Những yêu cầu mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng số, tức là cuộc cách mạng công nghiệp được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,… và hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng số chính là đòi hỏi phải có quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và các quá trình hoạt động trong xã hội.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với thực chất là quá trình triển khai hiện thực hóa chuyển đổi số trên cơ sở vận hành của trí tuệ nhân tạo và nhờ đó, nhân loại bước vào kỷ nguyên mới. Chính vì vậy, để định vị cho thế giới và Việt Nam đang ở giai đoạn nào trong sự phát triển, vào tháng 10/2024, trong cuộc đối thoại với sinh viên các trường đại học Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ”, Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chia sẻ bức tranh tổng quan về các lực lượng đang định hình thế giới, với nhiều yếu tố biến đổi và phức tạp hơn, mang lại cả thách thức và cơ hội cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Đó là sự chuyển đổi từ một trật tự toàn cầu ổn định sang một thế giới đa cực, thường xuyên xảy ra xung đột; sự chuyển tiếp từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh; sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội, nhưng trọng tâm chính vẫn là sự ưu trội của những xu thế do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang định hình kỷ nguyên thông minh của nhân loại.
Cũng theo Giáo sư Klaus Schwab, kỷ nguyên thông minh của nhân loại cũng chính là cơ hội, thách thức và định vị Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới; là những yêu cầu đặt ra đối với thế hệ trẻ để nắm bắt những xu thế thời đại, phát huy vai trò tiên phong đóng góp cho phát triển đất nước và đây cũng chính là những yếu tố sẽ định hình sự nghiệp, cơ hội và cuộc sống của giới trẻ. Thời đại thông minh không chỉ là một khái niệm trừu tượng, đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ sống, lao động và học tập trong đó.
Tại Việt Nam, dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đồng thời cũng là sự vận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này vào hiện thực cuộc sống mà chúng ta đã tiến hành “chuyển đổi số”, tức là quá trình thay đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình hoạt động dựa trên quá trình “số hóa” bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), Internet cho vạn vật (loT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức quản lý, điều hành, lãnh đạo; quy trình làm việc và văn hóa cộng đồng cũng như làm thay đổi các quá trình sản xuất của xã hội .
Khi nhận thức được thời cơ và thách thức mới do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, từ thực tiễn lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”.
Phát triển phương thức sản xuất số để thích ứng với yêu cầu của kỷ nguyên mới
Phương thức sản xuất số là phương thức sản xuất tương thích và được hình thành bắt đầu từ khi có cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phương thức sản xuất số được thể hiện ra thông qua việc kiến tạo mô hình phát triển mới cho xã hội - mô hình phát triển dựa trên lợi thế kinh tế tri thức (trí tuệ nhân tạo), tức là thực thi mô hình phát triển đất nước dựa trên sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo, khoa học và công nghệ, của công nghệ số hóa và vốn dữ liệu vào quá trình sản xuất.
Nhận thức rõ vị thế quan trọng bậc nhất của phương thức sản xuất số đối với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, Việt Nam đang tất yếu phải chuyển sang giai đoạn hiện thực hóa và tiến hành triển khai thực hiện một phương thức sản xuất mới - phương thức sản xuất số, để bắt kịp, tương thích và đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.
Mục đích của việc thực thi phương thức sản xuất số này chính là “cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới” .
Hơn lúc nào hết, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã bước vào giai đoạn cách mạng có tính bước ngoặt với việc xuất hiện phương thức sản xuất số, kỷ nguyên số. Đây vừa thời cơ, vận hội và là những thách thức đang đặt ra; đồng thời, cũng là sự định hướng và là trách nhiệm của cả dân tộc Việt Nam nhằm tham gia vào việc hiện thực hóa và triển khai vận hành phương thức sản xuất số, kỷ nguyên số ở Việt Nam.
Chiên Lê