Kết quả cuộc bỏ phiếu toàn quốc của Nga về một loạt sửa đổi trong Hiến pháp đã tái khẳng định rằng hầu hết người Nga đều muốn đất nước tự quyết định những thay đổi của mình mà không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ bên ngoài.
Các thành viên trong một ủy ban bầu cử địa phương đang kiểm phiếu sau cuộc bỏ phiếu 7 ngày trên toàn nước Nga về các điểm sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Reuters |
Sau khi kiểm 99% phiếu bầu, khoảng cách giữa tỷ lệ tán thành và phản đối là rất lớn. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, khoảng 70% cử tri tán thành với 206 điểm sửa đổi Hiến pháp và gần 30% cử tri phản đối. Các kết quả chính thức sau khi kiểm 99% phiếu bầu cho thấy 78,03% người Nga tán thành với các sửa đổi về Hiến pháp trong khi tỷ lệ phản đối là 21,16%.
Thậm chí các tổ chức chính trị tự do ở Moscow cũng khẳng định rằng kết quả các cuộc thăm dò dư luận của họ cho thấy người dân thủ đô của Nga đều ủng hộ các đề xuất của Tổng thống Putin. Ngoài ra, các cuộc khảo sát này còn tiết lộ rằng đa số cử tri ở nhiều quận của Moscow với các hội đồng địa phương do phe đối lập kiểm soát cũng đều tán thành với các thay đổi trên.
Trong khi phương Tây đồn đoán rằng quy trình thông qua các điểm sửa đổi Hiến pháp của Nga không nghiêm ngặt thì mặc dù được cả Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga), Tòa án Hiến pháp và tất cả 85 chủ thể liên bang thông qua nhưng Tổng thống Putin vẫn quyết định tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nhằm đạt được tính hợp pháp rộng khắp đối với các thay đổi mà ông đề xuất. Vì vậy, bản thân cuộc bỏ phiếu trên đã mang hàm ý đánh giá liệu Tổng thống Putin còn là một ứng viên nhận được sự ủng hộ rộng rãi để chiếm được ưu thế trong chính trường Nga hay không.
Trên thực tế, các điểm sửa đổi trong Hiến pháp Nga mà điện Kremlin đề xuất đã thực sự khiến cho phe đối lập "há miệng mắc quai". Mặc dù có thể phe đối lập không tán thành với kế hoạch vô hiệu hóa những hạn chế về nhiệm kỳ của Tổng thống Putin nhưng có rất nhiều điểm sửa đổi trong đề xuất trên rất khó để phản đối bởi chúng "động chạm" trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Chẳng hạn, trong các điểm sửa đổi có quy định các nhân viên nhà nước bị cấm sở hữu tài khoản ngân hàng và quốc tịch nước ngoài, hay như lệnh cấm không được từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Nga và đảm bảo ràng mức lương tối thiểu không được thấp hơn mức sống cơ bản.
Một vấn đề đáng chú ý là kết quả các cuộc bỏ phiếu đã cho thấy rằng đa số người dân Nga thực sự muốn ông Putin tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2024. Mùa hè năm ngoái, theo cuộc khảo sát do một đơn vị thăm dò dư luận độc lập tiến hành, 54% người dân Nga muốn ông Putin tiếp tục là Tổng thống ít nhất đến năm 2030 trong khi chỉ 38% người tham gia muốn ông Putin không tiếp tục giữ vị trí Tổng thống trong 4 năm tới.
Như vậy, cuộc bỏ phiếu ngày 1/7 đã cho thấy rõ ràng hầu hết người dân Nga thực sự muốn điều gì, ít nhất là trong tương lai trước mắt, bất kể những nghi ngại và ảnh hưởng của bên ngoài ra sao./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)