Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Quân đội
Trong suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã luôn đoàn kết, gắn bó, chiến đấu sáng tạo, dũng cảm, cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là kết quả tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
Sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội trong 80 năm qua có bước phát triển không ngừng cà về mặt lý luận và thực tiễn. Trong quá trình đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể. Nhờ đó, trong suốt thời gian qua, Quân đội ta luôn xứng đáng là công cụ bạo lực cách mạng sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; giữ vững bản chất giai cấp công nhân, là Quân đội của dân, do dân và vì dân; viết nên truyền thống với nhiều chiến công hiển hách, xáng đáng là Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. Đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo Quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá nhân nào, một lực lượng chính trị nào”[1].
Ấy vậy mà, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại ra sức tìm mọi cách tung ra các luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội. Với âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, các thế lực thù địch thường rêu rao rằng: “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị, không chịu sự lãnh đạo, chi phối của bất cứ chính đảng, lực lượng chính trị nào”, hay “Quân đội do nhà nước nuôi dưỡng nên chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng đảng phái nào”!.
Gần đây, khi Đảng ta đưa ra chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, quy kết Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng “quân đội hiện đại”, “quân đội nhà nghề”. Từ đó, họ cho rằng “không có quân đội nhà nghề nào lại do một đảng chính trị lãnh đạo”; cho nên “cần phải tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của đảng”.
Thực chất, “phi chính trị hóa” Quân đội là thủ đoạn cực kỳ nham hiểm của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta, tách rời Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho Quân đội không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước ta”. Do đó chúng ta không thể coi thường, xem nhẹ âm mưu thâm độc này.
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đao của Đảng với Quân đội
Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội, cần chú trọng đến các giải pháp cơ bản như sau:
Một là, cần thống nhất trong nhận thức là trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp, toàn diện mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu tách rời sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội sẽ mất phương hướng chiến đấu, phân rã về chính trị, tư tưởng, tổ chức, không còn sức mạnh để chiến đấu chống lại những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Theo đó, Đảng bộ Quân đội, Quân ủy Trung ương và tổ chức đảng các cấp tronng Quân đội phải thường xuyên quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; đồng thời làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Hai là, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đảng, công tác chính tri trong Quân đội. Tập trung nâng cao chất lượng tổ chức và hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong Quân đội, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội. Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Quân đôi. Thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị để nâng cao nhận thức, ý thức đấu tranh, khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với Quân đội. Nhà nước quản lý Quân đội trên cơ sở thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Do đó, Đảng, Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện đường lối lãnh đạo cơ chế chính sách quản lý đối với Quân đội; chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chỉ huy các cấp, các đơn vị trong Quân đội vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” nói chung và “phi chính trị hóa” Quân đội nói riêng. Mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, nhạy bén và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, nhanh chóng, tỉnh táo, kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ, phức tạp diễn ra trong thực tiễn theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và quy định của Quân đội, không để kẻ địch lợi dụng, lôi kéo, thao túng vào các hoạt động chống phá.
80 năm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng nhìn lại chặng đường vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng để thêm tự hào về Quân đội anh dũng, kiên trung, luôn đồng hành sát cánh cùng cả dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, để Nhân dân luôn yêu mến, trân trọng gọi là “Quân đội ta”!
[1] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2023, tr.25
Chiên Lê