Liên Xô không chỉ là đề xướng vấn đề dân chủ hóa tính công khai và dư luận đa nguyên hóa. Mà là phải loại bỏ vấn đề Đảng Cộng sản Liên Xô là hạt nhân của thể chế chính trị Liên Xô. Là vấn đề phải chuyển trung tâm quyền lực nhà nước từ trong tay Đảng Cộng sản sang Xô Viết”[2]. Gần hai năm sau đó, M.Gorbachev cùng một số người trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã tiến hành Đại hội bất thường của các đại biểu nhân dân ngày 15/3/1990, quyết định sửa đổi Điều 6 Hiến pháp Liên Xô, hiến định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản từ “đóng vai trò lãnh đạo nhà nước và toàn bộ xã hội Xôviết” thành “chia sẻ quyền lãnh đạo với các chính đảng khác và chấp nhận chế độ đa đảng”. Đây cũng là lúc vô số các tổ chức, đảng phái chính trị đối lập “mọc ra như nấm sau mưa” để cạnh tranh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Đa đảng không những không làm cho bầu không khí xã hội trở nên dân chủ hơn thì lại bùng phát những sự hỗn loạn như mất phương hướng dư luận xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa dân tộc ly khai tại các nước cộng hòa tự trị và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trỗi dậy, dọn đường cho các phần tử bất đồng chính kiến, những kẻ cơ hội chính trị đủ mọi phe phái lộng hành, tập hợp thành các phong trào chống đối. Sau đó, Kusov - Phó chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Nga đã phải cay đắng thốt lên: “Sửa đổi Hiến pháp chỉ vẻn vẹn một năm, đã có khoảng 20 chính đảng cấp Liên bang, có hơn 500 chính đảng cấp nước cộng hòa. Hầu hết trong đó trở thành lực lượng chính trị cuối cùng thúc đẩy Đảng Cộng sản Liên Xô bị hạ bệ và giải tán”. Sau cuộc đảo chính tháng 8 năm 1991 (3 ngày, 19-22/8) thất bại, quyền lực và uy tín của M.Gorbachev tuy còn nhưng đã sảm sút nghiêm trọng và coi là “món hàng bị hỏng” trong mắt giới quan chức Mỹ. Hai ngày sau cuộc đảo chính, ông tự ý tuyên bố giải tán Ban Chấp hành Trung ương Đảng và từ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, cũng là kết thúc nhiệm kỳ từ 11/3/1985 - 24/8/1991. Cơ cấu quyền lực của M.Gorbachev ở Liên bang Xôviết và của nước Nga Xôviết đều không còn chú ý khi sự ủng hộ dần chuyển mạnh sang cho Boris Yeltsin - người đã tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô từ ngày 12/7/1990. Năm ngày sau khi từ chức Tổng Bí thư nhưng vẫn còn với tư cách là Tổng thống Liên Xô (nhiệm kỳ đầu tiên và cũng là duy nhất từ 15/3/1990 đến 25/12/1991), ngày 29/8/1991 M.Gorbachev ra lệnh giải thể các cơ quan chính trị và chấm dứt các hoạt động của Đảng trong quân đội từ ngày 01/9/1991, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa”. Tháng 11 năm 1991, B.Yeltsin ra một nghị định cấm Đảng Cộng sản trên toàn bộ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga. Kết cục bi thảm đã được dự báo trước, uy tín của Đảng Cộng sản Liên Xô suy giảm thê thảm và mất quyền lãnh đạo đất nước. Cụ thể, ngày 25/12/1991, M.Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống và bàn giao nút bấm toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho Boris Yelsin, đánh dấu sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô, Quốc kỳ hình búa liềm trên nóc Điện Kremli ủ rũ hạ xuống và thay thế bằng lá cờ ba màu của Liên bang Nga. Sáng 26/12/1991, Viện Cộng hòa Xôviết tối cao Liên Xô họp hội nghị lần cuối cùng để biểu quyết thông qua tuyên bố “Liên Xô ngừng tồn tại”.
2. “Đa đảng” được hợp sức cùng nhiều sai lầm khác
Có nhiều yếu tố rất quan trọng khác hợp lực cùng với chủ trương đa đảng đã đẩy Liên Xô nhanh đến bờ vực phá sản. Từ khởi đầu đến kết thúc là một chương trình cải tổ không nhất quán, thậm chí mâu thuẫn, khi thì giáo điều xơ cứng, lúc thì tùy tiện vô nguyên tắc; thiếu tính cập nhật, chệch hướng và sai lầm. Sự thiếu kiên định và hoài nghi, mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã nảy sinh, lây lan và phủ bóng từ chính những “bộ não” của thượng tầng kiến trúc chương trình cải tổ đó ở cấp Liên bang lẫn các nước cộng hòa thành viên. Đường lối cải tổ trượt dài từ cơ hội hữu khuynh đến tả khuynh xét lại, cuối cùng là từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và mục tiêu xã hội chủ nghĩa để định hướng theo phương Tây tư bản chủ nghĩa. M.Gorbachev bắt đầu từ bỏ niềm tin Marxist - Leninist về sự đấu tranh giai cấp như là động lực chủ yếu của diễn trình lịch sử trong xã hội có giai cấp và nhà nước, thay vào đó nhìn nhận chính trị như một phương cách để tổng hòa lợi ích của tất cả các giai cấp.
