1. Ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành
Khi sinh ra và lớn lên, Nguyễn Tất Thành chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân sống cơ cực, lầm than vì sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến. Anh đã sớm nhận ra những đau khổ, nổi tục nhục mất nước và nung nấu ý chí, trách nhiệm cứu dân, cứu nước mãnh liệt. Lòng yêu nước nồng nàn, sự say mê học tập, lao động, cống hiến là đặc điểm nổi bật của người thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt, lòng yêu nước đã biến thành quyết tâm sắt đá, bản lĩnh vững vàng để tìm cách giải phóng dân tộc và đồng bào khỏi ách thống trị thực dân. Chính đó là điểm khởi nguồn cho ý chí, quyết tâm xuất dương đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh.
Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.
Mờ sáng ngày 05 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba nhận làm phụ bếp cho tàu buôn Latutsơ Tơrêvilơ của Pháp ra đi tìm đường cứu nước. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tất Thành lựa chọn cho mình con đường xuất dương bằng tàu thuỷ bởi anh nghĩ rằng đi bằng tàu thuỷ sẽ đi được nhiều nơi, học tập được nhiều thứ để về cứu dân, cứu nước. Quả đúng như vậy, bằng con đường đó, Người đã bôn ba khắp bốn biển, năm châu từ Pháp đến Anh, đến Mỹ, sang Nga,... làm đủ tất cả những công việc khó nhọc, gặp nhiều hạng người khác nhau về tầng lớp, màu da. Trong những năm tháng gian khó ở nước ngoài, Người tận dụng những khoảng thời gian dù là nhỏ nhất để học tập, nghiên cứu bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau.
Ở Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh hiện thân một tấm gương đạo đức sáng ngời, soi sáng và trường tồn mãi mãi cho bao thế hệ noi theo. Đó là: Tấm gương trọn đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và nhân loại; đó là tấm gương sáng ngời của ý chí và nghị lực tinh thần to lớn vượt qua thử thách gian khó để thực hiện lý tưởng, khát vọng của mình; đó là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, của con người, kính trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc; đó là tấm gương của một con người vị tha, nhân ái khoan dung hết mực vì con người; đó là tấm gương cần kiệm, liêm chính, vô tư, trong sáng, giản dị và đức khiêm tốn phi thường…
2. Giáo dục ý chí, khát vọng phát triển đất nước của thế hệ trẻ hiện nay
Từ buổi sơ khai của lịch sử cho đến trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, dân tộcViệt Nam luôn khẳng định vai trò to lớn của thế hệ trẻ. Chính sức mạnh của tuổi trẻ đã đem lại nguồn lực vô tận cho dân tộc ta vượt qua mọi thử thách trong lịch sử dựng nước và giữ nước để trường tồn, tạo ra sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam trên con đường chinh phục thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù xâm lược, giữ gìn giang sơn gấm vóc, làm rạng danh giống nòi "con Lạc cháu Hồng". Không phải ngẫu nhiên, ngay cái Tết cổ truyền đầu tiên sau ngày đất nước giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”[1]. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường đại học nhân dân Việt Nam, ngày 19/1/1955, Bác Hồ nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?”[2]
Thấm nhuần lời dạy của Bác, thanh niên Việt Nam luôn phát huy vai trò xung kích, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, của dân tộc. Thanh niên, thế hệ trẻ luôn xứng đáng là cánh tay đắc lực và là đội dự bị tin cậy của Đảng, đội tiên phong chiến đấu và chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đất nước ta hôm nay đang trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đang vươn mình ra thế giới để sánh vai với bè bạn bốn biển năm châu. Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định khát vọng phát triển đất nước: xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển hùng cường, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[3]. Để khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước của con người Việt Nam, của thế hệ hệ trẻ, Đảng ta xác định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên[4]. Trong đó, cần chú trọng, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng của Hồ Chí Minh; học tập phẩm chất, hành động vì đất nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Muốn vậy, cần chú trọng các vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất, lấy giá trị truyền thống yêu nước, tương thân, tương ái của người Việt Nam (những truyền thống này đều được hội tụ ở Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh) để làm cơ sở hình thành nét đẹp nhân cách cho thế hệ trẻ, cho thanh niên hiện nay. Những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc tốt đẹp luôn là định hướng tinh thần, có vai trò tín ngưỡng quốc gia, là điểm hội tụ muôn dân, làm nên sức mạnh cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc, giúp cho dân tộc ta vượt qua biết bao thử thách, để làm nên những kỳ tích lịch sử. Do đó, cần phải lấy giá trị truyền thống làm nền tảng trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
Thứ hai, thông qua tấm gương của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, giáo dục cho thế hệ trẻ biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, có lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, cho dân tộc. Giáo dục lòng yêu nước, tinh thần vượt khó của thanh niên Nguyễn Tất Thành cho thế hệ trẻ, cho thanh niên cần gắn với tình hình, nhiệm vụ đất nước ngày nay, làm cho những kiến thức mà họ thu nhận được có ý nghĩa và tác dụng thiết thực.
Thứ ba, trong quá trình giáo dục cần nắm bắt được đúng tâm tư, nguyện vọng thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay. Là thanh niên, luôn mong muốn được kế thừa, phát triển những di sản tư tưởng, truyền thống của ông cha, song lại có chịu ảnh hưởng bởi những điều kiện cụ thể của xã hội sống hiện tại. Do vậy, trong việc tuyên truyền, giáo dục phải nắm bắt thực tế này, phải gắn với điều kiện kinh tế thị trường, gắn với công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từng bước tạo nên những ngọn lửa nhiệt huyết, những khát khao cống hiến cho đất nước, dân tộc trong tâm hồn mỗi thanh niên.
Thứ tư, người dạy, người tuyên truyền phải làm gương cho người học về nhiều mặt: ý thức trong lao động, tư cách, phẩm chất đạo đức; ý thức về phát triển tài năng, học tập và làm theo những điều mà Bác Hồ đã dạy, đã làm. Quá trình học tập cần được thực hiện thường xuyên, liên tục ở mọi nơi, mọi lúc.
Thanh niên tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (ảnh minh họa)
Đất nước có được mùa xuân đầy ắp hoa nở hay không phụ thuộc một phần quan trọng vào thế hệ trẻ hôm nay. Để có thể trở thành rường cột của nước nhà, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thì đòi hỏi thế hệ trẻ phải có lòng yêu nước, có ý chí, nghị lực vượt khó, vượt khổ để phấn đấu tiến lên. Do vậy, việc khơi dậy và giáo dục cho thế hệ trẻ từ tấm gương của thanh niên Nguyễn Tất Thành là điều cực kỳ cần thiết và là trọng trách của người làm công tác giáo dục, tuyên truyền.
[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, HN 2011, tập 4, tr 194.
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, HN 2011, tập 4, tr 194.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, tr 112.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, tr 143.
Thành Lê