Ngày 25/10, T.Ư Đoàn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số”. Chủ trì hội thảo có anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; GS. TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN.
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho bạn trẻ là nhiệm vụ rất quan trọng. Ảnh: Dương Triều |
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Các ý kiến tại hội thảo đã phân tích, đánh giá bối cảnh chuyển đổi số, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ quan trọng của thế hệ thanh niên thời đại mới trong yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Hội thảo đưa ra kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp rất quan trọng, đắt giá để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, định hướng thanh thiếu nhi trong bối cảnh chuyển đổi số. Tập trung giáo dục thanh niên phát triển toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, trong đó bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy nói rằng, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên thực chất là sự chuẩn bị chủ thể cách mạng cho hiện tại và tương lai; phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, chiến lược của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội do Đảng lãnh đạo.
“Muốn thế, phải chủ động triển khai giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng ngay từ sớm. Công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ phải là một quá trình thường xuyên, lâu dài, thậm chí là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các giá trị lạc hậu, lỗi thời, phản động”, anh Huy nói.
Anh Huy cho rằng, chuyển đổi số mang lại một không gian thông tin, văn hoá vô cùng sống động, đa dạng và cả yếu tố phức tạp. Thói quen sử dụng mạng xã hội thường xuyên, thậm chí lạm dụng, phụ thuộc không gian mạng cũng làm tăng nguy cơ về sự xuống cấp đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm xói mòn giá trị đạo đức truyền thống dân tộc; mất nhiều thời gian cho những giá trị “ảo”, không để tâm đến những giá trị thực tế…
“Thực trạng đó đặt ra những yêu cầu, bài toán mới đối với cả hệ thống chính trị trong giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, trang bị cho thanh niên một bộ công cụ để trở thành những công dân số, tự tin, an toàn và vững vàng bước đi trong không gian số”, anh Huy nhấn mạnh.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn yêu cầu, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tiếp tục kiên định những nội dung mang tính nguyên tắc, bất biến về lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng, nền tảng tư tưởng của Đảng; nhưng cũng cần “ứng vạn biến”, không ngừng đổi mới, nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với nhận thức, nhu cầu, thị hiếu của thanh niên.
Trong đó, tổ chức Đoàn tập trung chuyển hướng công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn từ một chiều thành đa chiều, có sự tương tác thường xuyên giữa tổ chức Đoàn với đoàn viên, thanh niên. Cùng đó, chú trọng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, phản hồi của thanh niên để điều chỉnh cách tiếp cận; sử dụng nhiều kênh, nhiều biện pháp, môi trường để tuyên truyền, giáo dục…
“Chủ động, quyết liệt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; giúp thanh niên tăng sức đề kháng, biết cách chọn lọc thông tin, vững vàng về tư tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, anh Huy nói.
Anh Huy cho biết thêm, Ban tổ chức hội thảo sẽ hoàn thiện nội dung, tài liệu, gửi báo cáo với các cơ quan chức năng và tiếp thu nghiên cứu để xác lập các nhiệm vụ cụ thể trong tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ và tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời gian tới.
Ông Hoàng Bình Quân - nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn: Nhận thức sâu sắc về tự tôn dân tộc
Bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết giới trẻ phải nhận thức sâu sắc về tự tôn dân tộc. Tự tôn dân tộc sẽ có tự hào dân tộc, tự hào dân tộc sẽ có tự cường dân tộc và phải biến nó thành hành động. Tự tôn dân tộc sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối cho bạn trẻ bồi đắp tinh thần tự nguyện dấn thân xây khát vọng lập thân, lập nghiệp. Khát vọng phồn vinh của dân tộc chỉ đạt được khi thanh niên có khát vọng và ý chí vươn lên. Thanh niên phải có ước mơ, dân tộc phải khát vọng. Khi chúng ta hòa ước mơ của giới trẻ vào khát vọng của đất nước thì đó là một nguồn nội lực mạnh.
