Người Mông là một trong những dân tộc thiểu số ở Việt Nam sở hữu một nền văn hóa vô cùng phong phú, trong đó, nghệ thuật tạo hình, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh là một kỹ thuật độc đáo. Những hoạ tiết, hoa văn trên trang phục của người Mông thực sự khiến người xem đặc biệt ấn tượng về độ kỳ công, giàu tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật và chứa đựng những giá trị về tín ngưỡng, văn hóa của một dân tộc mang đặc trưng riêng gắn liền với miền rẻo cao, xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Phụ nữ Mông với nghệ thuật vẽ hoa văn trên vải lanh. Ảnh: Thương hiệu và Công luận
Ở Việt Nam có 5 nhóm Mông gồm: Mông Hoa, Mông Trắng, Mông, Mông Đỏ, Mông Xanh và các nhóm Mông này đều có nghề truyền thống vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải. Mặc dù mỗi nhóm Mông sẽ chọn các gam màu khác nhau nhưng đường nét, hoa văn trên áo, váy vẫn mang quan niệm, ý nghĩa như nhau. Nó thể hiện trí tưởng tượng phong phú, đồng thời phản ánh giá trị tâm linh, văn hóa, thẩm mỹ, góp phần tạo nên sự đa dạng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Mông. Từng nét hoa văn trên vải của người Mông đều mang tính nghệ thuật, mặt khác, nó còn là những câu chuyện kể về lịch sử, về ước vọng, về thế giới quan và thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động.
Từ khi còn nhỏ, bé gái người Mông đã được mẹ dạy bảo cách trồng lanh, làm thổ cẩm. Bằng đôi tay khéo léo, từ chính nguyên liệu thô sơ là cây lanh, phụ nữ Mông đã tạo ra những trang phục vô cùng đẹp, lạ. Đặc biệt, phụ nữ Mông vẽ không có mẫu sẵn mà bằng trí nhớ, vẽ ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải với các hoạ tiết phong phú. Hoa văn trên trang phục người Mông thể hiện phong cách riêng biệt, đặc sắc, không hề lẫn với trang trí của các tộc người khác. Mọi hoa văn của người Mông đều hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người Mông sinh sống. Thường thấy nhất là các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập cách quãng kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép, răng cưa, đường cong, đường lượn sóng; bên trong là các hình ngôi sao, hoa bí, hoa tỏi, hoa mận, hoa đào, cánh bướm, lá ngải cứu, búp tre, lưỡi câu, con ốc, sừng dê, hoa văn hình xoắn ốc, trái tim, hình vuông, chữ nhật, zích zắc và một số biểu tượng gắn liền với cuộc sống như: Sấm chớp, dụng cụ lao động, con vật, các loài hoa… được thể hiện qua từng đường nét uốn lượn trên thân áo, váy, mũ nhằm thể hiện sự sùng bái vạn vật bao quanh, mong ước mùa màng thuận lợi, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc.
Phụ nữ Mông thực hiện các công đoạn dệt vải lanh. Ảnh: Thương hiệu và Công luận
Những họa tiết, hoa văn đều có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ. Người Mông thường sống trên những rẻo núi cao, nhiệt độ thường thấp, nhiều sương mù, nên màu sắc còn biểu trưng cho sự ấm áp, no đủ, may mắn và khát vọng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Chị Giàng Thị Dí, dân tộc Mông, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mèo Vạc chia sẻ: Trước đây, đi trẩy hội, chơi Tết, người Mông thường nhìn các họa tiết trên trang phục để biết được cuộc sống, cảm xúc hiện tại. Nếu trên trang phục của phụ nữ đang mặc có thêu hình xoắn ốc là đang cô đơn cần tìm bạn; nếu hình trái tim là đang có người yêu, còn 2 hình trái tim là họ đã lập gia đình, 4 trái tim là phụ nữ có đại gia đình sống hạnh phúc...
Hoa văn trên trang phục của người Mông còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Hoa văn hình xoắn ốc là thể hiện guồng quay của cuộc sống. Còn nếu hoa văn là một đôi ốc sên lại là sự biểu hiện của cuộc sống lứa đôi. Người Mông quan niệm “muốn sống tốt phải luôn có đôi, có như vậy thì cuộc sống mới hạnh phúc và cháu con đông đủ". Biểu tượng của sấm, chớp thường được vẽ ở dưới gấu váy, đó là hai hình tròn có chung nếp tuyến chéo, thể hiện niềm tin, tín ngưỡng, tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi.
Phổ biến nhất vẫn là các hình chữ thập + , chữ X. Với người Mông, các hình tượng này chính là sừng trâu. Con trâu là biểu tượng gắn với sự vận hành của mặt trăng, biểu hiện cho sự hài hoà âm dương, cho sự sinh sôi và phát triển.
Hoa văn hình các con vật như: Những dấu chân voi, chân chuột, những chiếc móng lợn trên trang phục có ý nghĩa nhắc nhở nhau thuần phục những con vật hoang dã trở thành bè bạn, thành những vật nuôi hữu ích trong nhà... Hay với những hoa văn hình vai trâu, hoa văn răng bừa, người Mông muốn bảo nhau phải yêu quý, phải giữ gìn những công cụ đã giúp mình trong lao động sản xuất hàng ngày... Hoạ tiết ngôi sao tám cánh cũng được phụ nữ Mông sử dụng nhiều, đó là biểu tượng của Bát tinh cát tường, cùng với nhiều hoa văn chỉ vũ trụ, mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian thể hiện mong ước Trời an vật thịnh, mùa màng bội thu.
Hoa văn trên vải lanh của người Mông. Ảnh: Thương hiệu và Công luận
Đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn đẹp trên trang phục cũng sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời họ tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện nhiều điều ước mong và những khát vọng cao đẹp của con người. Chẳng hạn như hình viên kim cương, hình vuông ý chỉ bàn thờ ông bà trong nhà, thể hiện sự bảo vệ của Tổ tiên cho con cháu, hay hoa văn hình Con Hổ, con Rồng tượng trưng cho quyền lực cao sang.
Nghệ thuật tạo hình, tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Mông là một trong những tri thức dân gian đặc sắc do tổ tiên người Mông sáng tạo, truyền dạy và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cần được bảo tồn, phát huy giá trị trong cộng đồng. Với những bí truyền trong kỹ thuật vẽ hoa văn trên vải, người Mông đã góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào các Dân tộc thiểu số nói riêng.
Oanh Oanh