Núi rừng Tây Nguyên gợi cho chúng ta nghĩ về những khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, bao đời nay bao bọc cuộc sống của con người, nơi mà hình tượng những người anh hùng cưỡi voi dũng mãnh bảo vệ buôn làng, đã in sâu vào huyền thoại sử thi. Ấn tượng ấy còn lưu dấu mãi qua những lễ hội đua voi ở Buôn Đôn ngày nay.
Những chú voi tham gia Lễ hội đua voi Buôn Đôn. Ảnh: moitruong.net.vn
Lễ hội đua voi như một hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ săn bắt, thuần dưỡng voi của người Tây Nguyên. Lễ hội có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên, mà tiêu biểu là người Mnông, bởi nó gắn liền với cuộc sống sinh hoạt lao động, thể hiện sự mạnh mẽ, hào sảng, khát khao lớn làm chủ núi rừng, chinh phục muôn loài của con người nơi đây.
Đắk Lắk là nơi tập trung số lượng lớn voi được thuần dưỡng ở Tây Nguyên, cứ hai năm một lần vào dịp tháng Ba âm lịch sẽ tổ chức Lễ hội đua voi ở Buôn Đôn. Đây thực sự trở thành sự kiện lớn của cộng đồng, bởi nó lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp và bền vững nhất của con người Tây Nguyên.
Đối với người Tây Nguyên, voi được coi như thành viên quan trọng của buôn làng. Từ lâu đời, người Mnông ở Buôn Đôn đã biết săn bắt, thuần dưỡng voi rừng để trở thành vật nuôi. Trong tín ngưỡng của người Tây Nguyên, voi có vị trí quan trọng với đời sống văn hóa tinh thần. Voi ở Tây Nguyên giúp đồng bào kéo, chở hàng hóa, gỗ, vật dụng nặng. Khi đã thuần hóa được voi, người chủ sẽ coi voi như thành viên của gia đình, voi được đối xử và chăm sóc chu đáo, được làm lễ cúng sức khỏe hằng năm, trở nên có ích và giúp đỡ buôn làng trong lao động, chiến đấu.
Nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng theo như tư liệu lịch sử thì được bắt nguồn từ một người được mệnh danh là “Vua săn voi”, tên là Y Thu K’ Nul (sinh năm 1827, mất năm 1938), vốn là người ở Buôn Đôn. Ông nổi tiếng về tài săn voi, cả đời đã bắt và thuần dưỡng được gần 500 con voi rừng. Cũng chính nhờ tài năng của ông, Buôn Đơn trở thành “thủ phủ” của những chú voi được nuôi và thuần dưỡng thành voi nhà, đồng thời nơi đây cũng trở thành địa điểm tổ chức những Lễ hội đua voi vô cùng độc đáo, tôn vinh ý chí và sức mạnh cũng như sự mưu trí của những người thu phục và thuần dưỡng voi, vốn là loài mãnh thú của núi rừng. Thuần dưỡng voi cũng trở thành hoạt động văn hóa đặc sắc của người Mnông.
Thi voi chạy trong Lễ hội đua voi Buôn Đôn. Ảnh: Internet
Tháng Ba âm lịch trở thành ngày hội mùa xuân đầy sức sống ở Buôn Đôn. Khắp buôn làng đâu đâu cũng thấy sự nhộn nhịp, náo nức của người dân Tây Nguyên đang chuẩn bị cho lễ hội quan trọng của cộng đồng. Những chàng quản tượng đưa voi đến vùng cỏ xanh để chăm sóc, trong khi đó những cô gái Buôn Đôn sắm sửa lễ vật để thực hiện nghi lễ trong các lễ hội truyền thống cùng diễn ra với lễ hội đua voi.
Cảnh tượng khi bước vào lễ hội cũng giống như bước chân vào thế giới sử thi, nơi sừng sững hiện lên những dũng sĩ hiên ngang điều khiển voi bước vào một trận chiến lịch sử. Xung quanh là tiếng hò reo cổ vũ vang trời của hàng ngàn khán giả, hòa cùng tiếng voi rống kiêu hùng, bước đi oai phong và dũng mãnh. Hồi tù và hiệu lệnh cất lên trên đường đua, bước chạy rầm rập của hàng chục chú voi theo sự điều khiển của các quản tượng càng làm cho khung cảnh hoành tráng trở nên náo nhiệt, khiến người xem không thể rời mắt, không thể ngừng hân hoan theo nhịp điệu cồng chiêng cổ vũ.
