Câu chuyện về 16 tấn vàng trong ngân hàng của Việt Nam Cộng hòa cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi, nhất là kế hoạch mang số vàng đó ra nước ngoài của tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từng để lại nững bí ẩn xoay quanh số vàng này và vai trò của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa
Trước khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa của tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã trải qua những năm tháng không ngừng nghỉ với một cuộc chiến kéo dài trong mệt mỏi và kiệt quệ.
Đỉnh điểm là những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4/1975, khi những tuyến phòng thủ của Quân lực Việt Nam cộng hòa liên tục sụp đổ trước đà tấn công mãnh liệt của quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong những ngày cuối cùng của chế độ miền Nam, sự từ chối viện trợ khẩn cấp của Hoa Kỳ đã đặt chính quyền Sài Gòn vào tình thế khốn cùng, không chỉ về mặt quân sự mà còn kéo lùi nền kinh tế miền Nam xuống tận đáy.
Trong bối cảnh đó, 16 tấn vàng ở Ngân hàng quốc gia không chỉ là sự bảo chứng cho nền kinh tế, mà còn là tia hy vọng cuối cùng để tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài và củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa.
Kế hoạch mang vàng ra nước ngoài
Trong giai đoạn cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng trước áp lực đè nặng về mọi phương diện, đặc biệt là phương diện tài chính. Chính vì thế, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đưa ra một kế hoạch sử dụng 16 tấn vàng trong ngân khố quốc gia như là một biện pháp cuối cùng để có thể giúp Việt Nam Cộng hòa có được một nguồn tài chính khẩn cấp để giải quyết mọi vấn đề đang đặt ra
Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đã bay sang Saudi Arabia và đề nghị Quốc vương nước này đồng ý cho Việt Nam Cộng hòa tiếp tục vay tiền.
Theo lệnh của Tổng thống Thiệu, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Tổng trưởng Kế hoạch kiêm Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đi Hoa Kỳ vào ngày 15/04/1975 để vay 3 tỷ USD từ chính phủ Hoa Kỳ.
Những thứ dùng để thế chấp cho khoản vay bao gồm tiềm năng dầu hỏa, tiềm năng nông phẩm, số tiền Saudi Arabia hứa cho vay và 16 tấn vàng dự trữ trong ngân khố quốc gia (có giá trị khoảng trên 100 triệu USD thời giá lúc bấy giờ).
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt từ những nguồn tin quốc tế thường trú tại Sài Gòn. Các phóng viên thường tụ tập tại một số quán cà phê nổi tiếng tại Sài Gòn và theo một cách nào đó, họ nghe được tin phong thanh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ đem 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa ra nước ngoài.
Tuy nhiên, báo chí lái vấn đề này theo một chiều hướng khác tệ hại hơn, đó là việc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chiếm đoạt 16 tấn vàng và chạy ra nước ngoài.
Theo cuốn sách có tựa đề Decent Interval của tác giả Frank Snepp: "Mấy ngày trước khi gửi đi, một người báo tin cho sứ quán biết. Một cộng tác viên của đại sứ Graham Martin cho là không thể tin được Nguyễn Văn Thiệu, nên đã tố cáo với giới báo chí. Kết quả là các hãng hàng không đều không nhận chở vàng nữa. Kế hoạch của Nguyễn Văn Thiệu bị vỡ".
Martin cũng can thiệp kịp thời để đánh tan mọi dư luận xung quanh tin đồn này. Ông khuyên Nguyễn Văn Thiệu gửi vàng sang Ngân hàng dự trữ liên bang tại New York. Việc đó rất hợp pháp và Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận.
Ngày 16/04/1975, Sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn điện cho Washington xin một chuyến bay quân sự đặc biệt được bảo hiểm để chở số vàng đi New York. Nhưng ngân hàng New York không tìm được hợp đồng bảo hiểm cho một tài sản lớn đến như vậy gửi từ một quốc gia đang có chiến tranh.
Công việc kéo dài vài ngày, trong lúc đó hàng chục sư đoàn Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn bằng mọi ngả đường. Vàng vẫn nằm yên trong kho Ngân hàng Quốc gia.
