Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của “văn hóa tiêu dùng” đã và đang đặt ra nhiều tình huống cụ thể mà người tham gia tiêu dùng phải lựa chọn. Tuy nhiên, sự lựa chọn được xem là “đúng” hay “sai”, thể hiện được sự tinh tế hay trở nên “lố bịch”, “kệch cỡm”… lại phụ thuộc rất nhiều vào trình độ thẩm mỹ của người tiêu dùng. Có những sự lựa chọn mang khuynh hướng thái quá, bắt chước lộ liễu, "mất gốc" truyền thống, thực chất là mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Tâm lý “sính ngoại” đã nảy sinh từ sự yếu kém về trình độ thẩm mỹ và nhận thức văn hóa của một số người Việt, trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh của thời đại công nghệ, đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực.
Tư duy và lối sống kiểu sính ngoại, bài nội đã gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa: anninhthudo.vn
Nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa
Khi những sản phẩm văn hóa ngoại nhập lấn át những sản phẩm mang giá trị bản sắc văn hóa dân tộc theo thị hiếu của một bộ phận người Việt, các giá trị văn hóa truyền thống dần bị lãng quên và đứng trước nguy cơ mai một. Điện ảnh, nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc lại bị “bỏ rơi” trước sự xâm nhập các sản phẩm điện ảnh, nghệ thuật đến từ những quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Có tình trạng khán giả ưu tiên xem lịch sử Trung Quốc hơn là xem lịch sử dân tộc, xem anime thay vì Cổ tích Việt Nam, những tác phẩm âm nhạc “hit”, “hot”, “trend” được sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ, ngược lại những làn điệu dân ca, di sản văn hóa của dân tộc thì chẳng mấy ai biết đến… Nhiều biểu hiện lệch lạc giá trị thẩm mỹ xuất phát từ sự tiếp nhận không chọn lọc các xu hướng và phong cách từ nước ngoài dẫn đến những quan niệm sai lệch về cái đẹp và giá trị, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai: nhiều mẫu trang phục với những khẩu hiệu, hình vẽ “độc”, “lạ” với nội dung thô tục, phản cảm trong giới trẻ khi xuất hiện giữa không gian xã hội, cộng đồng. Bên cạnh đó, việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài một cách không kiểm soát như hiện nay là nguy cơ đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt: những bảng hiệu, tên công ty và thậm chí tên của con cái cũng phải “kiểu Tây”... Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa ngoại có thể dẫn đến việc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, gây nên sự pha trộn và biến dạng không mong muốn.
Những tác động tiêu cực đến kính tế - xã hội trong nước
Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, phát triển và duy trì thị trường do giảm sức tiêu thụ của sản phẩm văn hóa nội, gặp khó khăn trong việc thu hút vốn khi không có được sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng và các nhà đầu tư, dẫn đến thiếu nguồn lực, làm giảm khả năng mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tâm lý "sính ngoại" của thị trường cũng tiềm ẩn mối lo cạnh tranh không lành mạnh: các sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái hoặc hàng giảm giá mạnh, hàng ngoại nhập có giá rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo, dẫn đến các doanh nghiệp đầu tư cho sản phẩm văn hóa trong nước kém lợi nhuận hoặc đối diện nguy cơ đóng cửa.
Bên cạnh đó, tâm lý "sính ngoại" làm gia tăng áp lực tài chính và xã hội cho những người muốn sở hữu các sản phẩm ngoại nhập đắt tiền, khi nhu cầu chi tiêu vượt quá khả năng tài chính cá nhân. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi việc sở hữu sản phẩm ngoại nhập trở thành biểu tượng của đẳng cấp và thành đạt. Những biểu hiện này tồn tại rất nhiều trong các khía cạnh của đời sống xã hội, từ việc lựa chọn các sản phẩm dịch vụ giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, sức khỏe cho đến phong cách ứng xử, thị hiếu nghệ thuật, quan niệm giá trị...
Những hệ lụy đó đã tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay. Không còn chỉ là việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là vấn đề phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Việc khắc phục tâm lý “sính ngoại” không đơn giản là xây dựng khẩu hiệu hay phong trào, mà phải coi đây là vấn đề cơ bản của phát triển văn hóa.
Khắc phục tâm lý "sính ngoại" cần hành động từ sớm
Trước hết, cần tăng cường giáo dục về văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ và xây dựng lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, giúp người dân ngày càng nhận thức sâu sắc và trân trọng giá trị văn hóa dân tộc. Thay đổi nhận thức từ “Cá nhân - Gia đình - Nhà trường - Xã hội”. Mỗi cá nhân cần có ý thức trách nhiệm với văn hóa dân tộc. Thực hiện đồng bộ tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình giáo dục con cái, cha mẹ phải làm gương cho con trẻ trong xây dựng nếp sống văn hóa Việt. Nhà trường lồng ghép các chương trình về giáo dục văn hóa truyền thống, kết hợp với thi đua đánh giá học sinh, kể cả những trường quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam cần cam kết, tôn trọng văn hóa Việt, bắt buộc trong chương trình đào tạo phải có những nội dung về giáo dục văn hóa Việt Nam cho học sinh. Xã hội phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng trong việc phát huy các giá trị văn hóa Việt, lên án và bài trừ những hành vi làm sai lệch văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, cần phát triển các chính sách khuyến khích “người tiêu dùng thông minh”. Khuyến khích xây dựng các kênh thông tin để người dân kết nối, chia sẻ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống. Đồng thời xây dựng thói quen “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy kinh tế tiêu dùng. Như vậy mỗi người dân vừa là người tiêu dùng thông minh, vừa góp phần vào công cuộc chấn hưng sản phẩm trong nước, thúc đẩy thị trường trong sạch, công bằng, tạo niềm tin cho các nhà kinh doanh nội địa cũng như quốc tế có môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó là việc tăng cường trách nhiệm trong giám sát, quản lý, nêu gương của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ các sản phẩm nội địa đến gần hơn với người dân một cách đồng bộ, thường xuyên. Gương mẫu thực hành tiết kiệm chi tiêu khi mua sắm tài sản công, ưu tiên sử dụng hàng nội địa trong cơ quan Nhà nước, hình thành văn hóa ủng hộ tiêu dùng hàng nội, tránh lạm dụng việc “sính ngoại” một cách không kiểm soát.
Quá trình đất nước hội nhập quốc tế có những tác động không nhỏ từ sự giao thoa giữa các nền văn hóa, việc chúng ta học cái hay, cái tốt của nước ngoài, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa tiến bộ để thích nghi với sự phát triển chung của nhân loại là điều rất cần thiết. Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, tốc độ tiếp cận thông tin của người dân đã trở nên vô cùng nhanh chóng, việc sớm định hướng trong nhận thức văn hóa và thị hiếu tiêu dùng chính là giải pháp quan trọng khắc phục được nhiều mặt trái của thị trường, trong đó có tâm lý "sính ngoại".
Nguyễn Toàn