Bỏ lỡ bằng tiến sĩ toán học
Nguyễn Xiển sinh ngày 27/7/1907 ở thôn Trung Mỹ, xã Yên Trường, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên (nay là TP Vinh, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình quan lại. Ông nội là cụ Nguyễn Văn làm quan Thị lang dưới triều vua Hàm Nghi, đã từng cùng vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Giã tính chuyện chống thực dân Pháp. Khi cụ Nguyễn Văn làm chức Án Sát tỉnh Khánh Hòa nổi tiếng là liêm khiết. Xảy đến vụ án một phú hào địa phương giết người, bị án tử hình, người nhà y mang một tráp vàng tới dâng cụ để chạy án, nhưng cụ không nhận và cũng không thay án. Gia đình nó hối lộ lên quan trên thì được xóa án. Thế là cụ Nguyễn Văn treo ấn từ quan về làng dạy học. Cụ tham gia phong trào Văn thân.
GS Nguyễn Xiển. |
Cụ Nguyễn Văn đặt tên cho cháu nội là “Xiển”. Theo lời giải thích thì chữ này có nghĩa là sáng sủa. Ông nội hy vọng cháu sẽ nối được chí hướng của cha ông trên con đường học vấn. Nguyễn Xiển không làm ông nội thất vọng. Năng lực và sự cố gắng đã giúp ông hoàn thành chương trình ở Trường tiểu học Pháp - Việt, rồi Trường Quốc học. Năm 1924, ông ra Hà Nội học Trường Bưởi. Ở đây, ông được các bạn truyền tay nhau cho đọc sách báo bí mật, lần đầu tiên ông được biết về Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu có ý thức về đấu tranh chính trị.
Đầu năm 1926, Nguyễn Xiển tham gia cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh. Ông và những người bạn cùng lớp bị đuổi học. Ông tự học để thi tú tài Tây. Vốn yêu các môn toán nên ông học rất hăng say, học ngày học đêm, học cả ra ngoài chương trình đề phòng bị trù vì đã tham gia bãi khóa. Ông đỗ đầu kỳ thi tú tài ban toán trường thi Hà Nội năm 1928. Đỗ thủ khoa, Nguyễn Xiển được cụ Nghè Phạm Liệu, Tổng đốc và cụ Nghè Nguyễn Khắc Niêm án sát Nghệ An tích cực đề nghị cấp học bổng cùng Hoàng Xuân Hãn sang Pháp học lên. Ông đã chọn Đại học Toulouse, khoa Điện Cơ.
Năm 1930 ông đã đỗ ba bằng cử nhân: toán vi phân, toán tích phân, toán đại cương và cơ học thuần lý. Sau đó ông đoạt thêm bằng cử nhân hạng tối ưu về vật lý. Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, ông được nhà trường giới thiệu lên Paris học ở Viện Toán học Henri Poincarré, trung tâm toán học số một của nước Pháp. Bằng tiến sĩ toán học trong tầm tay của Nguyễn Xiển nhưng ông không kịp hoàn thành vì phải về nước sớm để lo giúp đỡ gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế và chăm sóc cha mẹ già.
Trong cuốn sách GS Nguyễn Xiển, Cuộc đời và sự nghiệp, ông viết: “Năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, một vài bạn học Việt Nam là Đảng viên Cộng sản ở Pháp vận động tôi tham gia phong trào chống thực dân. Tôi đã đề nghị cho tôi tập trung học khoa học cho bằng người, cách mạng sẽ cần khoa học, thời cơ đến tôi sẽ phục vụ cách mạng không muộn. Sau này, tôi đã làm đúng như vậy”. Và suốt cuộc đời, ông đã là một nhà khoa học và nhà hoạt động xã hội phục vụ nhân dân hết lòng.