Cuối cùng thì vấn đề bảo hiểm cũng được dàn xếp xong. Sáng ngày 25/04/1975, một phi cơ quân sự từ căn cứ không quân Clark của Philippines đã hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, sẵn sàng đưa 16 tấn vàng ra khỏi Nam Việt Nam trước 7:00 sáng ngày 27/04/1975.
Sự thay đổi chóng vánh của tình hình chính trị và quân sự tại miền Nam Việt Nam đã buộc Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức vào ngày 21/04/1975, trước khi kế hoạch di chuyển vàng có thể được tiến hành.
Tin đồn về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu định đem 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa ra nước ngoài đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới qua các phương tiện truyền thông của phương Tây, mà điển hình là các hãng tin BBC, AP và Los Angeles Times. Những tin đồn này thiếu bằng chứng cụ thể và dựa trên những suy đoán thiếu cơ sở. Theo báo chí quốc tế và các nguồn tin đáng tin cậy, đặc biệt là những nguồn tin sau năm 1975 của báo chí trong nước, 16 tấn vàng này sau cùng đã không rời khỏi Nam Việt Nam mà rơi vào tay chính phủ giải phóng sau ngày 30/04/1975. Mặc dù vậy, những cáo buộc về tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đem 16 tấn vàng ra nước ngoài làm của riêng vẫn tồn tại dai dẳng.
Biên bản kiểm kê số vàng của Đoàn C282Q (Nguồn: Nhân Dân TV)
Kế hoạch bất thành
Phòng tuyến Xuân Lộc ngay từ những ngày đầu tiên đã trở thành một mặt trận gay go và ác liệt, là một trong những trận đánh ác liệt nhất giữa quân lực Việt Nam Cộng hòa với Quân giải phóng trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Mặc dù cố gắng nhưng việc cạn kiệt đạn dược đã khiến cho việc phòng thủ Xuân Lộc ngày càng trở thành khó khăn.
Sau khi Xuân Lộc thất thủ, trước sức ép mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các phe phái đối lập trong chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải tuyên bố từ chức.
Trong đêm 25/04/1975, dưới sự hộ tống của Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã lên đường tới Đài Bắc với danh nghĩa lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa đến phúng điếu Tưởng Giới Thạch mất cách đó 3 tuần. Lúc này, quyền kiểm soát 16 tấn vàng đã không còn nằm trong tay tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Số vàng này vẫn được cất giữ trong hầm của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại bến Chương Dương.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, khi đó là cựu Phó Thủ tướng chính quyền Sài Gòn đã mạnh mẽ phản đối việc chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài. Ông cho rằng, nếu 16 tấn vàng được chuyển đi thì chính phủ kế nhiệm sẽ có thể kết tội chính phủ đương nhiệm là phản quốc.
Trước sự phản đối này, Tổng thống Trần Văn Hương đã hoãn việc chuyển vàng ra nước ngoài vô thời hạn, cho tới khi một chính phủ mới được thành lập. Tổng thống Nguyễn Văn Hương cho rằng nên để số vàng ở lại, bởi vì số vàng có thể nâng cao vị thế của Việt Nam Cộng hòa trong các cuộc thương lượng với Quân giải phóng.
Đại sứ Mỹ Martin mặc dù bất ngờ trước quyết định này, nhưng cũng không cố gắng thuyết phục Tổng thống Nguyễn Văn Hương thay đổi quyết định.
Chiếc máy bay dự kiến chở vàng ra nước ngoài đã được lệnh đợi đến đêm ngày 27/04/1975, nhưng cuối cùng 16 tấn vàng đã ở lại Việt Nam. Quyết định giữ vàng lại đã phản ánh tình hình chính trị phức tạp tại thời điểm lúc đó của chính quyền Sài Gòn.
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa năm 1975 (Ảnh tư liệu)
Vàng đổi chủ
Tháng 12/1974, C.282Q, một đơn vị công an vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) đã nhận lệnh hành quân vào miền Nam thông qua đường Campuchia, để chuẩn bị lực lượng đánh chiếm Sài Gòn. Những ngày tháng 4/1975, tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh, một đoàn tiếp quản đặc biệt đã chuẩn bị sẵn sàng để tiến vào Sài Gòn ngay sau khi Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/1975.
