Trước lời kêu gọi giúp đỡ của TPHCM, không chỉ sinh viên nam mà các sinh viên nữ của trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cũng tình nguyện "xung trận", bước vào một cuộc chiến không phân biệt về giới. Những nữ sinh tuổi đôi mươi ấy dường như đã "chai lì" với những nỗi vất vả, khó khăn, nguy hiểm bởi ngay từ đầu, chính họ là người tự nguyện viết đơn đăng ký tham gia chống dịch.
"Đi từng nhà, rà từng người"
Vừa hoàn thành cách ly, trở về nhà sau 2 tháng chống dịch ở Bắc Giang, Bùi Phương Lan - sinh viên năm ba, khoa Điều dưỡng, trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cho hay: "Nhận được thông báo của nhà trường không chút đắn đo, mình lập tức đăng ký. Bố mẹ sau khi nghe tin thì cũng phản đối bởi "người ta đi trốn dịch chứ ai lại đi vào tâm dịch".
Với khẩu hiệu: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", bản thân là một công dân Việt Nam và mang trong mình sức mạnh của tuổi trẻ, còn là một sinh viên của trường Y, Lan không thể làm ngơ đứng nhìn đất nước mình rơi vào tình cảnh nguy hiểm, nhất là trong đại dịch Covid-19 này, nên cô nàng đã không ngần ngại mà tiếp tục hành trình, đã tình nguyện tham gia chống Covid-19 tại Sài Gòn sau khi kết thúc tình nguyện tại Bắc Giang, với hy vọng chung tay đánh tan dịch bệnh nguy hiểm này.
Thế nhưng, mặc lời can ngăn, đặt chân đến TPHCM lúc 10h tối, cô gái ấy mới thực sự "thấm" trách nhiệm của mình trước sự lặng im của thành phố. "Mình từng mơ ước được đến đặt chân tới đây một lần bởi sự hoa lệ của nó khiến mình tò mò. Thế nhưng, chẳng thể ngờ rằng ước mơ đó lại được thực hiện trong hoàn cảnh thật éo le…", Lan cho hay.
Với kiến thức đã được học cùng sự hướng dẫn của các bác sĩ, ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ tại Quận 1, Phương Lan được phân vào đội lấy mẫu gồm 6 người. Công việc của Lan là đi đến từng nhà lấy mẫu xét nghiệm test nhanh cho những đối tượng nguy cơ cao. Mỗi ngày nhóm Lan lấy khoảng 200 - 300 mẫu tùy vào vùng dịch.
Nếu như hộ dân ở xa, công việc này cũng không hề nhẹ nhàng. Lan và mọi người sẽ phải di chuyển cùng các cán bộ tại HCDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM) bằng xe ô tô. Một ngày làm việc kéo dài đến 10 tiếng.
Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng nguy hiểm bởi Lan phải đối mặt với rất nhiều trường hợp F0, F1. Thế nhưng nỗi lo của cô gái dũng cảm đó không phải là việc bản thân bị mắc Covid-19 mà là việc mình trở thành nguồn lây nhiễm virus nguy hiểm cho cộng đồng.
"Mọi người hỏi, mình có sợ không? Nếu trả lời là: Không, thì là lời nói không thật. Bởi phía sau, mình còn bố mẹ, còn tuổi trẻ và tương lai. Nhưng đã là một sinh viên trường y nên mình ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong giai đoạn khó khăn này. Bằng cách này hay cách khác, mình muốn góp sức vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh", Lan chia sẻ.
Khi được hỏi về khó khăn, Lan kể: "Tham gia công việc, nhiều khi mình không có khái niệm về "thời gian", không thể nhớ rõ hôm nay là thứ mấy, ngày nào, là đầu tuần hay cuối tuần bởi số lượng người test Covid-19 rất nhiều, nhiều khi gặp những người không thực sự hợp tác thì mình phải khéo léo thuyết phục và ứng biến trong giao tiếp.
Hơn nữa, việc phải mặc đồ bảo hộ suốt một ngày trời được xem là một cực hình đối với mình, đặc biệt là những ngày trời nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, hơi thở che mờ hết cả kính, hơn nữa còn phải nhịn đi vệ sinh 3-4 tiếng, bởi nếu cởi ra thì phải thay bộ khác".
