Khát vọng cống hiến là mong muốn đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực để đóng góp cho lợi ích chung, lợi ích của tập thể, cộng đồng, để cùng làm giàu đẹp cho quê hương đất nước. Khát vọng cống hiến là một lối sống đẹp, có ý nghĩa, một lối sống tích cực mà thế hệ trẻ cần rèn luyện, tu dưỡng và trau dồi.
Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc; là người chủ tương lai của nước nhà; lực lượng chính của mọi sự kiến thiết; là nguồn dự bị tin cậy để chúng ta đào tạo những cán bộ tốt cho hiện tại và tương lai của nước nhà... Đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đánh giá vị trí, vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng. Để thực hiện tốt sứ mệnh cao cả này, thế hệ trẻ cần rèn luyện và trau dồi để hình thành cho bản thân một lối sống cống hiến.
Thanh niên có vai trò to lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Ảnh Internet.
Khác với thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”, đối với thế thanh niên, học sinh, sinh viên ngày nay sự cống hiến không chỉ ở những hành động lớn lao, cống hiến không có nghĩa là buộc phải hy sinh, từ bỏ tất cả. Mà cống hiến có thể ở mọi lúc, mọi nơi, cống hiến từ những việc nhỏ bé, giản đơn. Mỗi thanh niên với khát vọng cống hiến có thể bằng việc ra sức học tập, trau dồi kiến thức mọi mặt; không ngừng rèn luyện để hoàn thiện bản thân, tích cực tham gia những hoạt động, phong trào vì tập thể, cộng đồng để đóng góp cho xã hội.
Để hình thành khát vọng cống hiến cho thanh niên, Bộ Giáo dục – Đào tạo, các tổ chức chính trị, xã hội của thanh niên, các nhà trường phổ thông, cao đẳng, đại học đã tổ chức cho thanh niên tham gia những hoạt động thiết thực, cụ thể:
Hoạt động học tập: Bộ Giáo dục – Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng đã tổ chức biên soạn, thẩm định, ban hành tài liệu tích hợp nội dung nhằm hình thành và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, lồng ghép các nội dung trong các môn học lý luận chính trị cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Đối với giáo dục phổ thông, trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã rà soát, tinh giản nội dung dạy học, chú trọng giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống cho học sinh. Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh được thể hiện xuyên suốt qua các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc như: Đạo đức (cấp tiểu học), giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở), giáo dục quốc phòng và an ninh (cấp trung học phổ thông), giáo dục thể chất (ở cả ba cấp học), Tiếng Việt (cấp tiểu học), Ngữ văn (cấp THCS, THPT), giáo dục kinh tế và pháp luật (cấp THPT), Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học), Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT)[1].
Nhiều hình thức học tập, rèn luyện, xây dựng khát vọng cống hiến trong học sinh được triển khai ở nhiều cấp học. (Ảnh Internet)
Đối với giáo dục đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng, nghề nghiệp, việc thực hiện đổi mới việc học tập lý luận chính trị được nhiều trường coi trọng và tiến hành một cách toàn diện. Hiện nay, việc học tập các môn học lý luận chính trị (đầy đủ ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) được cung cấp những căn cứ khoa học cho việc tự xác định lý tưởng sống và trách nhiệm cống hiến của sinh viên đối với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc.
Hoạt động rèn luyện, sinh hoạt ngoại khóa: Ngoài giờ lên lớp, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức cho học sinh sinh viên có điều kiên thuận lợi hơn để hình thành và phát triển khát vọng cống hiến thong qua những hoạt động rèn luyện ngoại khóa như: tham gia lao động, vệ sinh trường học. Theo báo cáo của các sở Giáo dục – Đào tạo, có 85,7% trường phổ thông tổ chức cho học sinh lao động tập thể (trực nhật lớp, chăm sóc cây xanh, vệ sinh khuôn viên nhà trường), trong đó, số trường xây dựng kế hoạch đầu năm và thực hiện lao động thường xuyên là 55%[2]. Thực hiện lồng ghép trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ hằng năm về công tác học sinh sinh viên và giáo dục thể chất; hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp học sinh, sinh viên được định hướng và có lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn để mai sau lập thân lập nghiệp, cống hiến cho quê hương đất nước.
Các trường học ở nhiều địa phương tổ chức xây dựng các mô hình giáo dục sáng tạo, tổ chức các phong trào phù hợp với thực tiễn, các hoạt động tập thể, chương trình giao lưu, gặp gỡ, lôi cuốn được học sinh tích cực tham gia. Cụ thể: các trường trung học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tổ chức mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” được cụ thể hóa như “trường học nông trại”, “trường học đa văn hóa”, “trường học du lịch”, “trường học trong vườn đào”; mô hình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”, xây dựng trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện...; tỉnh Long An: Tổ chức “Học làm người hiếu thảo”, “Học làm người nông dân”, Một ngày làm chiến sĩ”, “24 giờ trong quân đội”, trải nghiệm tại làng nghề, nông trại, trang trại, khu du lịch, công viên,...; Quảng Ninh: Tổ chức cuộc vận động “Cờ hồng nơi biên cương” treo tại cột cờ đảo Ngọc Vừng, đảo Trần; “Hành trình theo dấu chân Bác - Hành trình biển đảo quê hương (10 chuyến/520 đoàn viên kết hợp “3 cùng” tại nhà dân, hỗ trợ dân 20-30 triệu đồng/năm cho dân huyện đảo); tổ chức 80 chuyến/năm cho 40 000 lượt thanh thiếu nhi đến thăm, tặng quà, giao lưu với nhân dân, thanh niên lực lượng vũ trang vùng biên giới, hải đảo[3].
Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua các phong trào cách mạng. (Ảnh Internet)
Đối với các trường đại học, cao đẳng cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho sinh viên tham gia cống hiến sức trẻ như: thanh niên tình nguyện, tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, thanh niên hăng hái tăng gia sản xuất, khởi nghiệp, lập nghiệp; xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới; các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa – uống nước nhớ nguồn… để hướng tới “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong mỏi và kỳ vọng, nhất là thế hệ trẻ nước nhà. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội, là môi trường đoàn kết thân ái để thanh niên có thể chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng, là nơi để thanh niên có điều kiện để cống hiến, trưởng thành. Với vai trò như vậy, tổ chức đoàn ở các trường phải trở thành nơi hướng dẫn, tổ chức các hoạt động thiết thực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thanh niên cống hiên. Thông qua các hoạt động để giáo dục tinh thần sáng tạo và khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh, bồi dưỡng, xây dựng lớp thanh niên có bản lĩnh, tự tin đảm nhận vai trò chủ nhân tương lai của đất nước; ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của quê hương, gia đình, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; đấu tranh với các biểu hiện, hành vi đi ngược với truyền thống dân tộc.
Qua các hoạt động, phong trào thực tiễn, thiết thực đã góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng cho đông đảo thanh niên, giúp đoàn viên thanh niên hun đúc quyết tâm kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, phấn đấu học tập, lao động, rèn luyện, cống hiến cho Tổ quốc.
[1] Thông tư số 32/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, Số: 534/BC-BGDĐT, ngày 08/6/2021.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, Số: 534/BC-BGDĐT, ngày 08/6/2021.
Thu Huyền