Bên cạnh đó, sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ - Chiến tranh Lạnh đang dần nghiêng cán cân về phía ngược lại khi M.Gorbachev đã chấp nhận thỏa hiệp với Mỹ và phương Tây theo chủ trương xây dựng “ngôi nhà chung châu Âu”. Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bên trong nội bộ Đảng với sự phản bội của các lãnh đạo cao cấp được hậu thuẫn mạnh mẽ từ chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ tạo thành hiệu ứng “nội công, ngoại kích”, làm gia tăng những bất lợi để đẩy nhanh Liên Xô đến tình trạng kiệt quệ. Thêm những quyết định mang tính “tự ý” của những người đứng đầu bộ máy thượng tầng chính trị ở Liên Xô lúc này đã giẫm đạp thô bạo và vứt bỏ không thương tiếc một nguyên tắc sống còn của Đảng - nguyên tắc tập trung dân chủ. Sự phi chính trị hóa trong quân đội và các lực lượng vũ trang cũng đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản Liên Xô đã vứt bỏ những công cụ tự vệ hiệu quả nhất của mình…
3. Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là nguyên nhân của Liên Xô sụp đổ
Trong tất cả các nguyên nhân đó, tuyệt nhiên không thể đồng nhất hoặc quy kết sự sụp đổ của Liên Xô xã hội chủ nghĩa là do “chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời” như luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc. Thực tiễn cho thấy, có những ngôi nhà hay công trình bỗng đổ sập trong lúc đang thi công nhưng nguyên nhân không phải là do “bản vẽ”, “bản thiết kế” mà là do sự yếu kém, cẩu thả của những kỹ sư, công nhân vận hành; sự gian dối trong sử dụng những vật liệu, chất liệu… Thực tế, chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay luôn thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống vững bền của nó. Ngay cả những người phi mácxít như A.Dinôviép (người Nga tự nhận không phải môn đệ của chủ nghĩa Mác - Lênin và không đứng về phe cộng sản) từng chống nhà nước Xôviết và phải ngồi tù thời còn Liên Xô, sau đó sống lưu vong ở Mỹ đã cho rằng: “Những thành tựu thời đại chủ nghĩa cộng sản Xôviết do V.I.Lênin mở đầu đã thấm vào máu thịt của loài người… Nhờ có cuộc cách mạng vô sản và tất cả những gì gắn với cuộc cách mạng đó mà nhân loại đã được cứu thoát khỏi sự thụt lùi đáng sợ nhất, thoát khỏi sự suy tàn, thoái hóa”[3]. Tery Eagleton (giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste, Vương quốc Anh) - tác giả cuốn sách Tại sao Mác đúng? xuất bản năm 2011 tại trường Đại học Tổng hợp Yale (Mỹ), không chấp nhận định kiến cho rằng: “chủ nghĩa Mác đã chết và không cần phải nhắc đến nữa”. Ông đã lựa chọn 10 vấn đề phổ biến nhất mà người ta phê phán, bôi nhọ nhằm hạ bệ C.Mác để phân tích, luận giải, đưa ra những minh chứng xác tín nhất để trả lời cho câu hỏi trên nhan đề cuốn sách. Trong Lời nói đầu cuốn sách, tác giả đã khẳng định: “Chủ nghĩa Mác, từ bao lâu nay vẫn là sự phê phán phong phú nhất về mặt lý luận, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa…”[4]. Có thể nói, chủ nghĩa Mác không những không bị thải loại mà còn được bảo vệ và chứng minh giá trị của mình ngay giữa thành trì chủ nghĩa tư bản đương đại.
Trên phương diện thực tiễn, Cách mạng tháng Mười Nga và các thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội những thập niên đầu thế kỷ XX ở Liên Xô là thành quả rực rỡ và trực tiếp nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin mà nhân loại không thể phủ nhận. Thành công của chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn đang được tiếp nối với những công cuộc cải cách, đổi mới hiện nay ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba... khi kiên định và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự thật, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn không hề suy giảm giá trị, thậm chí vẫn đang được vận dụng để điều chỉnh, thích nghi và kiềm chế những khuyết tật ở chính các nước tư bản chủ nghĩa đương đại. Sự vươn lên của các nước tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, những động thái mới của phong trào cánh tả ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới đang chứng minh rằng, chủ nghĩa xã hội với tính cách là phong trào hiện thực và chế độ xã hội hiện thực vẫn tràn đầy sức sống, tiếp tục là mục tiêu mà loài người tiến bộ vươn tới.
4. Thay lời kết
Sự phản bội lớn nhất của M.Gorbachev là thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với xã hội, cổ vũ hình thành các tổ chức chính trị đối lập, thực hiện đa nguyên, đa đảng[5]. “Đa nguyên, đa đảng” là một nội dung tối quan trọng trong “kịch bản” mà M.Gorbachev cùng ekip đã “diễn xuất rất tròn vai” nhằm đẩy hệ thống điều hành vào trạng thái bất ổn định, mất kiểm soát các hoạt động từ bộ máy thượng tầng và mọi công năng của nó dần suy yếu rồi tan rã. Đã 34 năm qua từ lúc bi kịch hạ màn nhưng vẫn còn để lại bài học sinh tử, cảnh tỉnh cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam không được phép coi thường hoặc lãng quên./.
Văn Hiền