Trong bối cảnh hiện nay, phát triển công nghiệp văn hóa là một tất yếu. Tuy nhiên phát triển như thế nào để công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh của đời sống vật chất và tinh thần toàn xã hội, là chủ đề được đặt ra cấp thiết hiện nay. Nhằm phát huy vai trò động lực quan trọng của văn hóa, đồng thời trừ bỏ những tác hại từ sự "lệch chuẩn", cần đặt ra những yêu cầu về "xây" và "chống" trong công nghiệp văn hóa.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra ngày 22-12-2023 ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: “Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế (thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; một số tác phẩm có biểu hiện "lệch chuẩn"); dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế, dịch bệnh… (Phim nước ngoài chiếm trên 70% phim chiếu rạp; phim truyền hình chủ yếu là phim nước ngoài)”[1].
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên): "lệch chuẩn là những hành vi đi chệch với sự mong đợi của số đông, hay sự vi phạm các chuẩn mực xã hội". Công nghiệp văn hóa có biên độ tư duy và phạm vi ứng dụng rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa phương thức nên tạo ra hiệu ứng và sức lan tỏa rất nhanh, rộng nên khi sự “lệch chuẩn” xuất hiện sẽ dẫn đến những tác hại rất lớn.
Nguyên nhân dẫn đến sự “lệch chuẩn” trong hoạt động công nghiệp văn hóa có thể nhận diện từ các góc tiếp cận sau:
Thứ nhất là tư duy phiến diện trong một bộ phận tổ chức, cá nhân làm văn hóa xuất phát từ sự nhận thức chưa đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa. Lối tư duy đó đã sinh ra cách làm thực dụng, “ăn xổi”. Một số địa phương có tiềm năng khi khởi xướng, ngành công nghiệp giải trí đã có sự bứt phá, vươn lên bằng các mô hình xã hội hóa: các nguồn lực được huy động, hàng loạt mô hình sân khấu xã hội hóa, hãng phim tư nhân, công ty dịch vụ giải trí... ra đời, đem đến cho thị trường sự đa dạng về loại hình, phong phú về sản phẩm. Nhưng rồi, chỉ được một thời gian, nhiều mô hình đã bị thoái trào, nhiều doanh nghiệp giải thể, nhiều sân khấu đóng cửa, một số hãng phim chỉ còn cái tên trong quá khứ. Thậm chí, không ít tổ chức, cá nhân (trong đó có một số người nổi tiếng) vi phạm pháp luật đã bị truy tố.
Thứ hai là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ văn nghệ sĩ trong hoạt động công nghiệp văn hóa. Không ít tổ chức, văn nghệ sĩ sẵn sàng sử dụng chiêu trò phản cảm bằng mọi giá để kiếm nhiều tiền, nhanh chóng nổi tiếng. Sự xuất hiện nhan nhản các danh hiệu tự phong, kiểu như: “Nữ hoàng”, “ông vua”, “nam thần”, “thánh nữ”, “ngôi sao”... cùng việc “bội thực” các cuộc thi nhan sắc khiến tình trạng “lệch chuẩn” trong thị trường công nghiệp giải trí ngày càng phức tạp. Những ồn ào dư luận xoay quanh lối sống, cách ứng xử, phong cách biểu diễn nghệ thuật của một số văn nghệ sĩ hay “sạn” ở trong các sản phẩm điện ảnh, văn học, mỹ thuật thời gian qua cho thấy, nhiều giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống dân tộc bị “xô đẩy” hay “hư cấu” theo những góc nhìn phiến diện. Phẩm chất anh hùng, lòng yêu nước hun đúc nên cốt cách dân tộc bị “pha loãng”, trở nên hời hợt, nhạt nhòa. Thậm chí, có lúc nó bị biến thành công cụ, chi tiết để chọc cười, câu khách... đơn thuần dẫn đến biến chất.
Thứ ba là một số văn nghệ sĩ tận dụng những lợi thế ở các trang mạng cá nhân, các blog, tài khoản zalo, trang mạng xã hội facebook để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan. Trên trang facebook cá nhân, một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, lên án chính quyền. Cảm xúc nhất thời theo những trào lưu, khuynh hướng trên mạng của một số văn nghệ sĩ này một mặt gây nên tâm lý hoang mang cho công chúng, mặt khác có ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, xã hội, văn hóa.
Những nguyên nhân nêu trên đã tạo điều kiện để các thế lực thù địch “thổi phồng”, “cường điệu hóa” nhằm chống phá Đảng và chế độ ta. Không chỉ trong phạm vi văn chương mà trong các loại hình nghệ thuật khác, như âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn,… một số ca sĩ, nghệ sĩ cũng bị chi phối bởi cái nhìn lệch lạc, bị giật dây bởi các thế lực thù địch trong và ngoài nước, từ đó hình thành nên những sản phẩm đi ngược lại giá trị chân - thiện - mỹ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí mang tư tưởng phản động.
Phát triển công nghiệp văn hóa là xu thế tất yếu. Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, tài nguyên văn hóa Việt Nam bước đầu đã tạo dựng được thương hiệu của quốc gia, dân tộc. Trọng tâm của vấn đề chính là hướng đến: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”[2].
Công nghiệp văn hóa chỉ có có thể phát triển bền vững khi chúng ta có những giải pháp để hạn chế được những biểu hiện “lệch chuẩn” như đã nêu. Tinh thần khẩn trương theo định hướng của Đảng, phương châm kết hợp “xây” và “chống”, “lấy xây để chống” cần được nhất quán từ chủ trương vĩ mô đến ứng dụng, phát triển các mô hình, loại hình từ cơ sở. Để “xây” và “chống” có hiệu quả, phải lấy vũ khí văn hóa đạo đức đẩy lùi mầm mống phản văn hóa, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong hoạt động văn hóa. Mục tiêu kinh tế của công nghiệp văn hóa không chỉ đảm bảo chất lượng các yếu tố về nhân lực, vật chất, công nghệ... mà cần thiết phải tiếp tục nâng tầm giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Cùng với đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong môi trường công nghiệp văn hóa, cần phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn, hiệp hội từ Trung ương đến địa phương trong quản lý, định hướng lao động nghề nghiệp của văn nghệ sĩ và doanh nghiệp. Toàn bộ tinh thần đó được biểu đạt rất rõ trong lời phát biểu của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: “Đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay”[3].
[1] https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-10223122308174392.htm
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.145.
[3] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2018), ngày 25-7-2018
Phương Nam