Trung bình 1 năm có 2.000 vụ bạo hành trẻ em. Nghị định 130 đã quy định những mức phạt cụ thể cho các hành vi bạo lực với trẻ em, gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Đáng nói, đây chỉ là một trong số khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng trong năm qua. Thống kê của Bộ Công an cũng cho thấy 97% vụ việc này do chính bố mẹ, cha dượng, mẹ kế, người thân của các em gây ra. Nạn bạo hành đối với trẻ em chỉ có thể bị đẩy lùi khi cộng đồng thay đổi cách ứng xử với trẻ em, chính từ trong mỗi gia đình phải ngăn chặn những hành vi đánh đập, xúc phạm trẻ.
5 người trực ban ngày, 2 người ban đêm. Tiếng chuông điện thoại liên tục từ bàn của các tư vấn viên của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111. Trung bình 1.400 cuộc gọi mỗi ngày, chủ yếu liên quan đến bạo lực trẻ em trong các gia đình; cả đánh đập và bạo hành tinh thần. Khi có những cuộc gọi trong đêm khẩn cấp bạo hành đang xảy ra, các tư vấn viên sẽ gọi ngay cho công an tại địa phương.
Cũng trong năm 2021, số cuộc gọi tới Tổng đài Bảo vệ trẻ em đã tăng từ trung bình 30.000 cuộc/tháng lên 40.000 - 50.000 cuộc/tháng.
Trẻ em bị bạo hành thường ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chính người thân, bố, mẹ, bố dượng, mẹ kế là những người bạo hành đối với trẻ em trong gia đình, thậm chí có những trường hợp thương tật hoặc tử vong.
Theo các nhà quản lý và chuyên gia, bạo hành trẻ em đang trở nên đáng báo động, với mức độ ngày một nghiêm trọng.
Trong sự việc liên quan đến cái chết của em gái 8 tuổi mới đây; hành vi bạo hành diễn ra ở một chung cư, không ít người hàng xóm đã thấy những dấu hiệu bất thường nhưng lại cho đó là "việc gia đình", là "người lớn dạy dỗ con trẻ"… Chỉ khi hậu quả đau lòng xảy ra, vụ việc mới bị phát giác.
Có rất nhiều vụ bạo hành trẻ đã xảy ra, hàng xóm biết nhưng không thông báo kịp thời với cơ quan chức năng. Đã có nhiều trẻ em chịu bạo hành trong cô đơn và im lặng. Nhiều sự hối hận muộn màng khi người xung quanh chần chừ không lên tiếng.
Để tăng cường bảo vệ trẻ em, Nghị định 130 vừa có hiệu lực từ đầu tháng 1/2022 đã đưa ra các mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng áp dụng cho các hành vi bạo lực với trẻ em, gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt từ 20-25 triệu đồng.
Nguồn VTV