Nghiên cứu về xã hội của các nhà khoa học đã xuất hiện từ rất sớm, nhưng phải đến đầu thế kỷ XIX, bộ môn khoa học Xã hội học mới được ra đời với tư cách là ngành khoa học xã hội độc lập và Karl Marx là một trong những nhà xã hội học tiêu biểu ở Châu Âu thời kỳ đó
Cống hiến của Karl Marx về xã hội học
Một là, Karl Marx đã chỉ ra xã hội là gì để trên cơ sở đó, các nhà xã hội học xác định đối tượng và phương pháp nghiên cứu của mình. Theo Karl Marx: “Xã hội-cho dù nó có hình thức gì đi nữa-là cái gì? Là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người”[1]. Quá trình tương tác, tác động qua lại giữa các cá nhân trong lịch sử đã hình thành nên những quan hệ xã hội và tổng hòa những quan hệ xã hội đó hình thành nên xã hội: “Xã hội không phải gồm các cá nhân, mà xã hội biểu hiện tổng số những mối liên hệ và những quan hệ của các cá nhân đối với nhau”[2]. Theo đó, xã hội được hiểu là toàn bộ những quan hệ xã hội trong đời sống hiện thực của con người được hình thành từ quá trình lao động, sản xuất, tương tác qua lại với nhau. Vì vậy cơ sở để xác định đối tượng nghiên cứu của xã hội học là những quy luật hình thành, biến đổi và phát triển mối quan hệ giữa cá nhân và cá nhân; giữa cá nhân và quan hệ xã hội của họ; giữa cá nhân và đời sống xã hội của những cá nhân đó.
Xã hội là biểu hiện tổng số những mối liên hệ và những quan hệ của các cá nhân đối với nhau, mà “Trong mọi hoàn cảnh, các cá nhân bao giờ cũng “xuất phát từ bản thân””[3]. Tức là bên cạnh những quan hệ xã hội chung trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, mỗi con người cụ thể trong xã hội có đời sống riêng, có những “quan hệ xã hội” của riêng mình, có kinh nghiệm riêng, có nhu cầu riêng và nguyện vọng riêng. Những nhu cầu riêng, khác biệt đó thúc đẩy con người hành động: “Tất cả cái gì thúc đẩy con người hành động đều tất nhiên phải thông qua đầu óc họ”[4]. Vì vậy, để nhận thức các quy luật xã hội cần phải nghiên cứu mối quan hệ cá nhân và xã hội, tìm ra nguyên nhân thúc đẩy sự vận động và phát triển của cá nhân và xã hội thông qua chuỗi mối liên hệ nhân quả nhu cầu-lợi ích-mục đích và hoạt động thực hiện mục đích.
Hai là, Karl Marx đã chỉ ra các giai đoạn phát triển của lịch sử-xã hội loài người tuân theo các quy luật khách quan trong những hình thái kinh tế-xã hội. Karl Marx đã chỉ ra một chân lý hiển nhiên, đó là để có thể sống, tồn tại con người cần “phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và vài thứ khác nữa”[5]. Nhưng để có những thứ đó, buộc con người phải tiến hành lao động sản xuất và “Trong sản xuất, người ta không chỉ quan hệ với giới tự nhiên. Người ta không thể sản xuất được nếu không kết hợp với nhau theo một cách nào đó để hoạt động chung và để trao đổi hoạt động với nhau. Muốn sản xuất được, người ta phải có những mối liên hệ và quan hệ nhất định với nhau”[6]. Quan hệ giữa người lao động với giới tự nhiên, hình thành nên lực lượng sản xuất; quan hệ giữa người với người trong sản xuất hình thành nên quan hệ sản xuất. Những quan hệ trong sản xuất đó có mối quan hệ biện chứng với nhau và vận động theo quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đồng thời, trong xã hội “Việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp… tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta”[7] và “Cơ cấu xã hội và nhà nước luôn luôn nảy sinh ra từ quá trình sinh sống của những cá nhân nhất định”[8], còn “những cá nhân nhất định, hoạt động sản xuất theo một phương thức nhất định, đều nằm trong những quan hệ xã hội và chính trị nhất định”[9]. Điều đó cho thấy, những yếu tố cơ bản cấu thành nên xã hội gồm lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng và những quan hệ xã hội. Tất cả những thành tố cơ bản đó vận động, biến đổi trong hình thái kinh tế-xã hội nhất định. Đây là lý luận có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu về xã hội học nói chung và cơ cấu xã hội nói riêng. Sau này, V.I.Lenin cũng đã khẳng định: “Mác cũng là người đầu tiên đã làm cho xã hội học có một cơ sở khoa học, bằng cách xác định khái niệm coi hình thái kinh tế xã hội là một toàn bộ những quan hệ sản xuất nhất định, bằng cách xác định rằng sự phát triển của những hình thái đó là một quá trình lịch sử - tự nhiên”[10] và “đứng về một phương diện khác mà nói thì giả thuyết đó lần đầu tiên đã nâng xã hội học lên ngang hàng một khoa học”[11].
