Giai đoạn khởi đầu
Năm 1939, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt nhận được một bức thư với nội dung khẩn từ Albert Einstein, thông báo rằng các nhà vật lý học đã phát hiện ra nguyên tố uranium có khả năng kích hoạt một nguồn năng lượng khổng lồ, đủ để tạo ra một quả bom. Theo nghi ngờ của Einstein, thủ lĩnh Đức Quốc xã Hitler cũng đang trong quá trình tích trữ số lượng lớn nguyên tố này với mục đích tương tự.
Vào thời điểm ấy, dù Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn chưa diễn ra và ba năm sau Mỹ mới nhúng tay vào chiến sự, nhưng sức nặng từ lá thư của Einstein đã đủ để khiến chính phủ Mỹ hành động. Các nhà vật lý học hàng đầu được chính phủ tập hợp để tham gia một kế hoạch bí mật. Theo nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Alex Wellerstein, mục tiêu ban đầu đặt ra cho các nhà khoa học là kiểm chứng khả năng hiện thực hóa ý tưởng bom nguyên tử, xem có thể tạo ra loại vũ khí sử dụng năng lượng giải phóng từ một nguyên tử phân tách làm hai hay không.
Kế hoạch Manhattan được ra đời với mục tiêu chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Đám mây hình nấm xuất hiện sau khi kích hoạt bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 16/7/1945 tại Alamogordo, New Mexico. Nguồn:Shutterstock
Tuy nhiên, đến năm 1942, mục tiêu đã chuyển thành chế tạo bom nguyên tử trước khi Đức có thể hoàn thiện. Vào thời điểm Mỹ tham chiến, kế hoạch mật đã quy tụ hàng vạn người, bao gồm các nhà khoa học và người dân, không lâu sau, nó được gọi tên là “Kế hoạch Manhattan” (the Manhattan Project).
Những nhân vật cốt cán
Như đã đề cập, nghiên cứu vũ khí hạt nhân được bắt đầu trước cả khi Mỹ tham gia Thế chiến II. Tuy nhiên, khác với những dự án nghiên cứu tiền nhiệm, Kế hoạch Manhattan hướng tới một mục tiêu rõ ràng: chế tạo một quả bom để tham chiến. Dự án chính thức khởi động vào mùa thu năm 1941, khi kỹ sư Vannevar Bush, lãnh đạo Ủy ban Nghiên cứu Uranium do chính phủ thành lập, thuyết phục Tổng thống Roosevelt có thể hoàn thành quả bom nguyên tử đầu tiên trong thời hạn chưa đến một năm.
Trong vòng một năm sau sự kiện này, Tướng Leslie R. Groves trực thuộc Công binh Lục quân Hoa Kỳ được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu dự án. Theo nhiệm vụ được giao, Groves luôn giữ lập trường vững vàng nhằm đảm bảo Kế hoạch Manhattan nhận được ưu tiên hàng đầu về ngân sách cũng như mọi nguồn tài nguyên trong suốt giai đoạn thực hiện. Theo Wellerstein, việc bổ nhiệm Tướng Groves là một bước đi khiến thế trận thay đổi hoàn toàn, và “nếu không có ông, kế hoạch có thể đã không hoàn thành”.
Đóng góp vào dự án là công sức của hàng ngàn nhà khoa học hàng đầu trên khắp nước Mỹ. Trong đó, hai nhà vật lý học đến từ Đại học Chicago, Enrico Fermi và Leo Szilard có vai trò quan trọng đặc biệt tới thành quả của dự án. Đặc biệt, Fermi được công nhận với tài năng hiếm thấy ở cả hai lĩnh vực vật lý lý thuyết và thực hành. Hai nhà khoa học hoạt động dưới quyền J. Robert Oppenheimer, giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos kiêm giám đốc phụ trách khoa học cho Kế hoạch Manhattan.
Một trong những bước đầu tiên là tạo ra phản ứng dây chuyền – hiện tượng một loạt các nguyên tử bị phân tách giải phóng nguồn năng lượng đủ để kích hoạt một vụ nổ. Không lâu sau thời điểm khởi động dự án, Fermi và Szilard đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời là những người đầu tiên trên thế giới làm được điều này.
Ảnh chụp nhà vật lý người Mỹ gốc Ý Enrico Fermi vào năm 1942. Ông là một nhà vật lý lỗi lạc, và đồng thời là nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong Kế hoạch Manhattan. (Ảnh: Ralph Morse/Getty Images)
Những thành phố bí mật
Dù mang tên “Manhattan” nhưng Kế hoạch được thực hiện trên khắp nước Mỹ và các quốc gia khác như Canada, Anh, Congo (khi ấy vẫn là thuộc địa của Bỉ) và một số nước ở bờ Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cơ quan đầu não chuyên giải quyết những câu hỏi nghiên cứu cơ mật nhất vẫn là Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (Mỹ). Theo miêu tả của sử gia, phòng thí nghiệm nằm giữa chốn “đồng không mông quạnh”, được xây dựng vào năm 1943, giữa những đỉnh núi hẻo lánh phía Bắc New Mexico.