Theo những quản tượng ở Buôn Đôn, việc lựa chọn voi đua là công việc rất quan trọng, những con voi được lựa chọn để tham gia lễ hội phải là những con voi thật khỏe mạnh, dẻo dai và thông minh. Quá trình chăm sóc, chuẩn bị của người huấn luyện voi rất công phu, cẩn thận, đòi hỏi nhiều thời gian và khá tốn kém, để lựa chọn ra khoảng 20 đến 30 con voi đủ tiêu chuẩn tham dự Lễ hội.
Chuẩn bị tới ngày dự hội, voi sẽ được tập trung chăm sóc kỹ lưỡng, được ăn uống đầy đủ và tắm rửa sạch sẽ, được tập rượt kỹ càng những kỹ năng để tham gia các hoạt động phong phú theo chương trình của Lễ hội. Lễ hội đua voi được tổ chức với nhiều hoạt động khác nhau, từ nghi thức tâm linh trang nghiêm tới các trò chơi, cuộc đua lý thú: Lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ ăn mừng mùa màng, các trò chơi thi voi đá bóng, thi voi chạy, thi voi bơi, cuối cùng là lễ tắm voi sau khi kết thúc lễ hội.
Voi là nhân vật chính của ngày thi đấu, được chính các già làng tiến hành các nghi lễ cúng sức khỏe. Chúng đại diện cho niềm tự hào của gia đình, của buôn làng, nên nhận được nhiều sự cổ vũ bằng lời ca tiếng hát, điệu nhảy và tiếng cồng chiêng rộn ràng của tất cả mọi người để chính thức bước vào các phần thi.
Một trong những phần thi thú vị nhất là thi voi chạy. Các chú voi được đứng giàn hàng ngang trên một bãi đất trống bằng phẳng để sẵn sáng xuất phát khi có hiệu lệnh. Trên lưng mỗi chú voi là hai người quản tượng cùng phối hợp điều khiển voi. Người ngồi trước tiếng Mnông gọi là mơ-gát có nhiệm vụ điều khiển voi đi đúng đường đua bằng một thanh sắt (kreo) dài khoảng 1 mét, người ngồi sau là man-gát với chiếc búa gỗ (kốc) nện mạnh vào mông voi để tăng tốc về vạch đích đến.
Già làng làm lễ cúng cho voi trước khi thi đấu. Ảnh: moitruong.net.vn
Khi hồi tù và hiệu lệnh vang lên, kéo theo là tiếng hô cổ vũ đầy hứng khởi của rừng người xung quanh, đàn voi lập tức vươn mình xông lên đầy dũng mãnh, lao về phía trước như vũ bão. Những bước chạy sầm sập như rung chuyển cả núi rừng. Sức mạnh của những bước chạy kết hợp với tài điều khiển khéo léo của quản tượng khi voi qua những đoạn đường dốc, quanh co hoặc bơi qua những vùng nước khiến màn đua vô cùng mãn nhãn và hồi hộp. Voi và quản tượng như hòa nhập làm một khi thuần thục vượt qua những chướng ngại vật trên đường đua, tạo nên hiệu ứng hình ảnh và âm thanh đầy phấn khích từ phía khán giả cổ vũ bên đường đua.
Những tiếng vỗ tay, tiếng hô vang cuồng nhiệt hòa trong tiếng cồng chiêng thúc giục như khiến các chú voi càng hăng hái, tạo nên một bầu không khí vô cùng cuốn hút đối với người dân từ nhiều buôn làng trong vùng và du khách thập phương đến tham gia. Màu sắc Tây Nguyên ở những lễ hội như thế càng trở nên đậm nét và giàu sức sống.
Mặc dù Lễ hội đua voi Buôn Đôn chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng quy tụ được nhiều giá trị tinh thần và vật chất được cộng đồng Tây Nguyên tích lũy và nuôi dưỡng lâu dài. Ở đó vừa thể hiện ra những nét đẹp trong phong tục, tập quán văn hóa, vừa lan tỏa niềm tin và khát vọng của cộng đồng, tạo nên nét cuốn hút đặc biệt của truyền thống tộc người đối với nhịp điệu văn hóa của đời sống hiện đại.
Lê Toản