Kế thừa những quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, căn cứ thực tiễn nông nghiệp, nông thôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã ở Việt Nam, điều chỉ được quán triệt thực hiện từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới
Quan điểm của Mác-Lênin về mô hình kinh tế hợp tác xã
Mô hình tổ chức sản xuất tập thể - hợp tác xã ra đời trong chế độ tư bản chủ nghĩa, từ thế kỷ XVIII. Đó là những tổ chức liên hợp tự nguyện của những người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, mua bán, tiêu dùng,... nhằm chung sức, chung vốn cùng nhau sản xuất và thụ hưởng những thành quả đạt được.
Nghiên cứu về vấn đề nông dân ở Pháp và Đức trong những năm cuối thế kỷ XIX, Ph.Ăng ghen cho rằng: “Nhiệm vụ của chúng ta đối với tiểu nông trước hết phải hướng quyền sở hữu cá thể và nền kinh doanh cá thể của họ vào con đường kinh doanh hợp tác, không phải bằng bạo lực mà bằng những tấm gương và bằng sự giúp đỡ của xã hội”1.
Ph. Ăngghen cho rằng cần phải hướng dẫn nông dân vào hợp tác xã: “Chúng ta kiên quyết đứng về phía người tiểu nông; chúng ta cố tìm đủ mọi cách để làm cho số phận của họ được dễ chịu hơn, để cho họ chuyển sang hợp tác xã được dễ dàng hơn”2.
Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê nin cũng xác định nguyên tắc quan trọng nhất khi đưa nông dân vào các công xã là nguyên tắc tự nguyện: “Công xã nông nghiệp được lập ra trên nguyên tắc tự nguyện, việc chuyển sang canh tác tập thể cũng chỉ là tự nguyện; về mặt này, chính phủ công nông không thể dùng bất cứ một biện pháp cưỡng bức nhỏ nào cả, và luật pháp cấm điều đó"3.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thử máy cấy lúa cải tiến (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nói về xây dựng kinh tế hợp tác xã
Trên cơ sở chủ nghĩa Mác -Lênin, Hồ Chí Minh cũng đã nhận thức được vai trò quan trọng của hợp tác xã đối với nông dân.
Trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), mặc dù lúc này Việt Nam chưa giành được độc lập, nhưng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã muốn hướng nhân dân lao động Việt Nam đi theo cách tổ chức sản xuất tập thể - hợp tác xã nhằm nâng cao năng xuất lao động và đời sống người dân, giảm bớt sự bóc lột của bọn tư bản và phong kiến, đồng thời để tổ chức vận động, tập hợp nhân dân lao động đấu tranh như các hình thức tổ chức khác của quần chúng.
Để hướng người lao động vào hợp tác xã, Người chỉ ra rằng: “Hợp tác xã là "góp gạo thổi cơm chung" cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”4; Hợp tác xã có nhiều lợi ích cho nên dân các nước làm rất nhiều5. Trong hợp tác xã mọi người giúp đỡ lẫn nhau và “giúp một cách bình đẳng, một cách "cách mệnh" ai cũng giúp mà ai cũng bị giúp”6.
Người chỉ ra rằng, hợp tác xã được tổ chức trong 4 lĩnh vực: tiền bạc, mua, bán và hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất gọi là “hợp tác xã sinh sản”.
Về tổ chức, Người chỉ rằng tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi để lập hoặc không lập, hoặc lập nhiều loại hình hợp tác xã. Những nơi lập các hợp tác như nhau, thì các hợp tác xã ấy nên liên lạc với nhau, thậm chí hai hợp tác xã tính chất khác nhau cũng nên liên kết nhằm hiệu quả tốt hơn.
Từ quan điểm trên, sau khi nước nhà giành được độc lập, cả nước tập trung thực hiện công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, ngày 11/4 /1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến các điền chủ nông gia Việt Nam, nêu rõ quan điểm về vai trò kinh tế nông nghiệp và vai trò của người nông dân trong xây dựng, phát triển đất nước: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”7.
Mô hình cánh đồng lúa 12 tấn/ha tại quê lúa Thái Bình (Ảnh tư liệu)
Người nhấn mạnh vai trò của hợp tác xã nông nghiệp, trong phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân: “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”8.
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm trên thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên phạm vi cả nước, toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, việc phát triển mô hình hợp tác xã bị đình trệ, chỉ có một số ít địa phương lập được hợp tác xã và tổ đổi công.
Sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, thực hiện khôi phục kinh tế, từ cuối năm 1958, miền Bắc từng bước đẩy thực hiện xây dựng mô hình hợp tác xã9.
Ngày 02/3/1958, nói chuyện với nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí nêu rõ nguyên tắc trong xây dựng hợp tác xã là trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, công bằng: “Muốn xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã được tốt phải đoàn kết, phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý”10.
Người đồng thời cầu Ban Quản trị hợp tác xã phải luôn luôn đi sát, chi bộ và huyện, tỉnh, khu phải giúp đỡ, lãnh đạo. Khi đã thành lập được hợp tác xã cần phải thể hiện rõ hiệu quả sản xuất mạng lại và thường xuyên rút kinh nghiệm: “Mỗi khi làm xong một việc phải rút kinh nghiệm. Cái gì tốt phải phổ biến, đề cao, cái gì xấu phải bảo nhau tránh”11.
Như vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng kinh tế hợp tác xã đã tiếp thu quan điểm của các nhà kinh điển Mác-Lênin, đều xác định trong xây dựng hợp tác xã cần phải dựa trên tinh thần tự nguyện của nhân dân, thuyết phục nhân dân tham gia hợp tác xã trên cơ sở dân chủ, công bằng hợp lí, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo và phải thường xuyên rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời, phát huy cái đúng, điều chỉnh, loại bỏ cái cái sai, cái bất hợp lý.
Tuy nhiên, những quan điểm này sau đó đã không được quán triệt thực hiện một cách nghiêm túc trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp.
Từ cuối năm 1958, các địa phương miền Bắc bắt đầu thực hiện rầm rộ đưa các hộ nông dân vào hợp tác xã và cơ bản hoàn thành công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp sau vài năm. Trong quá trình thực hiện, đã không tuân theo những quan điểm nêu trên của các nhà kinh điển Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nguyên tắc tự nguyện. Điều đó đã làm méo mó mô hình hợp tác xã, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người nông dân. Tình trạng này kéo dài trpng suốt những năm 1958-1975 và tiếp tục diễn ra tại miền Nam sau khi đất nước thống nhất. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã không phát huy được tác dụng, ngược lại, còn làm cho sản xuất nông nghiệp có những bước thụt lùi, góp phân ftạo ra cuộc khủn ghoảng kinh tế-xã hội trầm trọng, kéo dài trước đổi mới.
Trước thực trạng đó, trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, phù hợp với thế giới và điều kiện của Việt Nam, trong đó Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (từ ngày 04 đến 10/5/2022) đã thảo luận và ra Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Đến năm 1945, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới12.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng nhấn mạnh phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên hăng say làm việc, lao động tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước13.
Hải Đăng
_________________________
1, 2. Các Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 22, tr. 736, 738-739
3. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1977, t. 38, tr. 35.
4, 5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 343, 346, 344
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.246.
9. Đến giữa năm 1958, toàn miền Bắc có 134 hợp tác xã nông nghiệp, 41% tổng số hộ nông dân tham gia tổ đổi công.
10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 358, 359