Ngoài ra, một số phòng thí nghiệm khác cũng được trưng dụng và góp vai trò quan trọng đối với Kế hoạch, chẳng hạn như Phòng thí nghiệm Met Lab (ĐH Chicago) và Rad Lab (ĐH California Berkely). Tại phòng thí nghiệm trực thuộc các trường Đại học, các nhà khoa học sẽ chỉ thực hiện những nghiên cứu được chỉ định mà không được cho biết công trình của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc chế tạo bom. Chẳng hạn, khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu về plutonium, các nhà nghiên cứu ở Met Lab, hoặc các cơ sở tương tự, sẽ chỉ nghiên cứu cách tạo plutonium mà không biết tại sao phải tạo ra nó. Và kết quả nghiên cứu cuối cùng sẽ được tập hợp tại Los Alamos.
Để chế tạo bom nguyên tử, các nhà khoa học cần số lượng lớn các nguyên tố phóng xạ kém bền uranium hoặc plutonium. Uranium thì dễ điều chế hơn, song các nhà khoa học cho rằng plutonium có thể rút ngắn thời gian hoàn thành quả bom nên đã quyết định thử nghiệm với cả hai nguyên tố. Kết quả, hai lò phản ứng hạt nhân ra đời, bao gồm lò phản ứng uranium Oak Ridge ở miền đông Tennessee và lò plutonium Hanford tại Washington.
Nguồn nhân lực được huy động để xây dựng cơ sở hạ tầng cho hai lò phản ứng trên lên tới hàng vạn người, vào giai đoạn cuối cuộc chiến, dự án có hơn 500.000 nhân lực. Lúc này, câu hỏi đặt ra là làm sao giữ bí mật cho dự án với số lượng người liên quan lớn như vậy. Và những thành phố bí mật ra đời từ đây.
Các thành phố bí mật được xây dựng xung quanh các lò hạt nhân mới nhằm cung cấp chỗ ở cho công nhân và gia đình. Khi chiến tranh kết thúc, dân số ở Oak Ridge và Hanford lần lượt chạm mốc 75,000 và 50,000 người. Tuy nhiên, những địa danh này lại hoàn toàn bị giấu khỏi bản đồ, và hầu hết công nhân tại đây không hề biết chính xác mình đang xây cái gì. Theo chính sách “chia ngăn” của chính phủ, công nhân tại đây chỉ được cung cấp thông tin ở mức “đủ biết”.
Thử nghiệm bom
Đến ngày 16/7/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên Gadget, đã sẵn sàng và đưa vào thử nghiệm mang tên Trinity. Và trong suốt giai đoạn chế tạo, mục tiêu ban đầu của Kế hoạch Manhattan đã chuyển hướng từ chạy đua với Đức sang nhắm tới Nhật Bản.
Vài tuần sau vụ nổ của Gadget, ngày 6/8/1945, quả bom uranium mang tên "Little Boy" đã đáp xuống thành phố Hiroshima. Và quả bom plutonium "Fat Man", chỉ ba ngày sau, đã hủy diệt Nagasaki. Chưa đầy một tuần sau, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh, Thế chiến II bước vào giai đoạn chấm dứt.
Một số nhà khoa học đã chỉ trích định hướng của Kế hoạch Manhattan rằng dù ủng hộ ý tưởng chạy đua chống lại Đức Quốc xã trong cuộc chiến hạt nhân, nhưng họ không hề đồng tình với diễn biến cuối cùng của Kế hoạch, với cách Mỹ sử dụng hai quả bom. Szilard cũng nằm trong nhóm phản đối này. Trước sự kiện Hiroshima và Nagasaki, ông đã kiến nghị Tổng thống Truman không thả bom và chuyển ngành sang nghiên cứu sinh học sau khi Kế hoạch kết thúc.
Trong khi đó, một số khác, bao gồm những người tâm huyết với công trình chế tạo, thực sự tin rằng sức mạnh hủy diệt của quả bom sẽ chấm dứt chiến tranh. Nhưng nếu thực sự nhìn dưới góc độ chấm dứt chiến tranh, Kế hoạch Manhattan là một thất bại, từ những quả bom nguyên tử đầu tiên này, nhân loại vẫn bước vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và Chiến tranh lạnh vẫn xảy ra./.
Theo Livesciences