Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX ghi nhận lực lượng trí thức nhạy bén với cái mới tiến bộ, sớm bắt nhịp xu hướng thời đại, đón nhận và tin theo đường lối cách mạng vô sản. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức mới phát triển, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng. Trong đội ngũ trí thức yêu nước, từ bỏ danh lợi, đi theo cách mạng, cống hiến trí tuệ cho đất nước, cho nhân dân, tiêu biểu là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát
Huỳnh Tấn Phát là một kiến trúc sư có tài, là một nhà trí thức yêu nước lớn. Ông tham gia nhiều phong trào, nhiều tổ chức của trí thức, của nhiều tầng lớp nhân dân để giác ngộ và đưa họ vào các hoạt động yêu nước. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một nhà trí thức có uy tín lớn, một đảng viên kiên cường, tận tuỵ với cách mạng, có tinh thần đoàn kết rộng rãi, tập hợp được trí thức và mọi tầng lớp quần chúng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ảnh hưởng từ truyền thống của quê hương, đất nước
Truyền thống văn hóa, yêu nước lâu đời của quê hương Bến Tre đã tạo nên nhân cách, tài năng và phẩm chất cao quý của người trí thức lớn, nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát. Truyền thống của quê hương Bến Tre được hình thành và phát triển trải qua hàng nghìn năm lao động cần cù, dũng cảm khai cơ mở đất và đấu tranh chống ngoại xâm của các thế hệ cha ông. Đời này qua đời khác các thế hệ người Bến Tre đoàn kết, tồn tại và phát triển trước thiên nhiên khắc nghiệt, làm nên những trang sử sáng ngời của một thời khai hoang, đào kênh, mở đất. Quá trình lao động, xây dựng quê hương đã bồi đắp nên những phẩm chất quý báu của con người nơi đây – chịu thương, chịu khó, đoàn kết, yêu nước, sáng tạo, kiên cường và tương thân tương ái.
Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/02/1913 tại xã Châu Hưng ,huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Sinh ra trên một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, Huỳnh Tấn Phát lớn lên trong gia đình có truyền thống cần cù lao động và hiếu học. Ngay từ sớm, Huỳnh Tấn Phát đã chứng kiến cảnh nước mất độc lập, đồng bào sống cơ cực, lầm than dưới ách xâm lược. Người thanh niên Huỳnh Tấn Phát sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, hình thành nhân cách nhân ái, giàu tình cảm.
Được sinh ra trong gia đình viên chức nghèo tại xã Châu Hưng. Năm 6 tuổi, cậu bé Phát về sống bên quê ngoại ở xã Ðiều Hòa, Mỹ Tho. Ngay từ thủa nhỏ, Huỳnh Tấn Phát đã được mọi người ngợi khen sống có tình nghĩa. Gia đình bên ngoại nhớ mãi ấn tượng cậu bé Phát ngoan ngoãn, hiếu thảo. Cùng với trí thông minh vốn có, lại được sự chỉ bảo, dạy dỗ cẩn thận của ngoại, Phát học rất giỏi. Lúc nhỏ, ông đã thích vẽ và có năng khiếu về hội họa. Lớn lên, ông còn ham mê đọc các loại sách báo tiến bộ và mác xít. Tốt nghiệp bằng Thành chung ở Mỹ Tho, với tư chất thông minh, hiếu học, gia đình đã tạo điều kiện cho ông tiếp tục theo học bậc trung học. Huỳnh Tấn Phát thi đậu học bổng vào trường Petrus Ký.
Huỳnh Tấn Phát, Chủ nhiệm báo Thanh Niên (Ảnh tư liệu)
Huỳnh Tấn Phát thể hiện là một con người siêng năng học tập. Ở cấp học nào, Phát cũng học giỏi và được cấp học bổng. Năm 1933, khi hai mươi tuổi, ông thi vào Trường Cao đảng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938. Cuối năm 1938, khi vừa tốt nghiệp khoa kiến trúc, ông trở về Sài Gòn và làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon, địa chỉ tại số 68-70 đường Mayer. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư của riêng mình tại Sài Gòn. Đây là văn phòng kiến trúc sư đầu tiên của người Việt Nam. Một năm sau (1941), Huỳnh Tấn Phát đứng đầu cuộc thi thiết kế khu Trung tâm hội chợ triển lãm do Toàn quyền Đông Dương tổ chức. Tên tuổi của ông vang dội khắp nơi. Nhiều công trình do ông thiết kế được đánh giá rất cao về vẻ đẹp thẩm mỹ và sự phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội Nam Bộ.
Con đường Huỳnh Tấn Phát đến với lý tưởng cách mạng
Con đường cách mạng Việt Nam – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, là kết quả của một quá trình sàng lọc theo dòng chảy vận động của lịch sử dân tộc và thời đại những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã tác động mạnh mẽ đến nhiều trí thức tiến bộ, trong đó có người thanh niên giàu lòng yêu nước và nhân văn Huỳnh Tấn Phát.
Trong thời gian học tại trường, Huỳnh Tấn Phát tích cực tham gia phong trào vận động Đông Dương Đại hội những năm 1936-1939. Trong thời gian sống và làm việc ở Sài Gòn từ đầu những năm 40, ông vừa hoạt động chuyên môn vừa tích cực tham gia phong trào yêu nước: phong trào “Truyền bá quốc ngữ” ở Nam Kỳ; trong phong trào “Cứu đói Bắc kỳ” ở Nam Kỳ.
