Văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Ngay từ thời kỳ đầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã rất quan tâm thúc đẩy các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong thời kỳ đổi mới, nội dung này được chú trọng và bổ sung, hoàn chỉnh trên nhiều phương diện khác nhau.
Thúc đẩy, mở rộng các nguồn lực cho phát triển văn hóa là quan điểm xuyên suốt của Đảng. Ảnh: vietnamhoinhap.vn
Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn lực con người
Để phát triển văn hóa, Đảng luôn quan tâm chú trọng đến nguồn lực con người, yếu tố quan trọng nhất trong phát triển văn hóa. Trong đó, Đảng chú ý đến phát triển ngội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân.
Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa, Đảng yêu cầu họ phải phải hiểu, chia sẻ với đặc thù hoạt động văn hóa, tránh tình trạng áp đặt, đánh đồng các loại hình lao động để sử dụng cách thức quản lý giống nhau. Ngay tại Đại hội Đảng lần thứ VI, vấn đề này đã được bàn đến: “Nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của cán bộ quản lý các cấp cho phù hợp với tính đặc thù và yêu cầu phát triển của văn hóa, văn nghệ, chống lối gò ép hoặc buông lỏng”[i]. Ngoài ra, Đảng có vai trò chủ đạo trong xây dựng và kiện toàn đội ngũ này. Trước tiên là “xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở”[ii]. Thứ hai là “nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của cán bộ quản lý các cấp cho phù hợp với tính đặc thù và yêu cầu phát triển của văn hóa, văn nghệ”[iii]. Thứ ba là “phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”[iv]. Những nội dung này sẽ góp phần hình thành nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao song hành với đội ngũ lao động chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn hóa và cộng đồng sáng tạo, giữ gìn, thụ hưởng, lan tỏa rộng rãi các giá trị văn hóa, cùng nhau phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Để phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, Đảng luôn tạo những điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức làm việc, cống hiến. Trước tiên, “Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là bảo đảm quyền tự do sáng tạo. Đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển”[v]. Đặc trưng của trí thức là lao động sáng tạo. Do đó, việc tạo điều kiện đầy đủ để họ sáng tạo là yêu cầu thiết yếu. Thứ hai, “Nhà nước có chính sách đúng đối với các loại sản phẩm văn hóa khác nhau; quan tâm thích đáng đào tạo nhân tài, chăm sóc các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ, các nhà báo có cống hiến”[vi]. Việc xây dựng chế độ ưu đãi, trân trọng các sản phẩm văn hóa có giá trị không chỉ đánh giá đúng, gìn giữ những giá trị văn hóa mà còn khuyến khích trí thức, nghệ sĩ sáng tạo ra những giá trị đỉnh cao. Thứ ba là “Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ. Có chính sách trọng dụng các tài năng văn hóa”[vii]. “Tự do, dân chủ” là môi trường thuận lợi kích thích sự sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, Đảng cũng khẳng định “tự do, dân chủ” phải gắn liền với trách nhiệm công dân, ý thức xây dựng văn hóa nói riêng và phát triển đất nước nói chung chứ không phải là tự do vô hạn và dân chủ quá trớn.
Đối với nhân dân, Đảng khẳng định phải “tạo điều kiện để nhân dân ngày càng nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật, trở thành những chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời hưởng thụ ngày càng nhiều thành quả văn hóa”[viii]. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, giữ gìn, lan tỏa, biểu hiện và thụ hưởng các giá trị văn hóa. Do đó, việc nâng cao trình độ thẩm mỹ cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng. Điều này không chỉ giúp nhân dân đánh giá đúng giá trị của các yếu tố văn hóa, biết lựa chọn các giá trị văn hóa phù hợp mà còn nâng cao năng lực sáng tạo văn hóa cho nhân dân.
Để phát triển nguồn nhân lực văn hóa, Đảng chủ trương đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng văn hóa cho các chủ thể trên. Yêu cầu đặt ra là phải “củng cố, kiện toàn hệ thống các khoa, trường đào tạo cán bộ văn hóa, nghệ thuật, thông tin, báo chí, các viện nghiên cứu cả về tổ chức, đội ngũ giảng viên, chương trình, giáo trình. Tăng thêm điều kiện và phương tiện kỹ thuật giảng dạy, học tập. Tổ chức tốt đào tạo trên đại học…”[ix]. Ngoài ra, cần “rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo”[x]. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng nhấn mạnh đào tạo nguồn nhân lực không chỉ về tri thức mà còn phải chú trọng vấn đề tư tưởng, đạo đức và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”[xi]. Nội dung đào tạo toàn diện như vậy vừa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa vừa để thực hiện tốt vai trò là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng để phát triển văn hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Có thể thấy, phát triển nguồn nhân lực văn hóa là quan điểm cơ bản, trọng yếu trong phát triển văn hóa Việt Nam. Do đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII tái khẳng định quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.
