Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng qua các thời kỳ cách mạng là nhiệm vụ đặc biệt quan trong trong xây dựng Đảng, được Đảng ta xác định ngay từ khi thành lập. Vậy từ khi Đảng ra đời đến năm 1986, nhiệm vụ này được thực hiện như thế nào ?
Bản chất giai cấp công nhân của Đảng và sự thể hiện bản chất ấy trong quá trình lãnh đạo cách mạng
Đảng Cộng sản Việt Nam, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều đó đã được thực tế chứng minh. Trong hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi sau nối tiếp thắng lợi trước: đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc và hiện này là thực hiện sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến lên trên con đường giàu mạnh, văn minh.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác Lênin và khẳng định, chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, cách mạng Việt Nam mới có thể thắng lợi. Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải có Đảng cách mạng. Đảng đó phải lấy chủ nghĩa Mác Lênin “làm cốt” và Người coi chủ nghĩa Mác Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”1.
Các Đảng chính trị lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm hệ tư tưởng luôn công khai nêu rõ bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Trung thành với những nguyên tắc xây dựng Đảng theo chủ nghĩa Mác Lênin, Cộng sản Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi thành lập, đã công khai nêu rõ bản chất giai cấp công nhân của Đảng và luôn chú ý đến vấn đề giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, coi đó là vấn đề có tính chất quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng và quyết định mọi thắng lợi đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, căn cứ vào tính đặc thù của sự ra đời và phát triển của Đảng cộng sản ở một nước nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, phong trào yêu nước lại phát triển mạnh mẽ, nội dung bản chất giai cấp công nhân được Đảng ta nhận thức ngày càng rõ và được xác định trở thành những vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6/1996), bản chất giai cấp công nhân của Đảng được nêu rõ: Đó là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; giáo dục và bồi dưỡng lập trường, quan điểm, ý thức tổ chức kỷ luật của giai cấp công nhân cho cán bộ, đảng viên; chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ theo lập trường quan điểm của giai cấp công nhân; gắn bó mật thiết với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Bản chất giai cấp công nhân của Đảng có nhiều nội dung như vậy, nhưng thể hiện trước hết ở mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thông qua Cương lĩnh chính trị, đường lối chính sách, thể hiện ở hệ tư tưởng của Đảng, thể hiện ở hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, thể hiện ở sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân và dân tộc…
Cao cào cách mạng 1930 -1931 (Tranh tư liệu)
Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945)
Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập luôn chú ý đến vấn đề tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, coi đó là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong quá trình vận động thành lập Đảng, những người cộng sản và yêu nước Việt Nam thấm nhuần quan điểm, lập trường giai cấp công nhân của Đảng. Chính vì thế trong những năm 1929 - 1930, các tổ chức cộng sản đã cử đảng viên đi “vô sản hóa” vào các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, nơi tập trung nhiều công nhân như Hòn Gai, Hải Phòng, Nam Định, Vinh Bến Thủy, Sài Gòn…tổ chức, lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh, góp phần chuyển phong trào đấu tranh của công nhân từ trình độ tự phát lên tự giác.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng khẳng định con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền c.m và thổ địa c. m để đi tới xã hội cộng sản”[2].
Như vậy, ngay từ đầu, Đảng ta đã đề ra mục tiêu, lý tưởng của Đảng là đấu tranh giải phóng dân tộc sau đó đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu, lý tưởng đó phù hợp với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và xu thế thời đại sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Cũng trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định lập trường quan điểm của Đảng, đó là Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam có nhiệm vụ “thu phục cho được đại bộ phận giai cấp công nhân”, liên hệ với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội nhưng “phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông” và “phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới”[3]. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được nêu rõ trong Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện ở tôn chỉ của Đảng, điều kiện kết nạp đảng viên, tổ chức và kỷ luật, nguyên tắc sinh hoạt Đảng…
Tháng 10/1930, Luận cương chính trị của Đảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương là trước làm cách mạng tư sản dân quyền với hai nhiệm vụ phản đế, phản phong, sau đó tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội cộng sản.
Tiếp đó, Nghị quyết chính trị của đại biểu Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 nêu rõ hướng phát triển của Đảng tập trung vào “các miền kỹ nghệ, các nhà máy lớn, mỏ quan trọng, đồn điền rộng, các đường giao thông và các xí nghiệp thuộc về quân sự; cần phải biến mỗi sản nghiệp thành một thành lũy của Đảng… Trong các cơ quan chỉ đạo của Đảng bắt buộc phải để cho các phần tử vô sản chiếm đa số để bảo đảm cho Đảng đi đúng đường chính trị cộng sản”, “Đảng phải bảo đảm cho chủ nghĩa Mác-Lênin được trong sạch, cho hàng ngũ Đảng được thống nhất về lý thuyết và thực hành”, đấu tranh chống những lý thuyết phản động của các giai cấp, tầng lớp khác, giữ kỷ luật sắt cho Đảng… Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ ủng hộ Liên bang Xô Viết, ủng hộ cách mạng Trung Quốc…
Điều lệ được thông qua tại Đại hội cũng nêu rõ tôn chỉ của Đảng là lãnh đạo nhân dân Đông Dương đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, đưa đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. “Đảng Cộng sản là hình thức tối cao của vô sản, là bộ phận giác ngộ nhất, cương quyết tranh đấu nhất của giai cấp vô sản, có kỷ luật sắt, thống nhất về tổ chức, tư tưởng và hành động, tuyệt đối không thỏa hiệp với các xu hướng bè phái, các mầm cải lương, quốc gia eo hẹp, biệt phái và các xu hướng khác trái với chương trình của Đảng và của Quôc tế Cộng sản”[4]. Điều lệ cũng nêu nguyên tắc hoạt động của Đảng là tập trung dân chủ…
Thời kỳ này, Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, nên các văn kiện của Đảng luôn nêu rõ hoạt động của Đảng phải tuân thủ sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản, là một bộ phận của phong trào cộng sản quốc tế dưới quyền bộ tham mưu của giai cấp vô sản toàn thế giới và có nhiệm vụ ủng hộ phong trào cách mạng của giai cấp vô sản thế giới.
Đó là về đường lối chính trị, thể hiện trong Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng. Còn trong thực tế lịch sử, Đảng ta đã làm gì để giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong bối cảnh cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù.
Đảng ta luôn quan tâm đến công tác vận động công nhân, coi đó là công tác hàng đầu, bên cạnh việc vận động, tổ chức các giai cấp, tầng lớp khác trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10 năm 1930 và Đại hội lần thứ nhất của Đảng tháng 3 năm 1935 đều ra những nghị quyết về vận động giai cấp công nhân. Về tổ chức, ngày 20/01/1931, Ban Công vận Trung ương được thành lập do Tổng Bí thư Trần Phú làm Trưởng ban. Công tác vận động công nhân cũng được thực hiện qua việc xây dựng và phát triển tổ chức công hội đỏ - tuyên truyền, vận động, giác ngộ giai cấp công nhân. Chính vì thế, trong phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, phong trào công nhân luôn diễn ra liên tục, bền bỉ, mạnh mẽ.
1 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà nội, 2000, t.2, tr. 268.
[2] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr. 2.
[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 4-5.
[4] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 5, tr. 113-114.