Trong quá trình học tập, Huỳnh Tấn Phát cũng bộc lộ là người thanh niên đạo đức, nhiệt huyết, học tập vì mục tiêu phụng sự đất nước, nhân dân. Ông Dương Tử Giang (Chủ nhiệm tuần báo Văn hóa) đã khẳng định: “Với đức hy sinh ấy, với lòng gan dạ ấy, ta có thể đoán cậu sinh viên Phát tất phải khác hơn các bạn ít nhiều, thay vì đi học để mong sau làm quan, làm giàu, cậu có thể rẽ bước vào đường chông gai, nhứt là vì cậu và đồng bào đã sống – và còn đang sống – dưới chế độ chính trị không hợp với công lý và nhân đạo”[1].
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Huỳnh Tấn Phát đã tham gia nhiều phong trào, nhiều tổ chức của trí thức, của nhiều tầng lớp nhân dân để giác ngộ và đưa họ vào các hoạt động yêu nước, chống áp bức, chống bất công. Với nhiệt huyết của một trí thức yêu nước, Huỳnh Tấn Phát đã đứng ra làm Chủ nhiệm tờ báo Thanh niên với khuynh hướng chống Pháp, chống Nhật. Thanh niên là một tuần báo có giá trị, “Nó có ý thức đứng lên làm lịch sử và thiết tha mời gọi đồng bào các giới đoàn kết cùng đứng lên can đảm chấp nhận hy sinh để nối con đường lịch sử duy nhất đã bị gián đoạn…[2]
Huỳnh Tấn Phát đã dùng tiền của Văn phòng Kiến trúc cho hoạt động của tờ báo Thanh niên, hỗ trợ phong trào sinh viên hoạt động (lúc bấy giờ đã có sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh).
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn là một trong những người đóng góp vào phong trào Thanh niên Tiền phong, huy động các tầng lớp nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh Nam Kỳ, Nam Trung Kỳ, nổi dậy chống Pháp, Nhật, giành chính quyền.
Vợ chồng đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu)
Người dân Sài Gòn còn nhớ buổi diễn thuyết hồi giữa tháng 8/1945, hôm đó “Liên đoàn viên chức Sài Gòn tổ chức ngày giỗ chí sĩ Nguyễn An Ninh tại rạp Nguyễn Văn Hỏa (nay là Công nhân). Diễn giả là Huỳnh Tấn Phát. Hàng nghìn người nghe anh diễn thuyết. Đoàn chủ tịch cuộc lễ khá đặc biệt: Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai. Anh Phát nói về chí sĩ Nguyễn An Ninh và nói về thời cơ giành độc lập. Lần đầu tiên, một cách công khai, Mặt trận Việt Minh được giới thiệu. Anh Phát nói về chương trình của Mặt trận Việt Minh và thông báo tình hình Tổng khởi nghĩa đang sôi sục ở Bắc Bộ, bắc Trung Bộ, ở vài nơi Nam Bộ. Lễ giỗ chí sĩ Nguyễn An Ninh biến thành cuộc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa sau đó hai hôm”[3].
Nhiệt huyết cách mạng của người thanh niên trí thức Huỳnh Tấn Phát đã được tổ chức phát hiện và bồi dưỡng. Đây là tiền đề đề ngày 05/03/1945, Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, chính thức dấn thân theo con đường cách mạng, phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng cách mạng.
Môi trường sống ban đầu của Huỳnh Tấn Phát khác xa so với sau khi ông theo cách mạng, vào chiến khu. Là một kiến trúc sư nổi tiếng, Huỳnh Tấn Phát có rất nhiều điều kiện để sống cuộc sống giàu sang dư giả về vật chất, danh lợi. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tuy được Pháp đào tạo, chịu ảnh hưởng của nền văn minh Pháp và có cuộc sống giàu sang, phú quý, nhưng ông sẵn sáng từ bỏ tất cả, từ bỏ cuộc sống êm ấm, tiện nghi nơi đô thành để tham gia Mặt trận Việt Minh, theo Chính phủ cụ Hồ làm cách mạng ở bưng biền gian khổ, bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành lại được.
Có thể nói kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trong những người tiêu biểu cho tinh thần trách nhiệm của lớp thanh niên trí thức trước vận mệnh sống còn của dân tộc. Những người đã sẵn sàng tình nguyện từ bỏ vinh hoa, phú quý, xếp bút nghiên xuống đường đồng hành cùng nhân dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nói: “Anh Phát tính tình điềm đạm, cởi mở, dễ mến. Gặp anh, ngồi nói chuyện với anh, luôn luôn trên môi anh lúc nào cũng nở nụ cười tươi tỉnh, đôn hậu. Là một trí thức có tài, nhưng anh rất khiêm tốn. Công tác gian nguy trên một trận địa khó khăn, ác liệt song anh luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng (…) Anh luôn luôn thuyết phục mọi người với thái độ chân thành, nên anh cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ủng hộ cách mạng đến cùng”.
Có lòng yêu nước thương dân nồng nàn, đặt sự nghiệp đất nước lên trên lợi ích bản thân, rèn luyện tấm gương đạo đức trong sáng, khiêm nhường, cống hiến tài năng của mình “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” được nhân dân tin yêu, đón nhận và đi theo. Đó chính là những nhân tố thúc đẩy Huỳnh Tấn Phát giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng.
Thành Lộc
[1] . Làm đẹp cuộc đời, Huỳnh Tấn Phát – con người và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 89.
[2] . Nhiều tác giả: Huỳnh Tấn Phát – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 645.
[3] . Làm đẹp cuộc đời, Huỳnh Tấn Phát – con người và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 32.