Dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị khiến LHQ thận trọng khi đề ra phương hướng hoạt động mới |
Trước tình hình này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tập trung đưa ra hai sáng kiến lớn cho dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, thay vì đưa ra tuyên bố về một chương trình cải tổ táo bạo. Thứ nhất là giành được sự ủng hộ liên chính phủ để ra tuyên bố chung về các nguyên tắc ủng hộ hợp tác đa phương, một vấn đề mà chính quyền Tổng thống Trump gần như đã lờ đi từ lâu. Thứ hai là tiến hành tham vấn với xã hội dân sự toàn cầu về phương hướng hoạt động của LHQ trong 25 năm tiếp theo. Kết quả tư vấn khảo sát này sẽ được trình bày trước các nước thành viên LHQ vào kỳ họp tháng 9 tới.
Đây là hai vấn đề khá khiêm tốn nếu so với những đề xuất cải tổ mạnh mẽ và sâu rộng mà một trong những người tiền nhiệm của ông Guterres là ông Kofi Annan đã đưa ra vào năm 2005. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến ông Guterres phải thận trọng. Tình trạng đối đầu Mỹ-Trung đã ảnh hưởng rõ rệt đến quan hệ ngoại giao trong hệ thống LHQ. Hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố kế hoạch rời bỏ WHO với lý do tổ chức này ủng hộ Trung Quốc quá mức. Chính vì vậy, chiến lược tối ưu nhất cho ông Guterres là duy trì tình hình như hiện nay cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới ngã ngũ.
Vào ngày 21/9 tới, lãnh đạo thế giới sẽ họp trực tuyến phiên đặc biệt có tiêu đề “Tương lai chúng ta muốn, tổ chức LHQ chúng ta cần: Khẳng định lại cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương” và các nhà lãnh đạo sẽ chính thức thông qua tuyên bố chính trị mà các thành viên LHQ đã thông qua hồi đầu tháng 7 sau nhiều vòng thảo luận. Trong bối cảnh môi trường chính trị ngoại giao ở LHQ hiện nay, việc thông qua được tuyên bố chính trị này có thể được coi là một thành công. Tuyên bố tầm nhìn dài 4 trang này sẽ tái khẳng định sự cần thiết của hợp tác quốc tế và cam kết của các nước thành viên LHQ về việc thực hiện các mục tiêu rộng lớn hơn, gồm Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, giải quyết nhiều vấn đề từ bình đẳng giới, nhân quyền, cho đến chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngoài các cuộc đàm phán liên chính phủ, Ban Thư ký LHQ hiện đang dẫn dắt tiến trình tham vấn với các tổ chức xã hội dân sự trên thế giới kể từ tháng 1/2020 về đường hướng hoạt động của LHQ trong 25 năm tới và Tổng Thư ký sẽ báo cáo kết quả trước LHQ vào tháng 9.
Những hoài nghi về nỗ lực của LHQ và tầm ảnh hưởng của LHQ tới ngoại giao cấp cao toàn cầu trong một kỷ nguyên chính trị phân cực như hiện nay là điều dễ hiểu. Thế nhưng, việc nhận thức rõ ràng hơn vấn đề toàn cầu nào thực sự quan trọng, không chỉ ở cấp quan chức lãnh đạo, giới chuyên gia, mà còn ở cấp công dân ở khắp nơi trên thế giới, vẫn là điều mang giá trị cốt lõi. Điều này càng đúng hơn trong bối cảnh hiện nay, khi mà các phong trào xã hội thậm chí có ảnh hưởng tới các xu hướng của mỗi nước và trên thế giới nhiều hơn ảnh hưởng của các chính phủ có chủ quyền và các tổ chức quốc tế.
Tuyên bố về các nguyên tắc hợp tác của LHQ và nỗ lực của LHQ tiến hành tư vấn với các tổ chức toàn cầu nhằm tìm hướng đi cho LHQ trong thời gian tới không phải là những bài thuốc “chữa được các căn bệnh” của thế giới hiện nay mà đúng hơn đây là nỗ lực của LHQ nhằm “chẩn đoán căn bệnh” của thế giới. Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay thì việc đạt được sự đồng thuận cơ bản, cả ở cấp độ lãnh đạo và cấp độ công chúng về sự cần thiết phải có hành động đa phương để giải quyết các vấn đề lớn nhất của thế giới và về những nguyên tắc để hợp tác đa phương, là hết sức cấp thiết.