Ngoài những cống hiến to lớn về Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học... Karl Mark còn có những cống hiến có giá trị về Xã hội học
Ba là, từ thực tiễn tồn tại giai cấp và đấu tranh giai cấp trong xã hội, Karl Marx đã xây dựng lý thuyết xung đột xã hội đối kháng và chỉ ra quy luật biến đổi của xã hội có giai cấp. Tiền đề của lý thuyết xung đột là quy luật mâu thuẫn và quy luật phủ định của phủ định. Theo Karl Marx, sự xuất hiện giai cấp gắn với quá trình phát triển của lực lượng sản xuất làm xuất hiện chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.
Trong xã hội có xung đột giai cấp, giai cấp thống trị chiếm đoạt lao động của các giai cấp và tầng lớp bị trị, theo đó họ cũng bị áp bức về chính trị, tư tưởng và tinh thần gây nên những xung đột trong xã hội. Vì vậy, trong xã hội tồn tại giai cấp tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp. Nguyên nhân trực tiếp của đấu tranh giai cấp là do xung đột lợi ích, mà chủ yếu là lợi ích kinh tế đối kháng.
Xung đột trong xã hội hiện đại được biểu hiện bằng những cuộc đấu tranh giai cấp của tư sản và vô sản. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản nhằm giải phóng con người khỏi chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa và xóa bỏ hoàn toàn chế độ người bóc lột người. Do vậy, đây là cuộc đấu tranh gay go và phức tạp nhất trong lịch sử. Trong xã hội còn tồn tại sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất cần lưu ý tới vấn đề phân chia giai cấp, phân tầng xã hội và giải quyết những xung đột xã hội.
Giá trị nghiên cứu Xã hội học của Karl Marx
Nghiên cứu những cống hiến của Karl Marx về Xã hội học, chúng ta rút ra những giá trị trong nghiên cứu về xã hội ở Việt Nam hiện nay:
Một là, xã hội là “tổng số những mối liên hệ và những quan hệ của các cá nhân đối với nhau”. Vì vậy, nghiên cứu về xã hội cần tìm hiểu quá trình hình thành, biến đổi và phát triển mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Hơn nữa, quy luật xã hội là quy luật của con người, được hình thành trên cơ sở mối quan hệ nhu cầu-lợi ích-mục đích. Vì vậy, nhận thức quy luật xã hội cần sử dụng linh hoạt phương pháp biện chứng duy vật, tránh áp đặt chủ quan, thiếu dữ liệu khách quan.
Hai là, cơ cấu xã hội được gắn kết bởi các yếu tố cấu thành: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng và sự vận động biến đổi của xã hội là quá trình lịch sử-tự nhiên, do sự vận động của những quy luật khách quan là quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp. Vì vậy, nghiên cứu cơ cấu xã hội và quy luật biến đổi xã hội không tách rời các thành tố cấu thành và quy luật cơ bản trên.
Ba là, trong xã hội có sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất tất yếu sẽ hình thành giai cấp và phân tầng xã hội. Ở xã hội hiện đại, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất nhằm tạo ra cuộc chuyển biến lớn về biến đổi xã hội-xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Xã hội mới ra đời phải hội tụ đủ điều kiện khách quan và chủ quan cần thiết. Điều kiện khách quan là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất của nền đại công nghiệp, quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Điều kiện chủ quan là giai cấp vô sản phải tập hợp được liên minh với nông dân và trí thức, xây dựng chính Đảng Cộng sản lãnh đạo trên nền tảng hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Xã hội học là ngành khoa học của thời hiện đại, nghiên cứu và lý giải những sự kiện xã hội và quy luật biến đổi xã hội, qua đó, cung cấp tri thức xã hội cần thiết cho quá trình nhận thức, nắm bắt các quy luật biến đổi của xã hội, dự báo xu hướng biến đổi của xã hội. Đặc biệt, Xã hội học cung cấp dữ liệu khách quan cho quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững.
Do những chức năng quan trọng đó, những nhà nghiên cứu Xã hội học ở Việt Nam hiện nay luôn phải bám sát lập trường thế giới quan của giai cấp công nhân, không cho phép mơ hồ về ý thức hệ và thiếu phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử khi khái quát, đánh giá những sự kiện xã hội cũng như chỉ ra những nguyên nhân, bản chất của biến đổi xã hội.
Hà Lê
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.27, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.657.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.46, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.355.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 3, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội,1995, Tr 642.
[4] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t. 21, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 438.
[5] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội,1995, tr.40.
[6] C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 6, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.552.
[7] C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.500.
[8] C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t. 3, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.36.
[9] C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.36.
[10] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 1, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr. 166.
[11] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 1, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr. 162.