Để giáo dục thanh niên, tổ chức Đoàn, Hội các cấp cần phải thay đổi phương thức tuyên truyền, thay đổi môi trường tương tác, thay đổi thói quen từ độc thoại sang đối thoại, từ trực tiếp sang trực tuyến nhanh nhạy. Thế giới của bạn trẻ bây giờ là mạng xã hội. Vì vậy, chúng ta cần chiếm lĩnh và tận dụng triệt để không gian mạng để giáo dục ý tưởng cách mạng cho thanh niên, với phương châm “Ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức Đoàn”.
Anh Nguyễn Đồng Anh - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao: Đoàn kết bạn trẻ trên nền tảng số
Thế hệ gen Z hay thế hệ Alpha là những bạn trẻ sinh ra, lớn lên trong môi trường số. Vì vậy, tổ chức Đoàn, Hội cần phát triển, giữ vững mặt trận tập hợp, đoàn kết bạn trẻ trên nền tảng số. Đây là nơi kết nối các thế hệ thanh niên với nhau và kết nối thanh niên trong nước với thanh niên ngoài nước, để cùng nhau giúp thế hệ trẻ Việt Nam có đủ bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định với lý tưởng của dân tộc, có năng lực chuyên môn sâu rộng, tự tin trở thành công dân toàn cầu, góp phần đưa đất nước đạt được mục tiêu nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
LƯU TRINH (ghi)
Anh Vũ Gia Luyện - Tổng Giám đốc Cty CP Giải pháp Công nghệ thông tin quốc tế: Sáng tạo sản phẩm văn hóa - lịch sử chất lượng
Bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự phát triển của công nghệ đã phá vỡ những giới hạn về không gian, mang lại cho giới trẻ và cộng đồng nguồn thông tin, kiến thức dồi dào, đa chiều và đa dạng sắc màu văn hoá; đồng thời thúc đẩy xu hướng trao đổi trực tuyến, “lối sống online” phổ biến hơn trong người trẻ… Vì vậy, việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên có ý nghĩa rất quan trọng.
Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, giáo dục cần có thêm những phương thức tiếp cận mới mẻ, mềm mại, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và độ tuổi của thanh thiếu niên. Chẳng hạn, giáo dục cho lớp trẻ thông qua mạng xã hội, qua những câu chuyện về các bậc tiền bối cách mạng, văn hóa dân tộc… và có tính tương tác cao, để người trẻ có thể bày tỏ suy nghĩ, chính kiến.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có thêm những sản phẩm văn hoá - lịch sử chất lượng, hấp dẫn như phim điện ảnh, phim truyền hình, các video hấp dẫn. Thực tế, qua những bộ phim đề tài lịch sử cách mạng như “Đào, Phở và Piano”, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”… có thể khẳng định, giới trẻ rất yêu mến lịch sử và văn hóa của dân tộc. Chỉ cần lựa chọn cách thức tiếp cận chính xác, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa cho giới trẻ không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, càng đòi hỏi thanh niên có chuyên môn, khả năng thích ứng linh hoạt và bản lĩnh để tiếp nối thành quả của thế hệ cha anh đi trước, sẵn sàng hoà nhịp vào dòng chảy thời đại.
Anh Nguyễn Phúc Đức - sinh viên ĐH Thái Nguyên, Thanh niên sống đẹp 2024: Khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo
Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực đời sống, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi cũng không thể đứng ngoài xu thế. Nội dung, phương thức giáo dục cần đổi mới và hấp dẫn, đặc biệt phải tận dụng các tính năng vượt trội của công nghệ, để thu hút sự quan tâm, tham gia sâu rộng hơn của người trẻ.
Trong đó, có thể tăng cường việc xây dựng các chương trình học trực tuyến, game trực tuyến, sân chơi… gắn với kiến thức lịch sử, văn hoá dân tộc; lan toả những câu chuyện hay, hành động đẹp, sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước… trên không gian mạng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm thực tế, về nguồn hay đến thăm các “địa chỉ đỏ” để người trẻ có thêm cơ hội hiểu hơn về lịch sử, văn hoá dân tộc.
