Đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh của phe dân chủ chống phát xít
Trở lại ngày 19 tháng 5 năm 1941, ngày Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời thực hiện "Toàn dân đoàn kết”, "đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”; đồng thời, "Mật thiết liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản trên thế giới". Sáng lập Mặt trận Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở đầu việc thiết lập quan hệ với phe Đồng Minh, đưa dân tộc Việt Nam vào hàng ngũ các lực lượng trên toàn thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Giữa năm 1941, sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “nhân dân Liên Xô nhất định sẽ chiến thắng. Việt Nam ta cũng đứng ở trong phe dân chủ mới, ủng hộ Liên Xô chống lại phát xít” . Sau khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo "Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng” (21-12-1941) nêu rõ sách lược hợp tác có nguyên tắc với các lực lượng Đồng minh, trên cơ sở phát huy điểm tương đồng là cùng chống phát xít. Ngày 1-1-1942, Mặt trận Đồng minh chống phát xít được thành lập, ra Tuyên ngôn Liên hợp của các dân tộc, quyết đốc toàn lực lượng vào cuộc chiến tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc coi việc quân Đồng minh đánh Nhật ở Đông Dương là một cơ hội để "nhân dân cả nước ta từ trên xuống dưới, từ giàu đến nghèo, phải cùng nhau góp sức, đấu tranh tự giải phóng để tìm đường sống”. Người viết: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định sẽ thắng, Đức nhất định sẽ bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập tự do”.
Chủ động giao thiệp và hợp tác có nguyên tắc với Trung Hoa dân quốc
Để tranh thủ hợp tác với Trung Hoa dân quốc, ngày 13-8-1942, với danh xưng Hồ Chí Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh . Ông bị chính quyền Trung Hoa dân quốc vô cớ bắt giam 14 tháng. Sau khi được trả tự do (9-1943), Người tiếp xúc với một số tướng lĩnh trong Chính phủ của Trung Hoa dân quốc, tham gia một số hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Theo yêu cầu của tướng Trương Phát Khuê, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận chức Phó Chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội, vì muốn thông qua đó để liên hệ với các tướng lĩnh của Trung Hoa dân quốc khi họ đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Cuối tháng 2-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh dự Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam cách mạng đồng minh hội; đề nghị mở rộng thành phần Đại hội, trong đó có đại biểu của Việt Minh và các tổ chức của Việt Minh ở trong nước tham dự. Tháng 3-1944, với tư cách đại biểu của Việt Minh, Hồ Chí Minh dự Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Lễ đường Bộ Tư lệnh Chiến khu IV ở Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Trong Báo cáo của Phân hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược, Người bày tỏ hy vọng đoàn kết thực sự các lực lượng cách mạng Việt Nam, tranh thủ sự giúp đỡ ở nước ngoài làm cho “sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ sớm thành công”. Cũng tại Đại hội này, lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định: “Mọi người đều phải theo trào lưu cách mạng thế giới: Nước Trung Quốc Tam dân chủ nghĩa, nước Anh đế quốc chủ nghĩa, nước Nga Xôviết cộng sản chủ nghĩa, nước Mỹ tư bản chủ nghĩa đều có thể hợp tác với nhau để chiến thắng quân thù… Việt Nam là bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”, do đó, phải “mở rộng khối đoàn kết toàn dân để đạt tới mục đích: Bên trong có lực lượng của mình, bên ngoài tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là của Trung Quốc, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc” .
Như vậy, trong quan hệ giữa Việt Minh với Trung Hoa dân quốc, một mặt Hồ Chí Minh nhận thấy điểm tương đồng trong mục tiêu chống phát xít cần khai thác để hạn chế mặt tiêu cực của họ; thực hiện phương châm “thêm bầu bạn bớt kẻ thù”, xem đó như một điều kiện để tranh thủ các nước Đồng minh, nhưng mặt khác cũng thấy rõ bản chất và ý đồ xâm lược Việt Nam của Trung Hoa dân quốc, để có đối sách phù hợp.
Thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác với Mỹ chống quân phiệt Nhật Bản
Từ cuối năm 1943, quân Đồng minh phản công trên khắp các mặt trận. Tháng 11-1943, tại Hội nghị Teheran với sự tham gia của nguyên thủ ba nước Liên Xô, Mỹ và Anh, Tổng thống Roosevelt bày tỏ quan điểm sau khi quân Đồng minh đánh thắng phát xít, “Đông Dương có thể sẽ được tách ra khỏi nước Pháp và đặt dưới sự uỷ trị quốc tế”. Phát hiện thấy mâu thuẫn giữa Mỹ với Anh – Pháp trong vấn đề Đông Dương, lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trương tranh thủ sự đồng tình của Mỹ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Đầu năm 1945, Hồ Chí Minh tiếp trung uý Sao (Shaw) do máy bay rơi ở Cao Bằng, được Việt Minh cứu thoát khỏi sự lùng bắt của quân Pháp và quân Nhật, rồi trực tiếp giúp đưa viên phi công trở về đơn vị ở Côn Minh. Trong các tháng 3 và 4-1945, tại Côn Minh, nhân danh Việt Minh, Hồ Chí Minh tiếp xúc với người Mỹ. Trong cuộc gặp Tướng Sênôn, tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam, Hồ Chí Minh khẳng định bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng minh. Trong cuộc gặp A. Patti, Người nói Việt Minh sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào người Mỹ thấy thích hợp. Khi được hỏi về nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Việt Minh và những chi tiết về tổ chức này, Người trả lời: “Việt Minh không phải là một đơn vị mà là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, là những tổ chức của công nhân, nông dân hoạt động tại các địa phương và có thể liên lạc từ Sài Gòn đến Cao Bằng” . Kết quả của các cuộc gặp gỡ là phía Mỹ nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc, người sử dụng các phương tiện ấy và huấn luyện cho người Việt Nam sử dụng chúng.
Đầu tháng 5-1945, trước khi về nước, Hồ Chí Minh gửi cho A. Patti một bức thư cùng hai tài liệu đề nghị chuyển cho phái đoàn Mỹ ở Hội nghị Liên hợp quốc, kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Ngày 9-5-1945, Hồ Chí Minh viết một lá thư gửi Sáclơ Phen và Bécna, cảm ơn sự giúp đỡ của người Mỹ đối với Việt Minh và bày tỏ hy vọng những người của Việt Minh sẽ học được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác “cho cuộc đấu tranh chung chống Nhật của chúng ta”. Giữa tháng 5-1945, Hồ Chí Minh yêu cầu Trung uý Giôn (John), báo vụ của cơ quan OSS, điện về Côn Minh đề nghị thả dù cho một quyển Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Giữa tháng 6-1945, qua một số lần trao đổi với A. Patti, Hồ Chí Minh đến xóm Lũng Cò (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) khảo sát địa hình và và tìm hiểu về mọi mặt, chọn địa điểm làm sân bay để đón quân Đồng minh.
Chiều ngày 17-7-1945, Đội “Con Nai” gồm 5 người do thiếu tá tình báo Mỹ E. Tômát phụ trách nhảy dù xuống Tân Trào, Tuyên Quang (trong Khu Giải phóng Việt Bắc), được Việt Minh đón tiếp nồng nhiệt và chu đáo, mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn. Trong cuộc thảo luận với Thiếu tá Tômát, lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định Mặt trận Việt Minh là tổ chức với mục đích duy nhất là đánh đổ tất cả các chính quyền nước ngoài và đấu tranh cho tự do và độc lập hoàn toàn của nước Việt Nam. Người cũng nhấn mạnh sự bất bình của nhân dân Việt Nam đối với người Pháp .
Đầu tháng 8-1945, Hồ Chí Minh tuyển lựa 200 du kích để Đội “Con Nai” huấn luyện sử dụng súng cácbin, M.A.S, tiểu liên Tômxơn, Badoca, cối và lựu đạn. Ngày 6-8-1945, qua điện đài của nhóm Tômát, Hồ Chí Minh biết Mỹ đã ném bon nguyên tử xuống thành phố Hirôsima của Nhật Bản. Trong những ngày hết sức khẩn trương chuẩn bị và phát động tổng khởi nghĩa, trước nguy cơ quân Pháp trở lại xâm lược và quân Đồng minh chuẩn bị vào Đông Dương theo quyết định của Hội nghị Posdam (7-1945), sau khi họp Hội nghị toàn quốc của Đảng (14 và 15-8-1945), Hồ Chí Minh nhờ Trung uý Giôn gửi về Bộ Tổng hành dinh của Mỹ bức điện: “Uỷ ban dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng: Chúng tôi đã đứng về Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn”. Mặc dù lúc này phía Mỹ thay đổi thái độ, bật đèn xanh cho Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, ngày 18-8-1945, Hồ Chí Minh vẫn viết thư cho Sáclơ Phen, bày tỏ tình cảm với những người bạn Mỹ, đồng thời khẳng định rằng, “sớm hay muộn chúng tôi cũng sẽ đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập”. Cùng ngày, trong thư gửi Ph. Tam, Hồ Chí Minh viết: “Ông hãy tin rằng chúng tôi đã chiến đấu và sẽ chiến đấu cho tới khi chúng tôi đạt được cái mà chúng tôi mong muốn: Độc lập dân tộc”. “Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó!” .