"Mình thấy dù là nam hay nữ, ai cũng như nhau. Quan trọng nhất là luôn phải có mặt tại những thời điểm quan trọng, những nơi khó khăn, nguy hiểm để có thể giúp đỡ mọi người", Phương Lan chia sẻ.
Lan cũng cho biết thêm: "Bình thường, ai có người yêu có thể gọi 3,4 cuộc. Nhưng giờ có khi còn chẳng có thời gian nhắn tin cho người yêu hay gia đình. Đổi lại sự quan tâm của thầy cô, bạn bè xung quanh, cùng ăn cùng ngủ với nhau như một gia đình cũng khiến mình thấy cảm thấy được an ủi phần nào".
Tham gia vào cuộc chiến này, trái với cảm giác mệt mỏi và nguy hiểm, cô gái ấy lại tìm thấy hạnh phúc từ những điều giản đơn, đó là nụ cười của người bệnh, sự an toàn của người dân, sự lạc quan của những "đồng đội".
"Mình thấy mình lớn hơn, được sống như những đóa hoa thơm bởi công việc tình nguyện này chính là bài học trực quan, sinh động và thực tiễn nhất trong cuộc đời sinh viên", Lan tâm sự.
Chỉ biết vỏn vẹn 3 chữ "mẫu bệnh phẩm"
Lên đường vào TPHCM, hành trang mà Lan mang theo chỉ là balo áo quần và một ít đồ phòng dịch do nhà trường trang bị, thế nhưng cô nữ sinh năm 3 trường Y ấy đã "lên dây cót tinh thần" là đi đến ngày thành phố hết dịch mới về.
"Hàng ngày, bọn mình phải đi đến từng nhà lấy mẫu test Covid. Mỗi trường hợp sẽ lấy hai mẫu là dịch tỵ hầu và dịch họng rồi cho vào ống nghiệm, đóng gói và vận chuyển để xét nghiệm. Rất mệt nhưng đây quả thực là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời sinh viên. Hơn nữa, đâu phải ai cũng được trải qua những tháng ngày lịch sử này", Lan chia sẻ.
Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng Lan và các bạn luôn động viên nhau phải chiến thắng dịch bệnh: "Có những lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc và về nhà để ngủ một giấc thoải mái nhưng mình sẽ ngủ không ngon khi trong tâm trí lúc đó chỉ nghĩ đến vỏn vẹn 3 chữ "mẫu bệnh phẩm". Khi đó chúng mình lại động viên nhau, tạo cho nhau thêm hy vọng".
Một kỉ niệm khó quên của Lan có lẽ là việc bản thân bị "sốc" ngôn ngữ. "Có lẽ vì sự khác biệt trong cách nói của mỗi vùng miền nên ban đầu mình còn không nghe được người dân nói gì. Nhiều khi bảo họ nói to lên thì còn bị hiểu nhầm là "la mắng". Thế nhưng sau nhiều lần tiếp xúc, bây giờ khéo mình còn nói được giọng y như người miền Nam", Lan tươi cười chia sẻ.
Điều khiến Lan cảm thấy hạnh phúc là nhiều khi đến từng hộ xét nghiệm, người dân lại mang cho cô và các bạn sinh viên mẩu bánh mì với ánh mắt trìu mến: "Ăn đi mà có sức, mọi người cần các cháu".
Lan cho biết, việc lấy mẫu này giúp cho cô cùng các bạn được học, được thực hành trực tiếp và chính là một cơ hội lớn để có thể trưởng thành hơn trong tâm dịch.
Có lẽ những lời hỏi han, động viên đó đã khiến cho không chỉ Lan, mà hơn 1.500 giảng viên cùng sinh viên các khoa khác của trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai thêm ý chí, nghị lực để cùng nhau lan tỏa nhiệt huyết tuổi trẻ bằng những hành động và việc làm đầy ý nghĩa thể hiện đúng tinh thần tri thức và nhân ái của sinh viên ngành y.
Có thể thấy, đây là một trận chiến không cân sức giữa một bên là dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, hết lần này đến lần khác với một bên là những con người bình thường nhưng mang trong mình sức mạnh và ý chí kiên cường. Tất cả đều đồng lòng quyết tâm chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Nguồn Dantri