Ông Lữ Minh Châu, về sau là Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ tiếp quản Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của chính quyền Sài Gòn. Sáng ngày 30/04/1975, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại số 17 Bến Chương Dương đáng lẽ ra phải bắt đầu ngày làm việc bình thường, nhưng lại vắng lặng một cách không ngờ. Cảnh sát dã chiến bảo vệ trước cổng ngân hàng cũng không biết đã rút đi từ lúc nào. Khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố chính thức buông súng đầu hàng Quân Giải phóng, một số viên chức tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã bỏ về gia đình với vợ con để giải quyết các công việc riêng của họ.
Sáng ngày 01/5/1975, đoàn tiếp quản của Quân giải phóng đã có mặt tại số 17 Bến Chương Dương. Lá cờ giải phóng được treo lên nóc tòa nhà Ngân hàng để chuẩn bị thủ tục tiếp quản. Cũng như nhiều cơ sở khác của chế độ Sài Gòn, tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, mọi trang thiết bị, máy móc, hồ sơ và tài liệu đều còn nguyên vẹn, không bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa phá hủy. Đặc biệt là tổng số vàng dự trữ của Việt Nam Cộng hòa còn lại gần 22 tấn, trong đó có 16 tấn vàng mà báo chí đã đồn thổi rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã âm thầm chiếm đoạt và mang theo khi đến Đài Loan đêm 25/04.
Theo cuốn sách Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tổng số tiền mặt khi tiếp quản ngân hàng Việt Nam Cộng hòa là 150 tỷ đồng, dự trữ ngoại hối 252 triệu USD, 16 tấn vàng trong kho, chưa kể các tài sản ký gửi.
Còn theo cán bộ phụ trách đoàn C.282Q chia sẻ với Nhân dân TV, tổng số tiền mặt còn lại là 625 tỷ đồng, dự trữ ngoại hối không rõ, vẫn còn 16 tấn vàng trong kho cùng một số tài sản ký gửi và cổ vật khác.
16 tấn vàng đã được sử dụng ra sao ?
Vậy 16 tấn vàng cuối cùng đã đi đâu nếu không bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chiếm làm của riêng và mang ra nước ngoài.
Những năm cuối thập niên 1970 thế kỷ XX, nước Việt Nam thống nhất đứng trước những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế. Cuộc sống của người dân ở thời điểm này vô cùng khó khăn đến mức phải sử dụng cả những hạt bo bo là những loại lương thực cấp thấp làm bữa ăn hằng ngày, vì thế đã có quyết định bán đi phần lớn số vàng dự trữ để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm đang vô cùng thiếu thốn và trả nợ quốc tế.
Vào năm 1979, Việt Nam đã bán đi 40 tấn vàng trong kho dự trữ quốc gia, trong đó có 16 tấn vàng tiếp quản từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Việc làm này được thực hiện nhằm mục tiêu cấp bách mua lương thực, thực phẩm và trả nợ. Đây là giai đoạn mà việc bán vàng lấy ngoại tệ trở thành một lựa chọn tất yếu của Nhà nước ta. Quá trình bán vàng không hề đơn giản. Vàng được tái chế từ nhiều nguồn khác nhau, từ vàng thỏi, vàng lá, vàng trang sức, tất cả đều phải làm lại theo tiêu chuẩn của Liên Xô, mỗi thỏi 1kg, để bảo đảm tính đồng nhất và dễ bán hơn. Hãng hàng không Aeroflot của Liên Xô bảo đảm việc vận chuyển số vàng này.
Năm 1988, Việt Nam quyết định chuyển trở lại về nước 2,7 tấn vàng còn đang gửi lại các kho vàng ở Liên Xô và sau đó là việc thu hồi 5,7 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa đang gửi ở ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ về Ngân hàng quốc gia Tiệp Khắc, rồi sau đó nhờ họ bán lấy tiền để mua những nhu yếu phẩm cho nhu cầu trong nước cũng như việc trả nợ cho Liên Xô và Trung Quốc.
Gần 50 năm qua, nhiều người vẫn thắc mắc về số phận 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa đã suýt nữa bị đem đi trong những ngày cuối tháng 4/1975. Nhưng cuối cùng kế hoạch của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã không thực hiện được do sự sụp đổ quá nhanh bởi đà tiến quân như vũ bão của quân giải phóng, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/ 1975.
Quỳnh Chi