Hồ Nguyên Trừng - người có công sáng chế ra súng thần công
Hồ Nguyên Trừng, con cả của Hồ Quý Ly không chỉ là vị tướng tài mà còn là một công trình sư lỗi lạc, được coi là ông tổ của nghề đúc súng thần công Việt Nam. Việc ông lập một phòng tuyến chống giặc bắt đầu bằng cứ điểm then chốt Đa Bang (Ba Vì) kéo dài theo bờ Nam Sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh (Nam Hà) rồi lại tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400 km, đã tỏ rõ ông là nhà quân sự kiệt xuất. Hồ Nguyên Trừng cũng sáng tạo ra cách đánh độc đáo: ông cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng hỏa lực mạnh, từng khiến cho thủy binh giặc nhiều phen khiếp đảm. Tuy vậy, nói đến Hồ Nguyên Trừng người ta thường nhắc nhiều đến công sáng chế ra súng “thần cơ” của ông.
Thời ấy, do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, muốn có nhiều súng trang bị cho các thành trì và các hạm đội, Hồ Nguyên Trừng đã phải gấp tổ chức những xưởng đúc súng lớn. Nhờ thông minh tuyệt vời và khả năng suy nghĩ phi thường, Hồ Nguyên Trừng đã đúc kết những kinh nghiệm cổ truyền, trên cơ sở đó, phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá sấm sét. Từ việc cải tiến súng, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng “thần cơ”.
Về người chế tạo thứ vũ khí này, sử sách đời Minh cho biết: “Trừng dâng cách chế tạo súng thần”, “Trừng chuyên đôn đốc chế tạo súng, tiễn, thuốc súng”, “Trừng chuyên quản hoả khí, quân khí”, “Triều ta dùng hoả khí chống địch là loại chiến cụ hàng đầu xưa nay mà sự nhẹ nhàng thần diệu của nó thực là mới lấy được khi Văn Hoàng đế bình Giao Chỉ, tức dùng Lê Trừng, con vua nước Việt, tướng quốc nguỵ làm quan bộ Công chuyên trách đôn đốc chế tạo, truyền hết tài năng”.
Dấu ấn của súng thần công ở thế kỷ XV
Theo các nhà quân sự, súng “thần cơ của Hồ Nguyên Trừng có đầy đủ các bộ phận của loại súng “thần công” ở những thế kỷ sau này. Súng có nhiều loại, loại nhỏ dùng cho bộ binh bắn xa khoảng 700 m. Loại lớn là “thần cơ pháo” đặt cố định bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo vận chuyển.
Cấu tạo súng thần công bao gồm: Thân súng dài 44 cm, nòng súng dài 5 cm, trục quay, thước ngắm, lỗ điểm hỏa, khối hậu. Trong đó khối hậu được đúc kín chứa thuốc nổ, nòng súng chứa những trái đạn, trục quay để điều chỉnh góc bắn, lỗ điểm hỏa để châm ngòi và thường được gắn thân bánh xe ở trục quay để cơ động.
Vào lúc thế giới đang còn thai nghén về súng đại bác thì súng “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng là một sáng chế vĩ đại. Dù Trung Quốc là nơi phát minh ra thuốc súng nhưng trong cuộc xâm lược Đại Việt, quân Minh vẫn không tránh khỏi nỗi kinh sợ trước hỏa lực của “thần cơ thương pháo”, khi chiếm được những khẩu pháo này họ rất đỗi kinh ngạc và khâm phục vì “thần cơ thương pháo”, có nhiều ưu thế hơn hẳn vũ khí của quân Minh. Họ nhanh chóng chở những cỗ “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng về nước, dùng súng Thần An Nam khi đánh với Mông Cổ.
Minh sử chép: Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ được coi là vũ khí nhất thiên hạ... Súng “thần công” có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến (Trương Tú Dân).
Sau khi thất bại trong cuộc kháng chiến chống Minh. Năm 1407, 17.000 người Việt gồm gia quyến quan tướng họ Hồ và quân lính Đại Việt bị đưa về Nam Kinh, Trung Quốc. Vì tính mạng của cha (Hồ Quý Ly) nên Hồ Nguyên Trừng buộc phải phục vụ cho nhà Minh trong việc trông coi xưởng đúc súng.
Minh sử đánh giá cao công lao của Hồ Nguyên Trừng “đánh thắng địch là dựa vào súng thần”. Sau khi ông qua đời, vua nhà Minh sắc phong làm “Thần hỏa khí”, mỗi khi tế súng đều phải tế Hồ Nguyên Trừng. Trong "Vân đài loại ngữ", Lê Quý Đôn viết: "quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng".
Tuy không thể góp công đánh bại quân Minh xâm lược nhưng súng thần công của Hồ Nguyên Trừng đã mở ra sự phát triển quan trọng trong lịch sử quân sự người Việt.
Tổng hợp