Trạm Khí tượng Phù Liễn (Hải Phòng), nơi GS Nguyễn Xiển đặt nền móng xây dựng ngành khí tượng Việt Nam. |
Đặt nền móng xây dựng ngành khí tượng
Sau bốn năm du học ở Pháp, về nước Nguyễn Xiển không vào làm quan ở Huế mà ra Hà Nội dạy học, ban đầu dạy toán ở Trường Thăng Long, nơi thầy giáo Võ Nguyên Giáp dạy sử. Năm 1935, ông dạy toán ở Ban Tú tài, Trường Bưởi. Thời Mặt trận Bình dân, Nguyễn Xiển được tuyển làm kỹ sư khí tượng - công việc này đòi hỏi trình độ toán - lý giỏi là hợp với sở trường của ông. Còn những vấn đề chuyên môn về khí tượng, Nguyễn Xiển tự nghiên cứu và sau đó ông có những công trình, những ý tưởng riêng của mình rất có giá trị. Ông là một trong ba trí thức Việt Nam đi vào ngành khí tượng và là người duy nhất trụ lại với bốn mươi năm làm việc. Ông trở thành người đầu tiên xây dựng ngành khí tượng Việt Nam
Thoạt tiên, Nguyễn Xiển được đưa về tập sự ở Đài Khí tượng Phù Liễn xây dựng từ 1902 ở Kiến An (nay thuộc Hải Phòng). Ông được giao trách nhiệm mở lớp quan trắc viên khí tượng để chuẩn bị lập trạm khí tượng ở Hoàng Sa. Năm 1938, ông được điều vào Sài Gòn, đến 1941 ông trở ra Bắc, chính thức nhậm chức kỹ sư phụ trách (giám đốc) Đài Khí tượng Phù Liễn. Hồi đó, dự báo khí tượng hằng ngày chỉ dùng tiếng Pháp. Ông đấu tranh không lý do gì ở trên núi (tức trên đài) làm dự báo, mà ở dưới núi dân Kiến An không hay biết gì. Ông cũng kiên trì đòi đào tạo cán bộ khí tượng người Việt Nam bằng tiếng Việt. Nhưng người Pháp đã trả lời ông rằng, thời gian nào còn có mặt người Pháp ở xứ sở này thì không có chuyện làm khí tượng bằng tiếng Việt.
Từ ấy, Nguyễn Xiển nung nấu ý thức, từng bước xây dựng ngành khí tượng phục vụ Việt Nam, do người Việt Nam đảm đương cả về quản lý và về kỹ thuật. Ông muốn phổ cập khoa khí tượng học và như vậy phải bắt đầu bằng việc xây dựng thuật ngữ khoa học khí tượng nằm trong việc xây dựng thuật ngữ khoa học kỹ thuật tiếng Việt. Để thực hiện ý tưởng đó, ông dành thời gian cộng tác với các ông Hoàng Xuân Hãn, Đặng Phúc Thông, cùng nhau ra tờ báo Khoa học năm 1942.
Ông nhận thấy việc dùng âm lịch cổ truyền theo tập tục chứa đựng nhiều trở ngại trong đời sống thường nhật và trong sản xuất nông nghiệp. Vậy nên ông luôn luôn giữ ý kiến chỉ thống nhất dùng dương lịch theo xu hướng của thời đại, bỏ việc dùng đồng thời cả hai thứ dương lịch và âm lịch, trong trường hợp chưa dùng được thì phải cải cách âm lịch…
Việc tính đối chiếu lại ngày dương lịch và âm lịch từ 1968 trở đi đến hết thế kỷ XX theo lịch mới là một bước cải tạo mà kết quả đưa đến sự kiện Tết Ất Sửu 1985 tới sớm hơn một tháng so với lịch cũ. Ông đã xuất bản cuốn “Vì sao nên dùng dương lịch” năm 1968 cùng với cuốn “Lịch thế kỷ XX”. Ông coi “Lịch là một công cụ về tư tưởng và văn hóa” cần không ngừng cải cách cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Ngành khí tượng do ông lãnh đạo đã duy trì tốt hoạt động trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ cứu nước để phục vụ tốt cho sản xuất và chiến đấu. Ngành đã phát động phong trào chống chiến tranh khí tượng của đế quốc Mỹ. Rồi sau khi thống nhất đất nước, ngành đã nhanh chóng tổ chức mạng lưới hoạt động trên toàn đất nước, từng bước hiện đại hóa.
Theo khoahocvadoisong.vn