Thúc đẩy đầu tư sản xuất
Để khống chế được đại dịch, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu 70% đến 75% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong năm nay và đầu năm 2022. Hiện tại, nước ta đã đặt mua 170 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 từ nhiều hãng trên thế giới, nhưng phải chấp nhận điều kiện có thể giao hàng không đúng thời hạn. Trong khi đó, nước ta mới có khoảng 140 nghìn người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Để bảo đảm bao phủ vắc xin trong cộng đồng, Bộ Y tế đã, đang khẩn trương đàm phán để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 từ nhiều nước trên thế giới.
Thực tế, nước ta cũng đã sản xuất được 11 loại vắc xin phòng các bệnh phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, sởi, rubella, bại liệt và nhiều loại vắc xin khác, như: Cúm mùa, cúm H5N1, rotavirus. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý vắc xin (NRA).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc thúc đẩy đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ vắc xin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết. Khi đó, Việt Nam có thể chủ động sản xuất vắc xin phục vụ nhu cầu trong nước cũng như cung cấp cho thế giới. Từ đó tiến tới tăng độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, giúp ổn định đời sống kinh tế - xã hội.
“Trước bối cảnh cả thế giới đang “khát” vắc xin phòng Covid-19, các nhà sản xuất cần mở rộng, nâng cao năng suất của mình. Việt Nam cũng có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới cùng hợp tác...”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin sử dụng cho người, hầu hết các loại vắc xin đã được chuyển giao công nghệ ở Việt Nam đều theo hai hình thức. Thứ nhất, là hình thức một phần, có nghĩa là cử cán bộ đến nơi sản xuất để được đào tạo, rồi sau đó tự nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước. Thứ hai, là toàn phần, tức là nhà sản xuất giúp Việt Nam từ đào tạo nhân lực, hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, đến lắp đặt vận hành dây chuyền sản xuất… Dù theo hình thức nào thì năng lực tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ của đội ngũ cán bộ trong nước đều đáp ứng tốt. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí đầu tư công nghệ ban đầu.
Sớm tự chủ về vắc xin phòng Covid-19
Với nguyên tắc đa dạng hóa các nguồn công nghệ, thực hiện nhanh nhất hoạt động chuyển giao, sản xuất vắc xin để ngăn chặn dịch Covid-19 cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất hiện nay (công nghệ mRNA) để sản xuất tại Việt Nam, đồng thời mua và chuyển giao các công nghệ tiềm năng khác. Bộ Y tế với sự đồng hành của các nhà sản xuất vắc xin trong nước, các doanh nghiệp có đủ năng lực, tâm huyết quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước có thể tự chủ về vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
Hiện tại, Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam. Đặc biệt, Vabiotech cũng đã ký thỏa thuận với quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin phòng Covid-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm, với quy mô 5 triệu liều/tháng, bắt đầu từ tháng 7-2021. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vabiotech Đỗ Tuấn Đạt cho biết, để gia công đóng ống vắc xin Sputnik-V, công ty phải bảo đảm tiêu chuẩn rất cao, không những đáp ứng yêu cầu của đối tác, mà còn phải được đánh giá chất lượng bởi cơ quan quản lý của Nga. Công ty cũng đã lên phương án mở một nhà máy để đóng ống và sản xuất vắc xin với quy mô 100 triệu liều/năm.
Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin Nguyễn Ngô Quang, một tập đoàn lớn của Việt Nam cũng đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 (công nghệ mRNA). Vắc xin này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5mg, có khả năng bảo vệ cao (dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2), có nhiệt độ bảo quản từ 2 độ C đến 8 độ C. Nhà máy do tập đoàn này đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm. Dự định bắt đầu sản xuất từ quý IV-2021 hoặc đến quý I-2022.
“WHO đang tìm cách mở rộng năng lực và quy mô sản xuất vắc xin tại các nước thu nhập thấp, trung bình nhằm kiểm soát đại dịch. Nếu trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin phòng Covid-19, Việt Nam sẽ đóng góp cho nguồn cung trong nước cũng như khu vực và thế giới”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park mong muốn.
Theo Hanoimoi.com.vn