Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một điểm du lịch gần gũi với đồng bào ta từ nhiều năm nay. Tọa lạc tại làng An Xá, bên dòng Kiến Giang thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ngôi nhà gỗ 3 gian bình dị là nơi người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm.
Ghé thăm nơi đây, nhiều bạn trẻ như tôi không khỏi cảm động và càng yêu quý hơn người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, số lượng người về thăm nhà lưu niệm Đại tướng cũng hạn chế, hầu hết mọi người tự giác ý thức tuân thủ nguyên tắc 5K trước khi đến đây.
Không gian bình dị nhà Đại tướng
DI YÊN |
Qua những bài giảng, những trang sử hào hùng, tôi được biết đến vị tướng lỗi lạc của dân tộc. Hằng năm, gia đình tôi luôn dành thời gian viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu xuân, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được ghé thăm nhà Đại tướng, cảm xúc trong tôi trở nên khó tả…
Ngôi nhà tranh nhỏ nằm bình dị trong không gian nhiều cây xanh. Tôi chắc chắn, không chỉ riêng mình, nhiều du khách đến đây đều ấn tượng hơn với hàng chè tàu xanh mướt, được chăm sóc cắt tỉa gọn gàng ở lối dẫn vào nhà Đại tướng. Chẳng phải bê tông hay đá đắt tiền, chiếc cổng gỗ lợp mái tranh đậm chất của những ngôi nhà xưa vẫn kiên cường trước những cơn bão, lũ miền Trung khắc nghiệt.
Lối vào nhà Đại tướng với cánh cổng gỗ xưa
DI YÊN |
Năm 1947, ngôi nhà từng bị giặc Pháp đốt phá, sau những ngày thống nhất đất nước, căn nhà chứa nhiều kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng đã được chính quyền địa phương, bà con huyện Lệ Thủy cùng gia đình phục dựng trên nền cũ.
Đến năm 2001, nhà lưu niệm Đại tướng được hoàn thành với 3 gian, 2 chái lợp tranh, nền xi măng… theo nguyên bản ngày xưa. Ngoài ra, các vật dụng gia đình như tủ sách, tấm phản, bộ tràng kỷ, tủ thờ… cũng được trùng tu lại như xưa.
Các bạn trẻ dâng hương tại nhà tưởng niệm DI YÊN |
Giống như tôi, anh Lê Chiêu Hải (31 tuổi, ngụ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cùng người thân vượt hơn 70 km để đến thăm nhà Đại tướng. “Đến thăm nhà Đại tướng, tôi được chứng kiến ngôi nhà gỗ 3 gian, lợp mái tranh bình dị, không đồ sộ như những công trình kỷ niệm khác, nó khác với những gì tôi nghĩ. Ngắm nhìn bức chân dung, những kỷ vật trong nhà, tôi cảm thấy trân quý, càng nể phục vị tướng tài cao”, anh Hải cho biết.
Tương tự, chị Ngô Thanh Trâm, 32 tuổi, từ TP.HCM trở về quê cũng dành thời gian ghé thăm nhà lưu niệm Đại tướng. Với chị, đây là cơ hội để bản thân bày tỏ lòng biết ơn của mình đến ông. “Tôi rất tự hào khi quê hương mình có một vị tướng tài đức vẹn toàn như vậy. Mỗi năm về quê, gia đình chúng tôi đều sắp xếp thời gian ghé thăm nhà Đại tướng, chỉ vừa bước vào chiếc cổng lá đơn sơ, đứng trên sân gạch, lòng tôi đã rung lên những cảm xúc bồi hồi”, chị Trâm chia sẻ.
Đứng giữa ngôi nhà đơn sơ được trưng bày nhiều bức chân dung của “Anh Văn”, cùng nhiều kỷ vật và câu chuyện được phát qua đài radio gắn liền với các dấu mốc lịch sử, những người trẻ chúng tôi cố gắng “ngắm và nghe” thật kỹ, cảm nhận để biết được sự hy sinh của Đại tướng to lớn biết nhường nào.
“Ngôi nhà không đồ sộ nhưng nếp nhà xưa, những bức hình của Đại tướng cùng những kỷ vật trong đó là vô giá. Thắp một nén nhang lên bàn thờ, tôi cảm nhận được sự trang nghiêm và nó đủ để khiến tâm tôi thấy thoải mái”, chị Trâm bộc bạch.
May mắn được gặp bà Trần Thị Vân (ngoài 70 tuổi), tôi được nghe thêm những câu chuyện bên lề trong cuộc sống của “Anh Văn”. Bà Vân là vợ của ông Võ Đại Hàm, một người cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá. Vợ chồng bà Vân được phân công trông coi ngôi nhà hơn 40 năm nay.
Bà Trần Thị Vân bên hiên nhà
DI YÊN |
Bà Vân cho biết, trong quá trình làm lại ngôi nhà, Đại tướng từng có nhiều đề xuất, góp ý bởi ông muốn giữ gìn đúng ngôi nhà xưa, đơn sơ, giản dị. “Vào ngày giỗ của ông, con cháu chúng tôi tự làm và cúng kiếng đơn giản trong gia đình, không mời thêm người ngoài vì rất phiền, điều mà lúc sống ông không hề muốn”, bà Vân cho biết.
Bên cạnh đó, bà Vân còn kể về việc Đại tướng giáo dục cho con cháu lối sống tự thân vận động, không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Theo lời bà, con cháu trong gia đình có nhiều người là dân lao động. “Con cháu học xong sẽ tự tìm kiếm công việc bằng khả năng của mình, như con cái tôi không thi đỗ đại học thì lao động chân tay, tuyệt nhiên không nhờ vả, không đi ra ngoài xưng danh là con cháu cụ Giáp để được hưởng quyền lợi”, bà tâm sự.
Điều đáng tiếc trong lần viếng thăm này là nhiều sách tư liệu và kỷ vật khác đã được đưa đến Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Lệ Thủy bởi mưa lũ hàng năm có thể làm hư hỏng chúng. Thế nhưng, những câu chuyện về vị tướng tài ba cô đọng, được phát qua đài radio trong nhà và lời kể của bà Vân đủ để khiến những người trẻ chúng tôi càng thêm trân quý Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khách viếng thăm lưu lại những dòng cảm xúc DI YÊN |
“Căn nhà đơn sơ, giản dị đã níu giữ chân của tôi đến đây không chỉ để tưởng nhớ, để tri ân mà còn để được nhắc nhở học tập về lối sống không phô trương, sống và làm đúng với đạo đức của con người”, chị Trâm cho hay.
Những kỷ vật ở nhà Đại tướng DI YÊN |
Còn anh Hải chia sẻ: “Những người dân chúng tôi luôn biết ơn sự cống hiến của Bác Giáp và lại càng kính nể hơn trước lối sống giản dị, đơn sơ của ông. Đây ắt hẳn là một địa chỉ tốt để giáo dục lối sống đúng đắn cho những người trẻ như chúng tôi và các thế hệ sau”.
Trước căn nhà nhỏ, trong tôi dâng lên sự biết ơn và tự hào. Thời gian trôi nhưng ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn được gìn giữ với sự giản đơn như chính cuộc đời của ông. Đây là nơi đồng bào ta đến thăm, tưởng nhớ và hướng đến lối sống tích cực, đúng với đạo đức của con người.
Nguồn thanhnien.vn