Quan điểm của Đảng về mở rộng các nguồn lực khác cho phát triển văn hóa
Trong chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế cũng có nhiều bất lợi cho việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng của dân tộc, Đảng ta chủ trương: “Thực hiện khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, hình thành các hình thức sáng tạo và tham gia hoạt động văn hóa của các tập thể, cá nhân trong khuôn khổ luật pháp và chính sách. Khuyến khích các hình thức bảo trợ văn hóa”[xii]. Chủ trương này đã cụ thể hóa quan điểm xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI.
Mặc dù mở rộng việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển các hoạt động văn hóa, Đảng luôn khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư cho văn hóa: “Tăng cường mức đầu tư cho văn hóa từ nguồn chi thường xuyên và nguồn chi phát triển trong ngân sách nhà nước. Tỉ trọng chi ngân sách cho văn hóa phải tương ứng nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích các địa phương tăng thêm nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa”[xiii]. Như vậy, dù đã có sự tham gia mạnh mẽ của các chủ thể, Nhà nước vẫn phải khẳng định vị trí chủ đạo trong đầu tư cho các hoạt động văn hóa. Nguồn lực từ Nhà nước cho phát triển văn hóa không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là các nguồn lực về tài nguyên đất, công nghệ hiện đại, chính sách tài khóa, đầu tư công... để dẫn dắt, lôi cuốn, định hướng đầu tư xã hội. Các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, nhà bảo trợ trong và ngoài nước... rất mạnh mẽ, to lớn và đa dạng sẽ tham gia tích cực vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo ra các chuỗi sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang đặc trưng văn hóa dân tộc. Để làm được điều đó, Nhà nước cần hình thành cơ chế phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các chủ thể khác tích cực tổ chức, tham gia vào các hoạt động văn hóa.
Mặt khác, việc đầu tư cho văn hóa phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mà thời đại đặt ra. “Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người”[xiv]. Mức đầu tư của Nhà nước không giới hạn trong định mức nhất định mà phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa không chỉ dừng lại trong đầu tư, tổ chức các hoạt động văn hóa mà còn phải mở rộng các hình thức tham gia của nhân dân vào các hoạt động văn hóa khác.
Không chỉ quan tâm đến số lượng, Đảng đặc biệt chú trọng đến chất lượng đầu tư cho văn hóa. Đó là việc sử dụng các nguồn lực phải hiệu quả, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, tránh việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. “Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy”[xv]. Phát triển văn hóa đòi hỏi phải có sự đầu tư vào nhiều hoạt động trên cả nước. Do đó, nguồn lực của Nhà nước ưu tiên, tập trung chủ yếu đầu tư cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, nguồn lực của Nhà nước cũng tập trung cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại có nguy cơ mai một, biến mất và cần được bảo tồn, phát triển. Các thành phần kinh tế khác và toàn dân hợp lực cùng Nhà nước đầu tư cho các vùng, lĩnh vực cần được ưu tiên như trên và các hoạt động văn hóa khác. Điều đó sẽ tạo nên đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu văn hóa chính đáng của người dân trên khắp cả nước.
Có thể thấy, quan điểm của Đảng về thúc đẩy, mở rộng các nguồn lực cho phát triển văn hóa nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới. Chủ trương đầu tư cho văn hóa như vậy nhằm phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn chung, thúc đẩy, mở rộng các nguồn lực cho phát triển văn hóa là quan điểm xuyên suốt quá trình lãnh đạo văn hóa của Đảng. Quan điểm này luôn được Đảng bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn. Những quan điểm này luôn hướng tới “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển”. Do đó, Đảng ta tiếp tục nghiên cứu, đề ra những quan điểm phù hợp để tháo gỡ những điểm nghẽn, tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa trong những chặng đường tiếp theo.
[i, iii, v, xiv] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, H.1987, tr.130, tr.130, tr.115, tr.130.
[ii] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.132
[iv, x, xi] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, Tập 1, tr.146-147, tr.147, tr.232-233.
[vi]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H.1991, tr.84
[vii]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H.2006, tr.107
[viii]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, tr.114
[ix, xii, xiii] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, tr.79, tr.68, tr.78.
[xv]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2014, tr.61-62.
Thanh Bình