Để thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên”, phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng và Nhà nước, cùng các ban ngành đoàn thể cần tạo thêm môi trường, điều kiện giúp người trẻ phát triển toàn diện; đồng thời, khơi dậy được tinh thần đổi mới - sáng tạo và khát khao cống hiến trong người trẻ.
Chị Hoàng Thị Thu - Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu năm 2023: Mạnh dạn bày tỏ chính kiến, đấu tranh với cái xấu
Hiện nay, cuộc sống của giới trẻ chiếm phần lớn ở trên thế giới ảo, vì vậy, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cần được chuyển dịch, “phủ sóng” trên các nền tảng mạng xã hội nhiều hơn. Qua quá trình sử dụng, tôi nhận thấy, một số bạn trẻ hay có thói quen “lăn xả” vào các cuộc tranh luận vô tri, giải trí.
Vậy, thay vì tốn thời gian để hơn thua với những “anh hùng bàn phím”, tôi cho rằng, mỗi đoàn viên, thanh niên cần mạnh dạn bày tỏ chính kiến, đấu tranh với cái xấu, các luận điệu sai trái, xuyên tạc trên không gian mạng. Từ một cá nhân đến cả cộng đồng cùng đấu tranh với cái xấu, chúng ta sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng của thanh niên trong môi trường lành mạnh.
Bên cạnh việc thể hiện chính kiến và đấu tranh với những tư tưởng lệch lạc, thanh niên cần trang bị kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin trên không gian mạng một cách thấu đáo. Việc “chọn lọc và nhận thức” trở thành yếu tố quan trọng để xây dựng một thế hệ trẻ có tư duy độc lập, hiểu biết sâu sắc.
Để thực hiện điều này, mỗi đoàn viên, thanh niên nên thường xuyên rèn luyện khả năng tự học hỏi, nắm bắt kiến thức mới, đồng thời biết cách phân biệt đâu là giá trị thật và đâu là những “thông tin rác”. Khi mỗi cá nhân có khả năng nhận diện và phản bác các nội dung sai lệch, xuyên tạc, chúng ta sẽ tạo dựng một cộng đồng thanh niên vững vàng trước các luồng thông tin phức tạp của thời đại số.
Ngoài ra, mỗi cán bộ Đoàn, Hội cơ sở cần phát huy vai trò “nêu gương” về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thế giới thực và thế giới ảo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên.
Chị Nguyễn Khánh Linh - Thủ khoa ngành Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương: Vững vàng bước đi trong không gian số
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tôi cho rằng, thế hệ trẻ hôm nay, luôn phải xác định tâm thế sẵn sàng lãnh trách nhiệm tiên phong, đổi mới sáng tạo dựa trên phông văn hoá vững chắc. Hiểu đơn giản, trách nhiệm ấy gắn với thái độ, hành động, việc làm nhỏ nhất trong quá trình phát triển bản thân và đóng góp cho cơ quan, tổ chức. Những người trẻ đang trong giai đoạn có nhiều năng lượng để sáng tạo nhất, cần tiên phong để đóng góp ý tưởng mới, tư duy mới, phong cách mới.
Muốn phát huy năng lượng sáng tạo ấy, mỗi bạn trẻ cần tự thân trang bị kiến thức theo chiều sâu, có “nhân” trước rồi mới chủ động tiếp cận cơ hội mới phù hợp với năng lực của mình. Khi có “nhân” là phông văn hoá vững chắc, chúng ta sẽ học thêm các kỹ năng cần thiết như sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh, sử dụng công nghệ hay ngoại ngữ… làm phương tiện để chuyển hóa từ chất xám thành những phần việc, sản phẩm cụ thể. Đặc biệt, mỗi cá nhân vững bản sắc sẽ góp phần tạo nên một xã hội vững bản sắc, để vững vàng bước đi trong không gian số.
Ngoài ra, để xây dựng một thế hệ thanh niên phát triển toàn diện, theo tôi, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan, tổ chức, gia đình và cả xã hội. Sự hỗ trợ ấy có thể đến từ việc giao nhiệm vụ nhiều hơn, có tính thử thách hơn để bạn trẻ dấn thân, phát huy năng lượng sáng tạo.
Nguồn Tiền phong